Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đề nghị cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ vay ODA
Khánh An - 15/10/2015 19:10
 
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản vừa diễn ra, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển N&G (N&G Corp) đã kiến nghị dùng nguồn ODA hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
.
 Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản

Theo đề nghị của ông Hoàng, nguồn vốn ODA hoặc vốn vay ưu đãi của Nhật Bản nên được dành một phần cho doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ vay để đầu tư máy móc, thiết bị.

"Với mức lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ có điều kiện đầu tư đáp ứng các yêu cầu cao của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Vì các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư mua máy móc, thiết bị từ Nhật Bản, theo chuẩn của các doanh nghiệp Nhật Bản”, ông gửi khuyến nghị tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Hoàng cũng cho đây là cách thức cụ thể hóa cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ mà Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất trước đó.

Cũng tại Diễn đàn, trong khi thảo luận về vấn đề này, các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục than phiền về việc doanh nghiệp Nhật khó tìm nhà cung cấp nguyên phụ liệu tại Việt Nam, điều này ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của họ tại Việt Nam. “Các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam đều không có ý định rời đi, nhưng họ vẫn rất lo khi công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chậm tiến triển”, ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam nói rõ.

Lý giải, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhắc tới một trong những nguyên nhân do chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam đang rất cao. "Nếu so với các nước thành viên của TPP thì doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh lãi suất vay ngân hàng cao nhất. Điều này làm khó cho các kế hoạch đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam", ông Tâm thẳng thắn.

Để cải thiện tình hình, các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn cho rằng, cần thay đổi tư duy về phát triển công nghiệp hỗ trợ. "Không phải nhà nước hỗ trợ để các doanh nghiệp phát triển nữa, mà phải là nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư. Có như vậy mới tạo được bước chuyển mạnh", đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói.

Đây cũng là lý do ông Hoàng đưa thêm 2 giải pháp.

Một là, cung cấp thông tin đầy đủ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản về nhu cầu thị trường linh phụ kiện hiện Việt Nam đang nhập khẩu để họ có phương án đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp cũng có danh sách doanh nghiệp Việt Nam đang có khả năng, nhu cầu hợp tác sản xuất với doanh nghiệp Nhật Bản. “Tất nhiên, đi kèm với đó là các thông tin rõ ràng, cụ thể về các chính sách ưu đãi và dự kiến ưu đãi khi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản lấy việc cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp hai nước nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng làm ưu tiên phát triển, hợp tác. Xem xét cụ thể từng trường hợp hỗ trợ để thúc đẩy sự hình thành chuỗi sản xuất liên kết - cung ứng giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam và từ đó tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng của TPP và thế giới”, ông Hoàng khuyến nghị.

Hai là, đề nghị có chính sách riêng các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam để thúc đẩy các doanh nghiệp này tham gia vào chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. “Đơn cử, có thể xem xét cụ thể về hỗ trợ giá bán với Toyota khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào ASEAN vào năm 2018, để có chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện khi lắp ráp xe tại Việt Nam. Trên cơ sở đó có cơ chế ràng buộc tỷ lệ nội địa hoá từng năm, đề nghị các tập đoàn này có kế hoạch hợp tác cụ thể với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Nhật Bản trong cung ứng nguyên phụ liệu”, ông Hoàng nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề nghị tăng nguồn ODA cho phát triển nhân lực và công nghiệp hỗ trợ. “Hướng này sẽ tạo ra thế kiềng 3 chân vững chắc trong hợp tác tới đây của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, chứ không chỉ tập trung vào lĩnh vực hạ tầng như lâu nay”, ông Lộc nói.

Trước đó, vào tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng ban. Các ủy viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo Bộ: Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Bộ Công thương…

Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ hợp tác với phía Nhật Bản nhằm xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào các ngành công nghiệp trong Chiến lược; giám sát, kiểm tra và đánh giá hiệu quả việc thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp được lựa chọn để tập trung phát triển theo Kế hoạch đề ra; phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ các vấn đề về quy định, thủ tục, các vấn đề có tính liên ngành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động trong các ngành công nghiệp được lựa chọn trong Chiến lược này.

"Chúng tôi mong các khuyến nghị cụ thể này sẽ được Chính phủ xem xét", ông Hoàng tâm huyết.

Công nghiệp hỗ trợ chỉ phát triển khi có dự án mang tính động lực
Các địa phương Vùng Duyên hải miền Trung có lợi thế khá tương đồng, do vậy, để thu hút đầu tư có hiệu quả, đặc biệt là lĩnh vực công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư