Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Đề nghị truy thu gần 470 tỷ thuế nhập khẩu xăng dầu
Thanh Hương - 01/09/2013 13:56
 
Kiểm toán Nhà nước vừa đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát các tờ khai xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa năm 2012, xử lý quyết định truy thu thuế bổ sung theo kết quả kiểm toán xác định với số tiền là 469,664 tỷ đồng. >>> Petrolimex, PV Oil, Mipeco khó thoát truy thu thuế tiền tỷ >>> Yamaha Motor Việt Nam ra điều kiện nộp thuế

Đề nghị này được Kiểm toán Nhà nước đưa ra sau khi kết thúc kiểm toán chuyên đề quản lý hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập năm 2012 của Tổng cục Hải quan.

Trước đó, câu chuyện truy thu thuế xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012 đã gây ồn ào khi Bộ Tài chính ra các quyết định truy thu với các ông lớn là các đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu quân đội, Công ty Nam Việt…

Tổng cộng số tiền truy thu theo các quyết định được công bố trước đây là khoảng 330 tỷ đồng, trong đó riêng Petrolimex là khoảng 170 tỷ đồng.

Việc truy thu thuế xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa cũng dừng lại trong năm 2012 mà không tính cho giai đoạn 2009-2011 bởi lý do các doanh nghiệp đã quyết toán tài chính, nếu truy thu sẽ không có nguồn để thực hiện, gây nên ảnh hưởng khó khăn cho doanh nghiệp.

Xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết, chuyển tiêu thụ nội địa
sẽ bị truy thu thuế

Với sự chênh lệch trong số đề nghị của Kiểm toán Nhà nước hiện nay và số đã ra quyết định truy thu của Bộ Tài chính, các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu vẫn sẽ có nguy cơ tiếp tục phải nộp thêm các khoản thu cho việc tạm nhập xăng dầu nhưng không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa của năm 2012.

Đề nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước cũng diễn ra trong thời điểm Bộ Tư Pháp và Bộ Tài chính không thống nhất với nhau về sự có mặt của công văn số 17060/BTC-VP liên quan đến truy thu thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa.

Trong khi Bộ Tư pháp có văn bản 170/KTrVB cho rằng, công văn 17060/TB-BTC không tính đến và đã làm thay đổi cơ chế khai hải quan đã được xác lập tại Thông tư 194/2010/TT-BTC, đồng thời đã dẫn tới việc thay đổi thời điểm tính thuế với hàng hóa tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa. Bởi vậy, Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Tài chính hủy bỏ công văn 17060/TB-BTC.

Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, không thể dùng công văn hành chính cá biệt như văn bản 17060/TB-BTC để “bẻ ghi”, thay thế cơ chế đã được xác lập tại Thông tư 194/2010/TT-BTC. Nếu Bộ Tài chính thấy cần xác lập quy chuẩn mới về vấn đề liên quan thì phải ban hành thông tư mới thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thông tư hiện hành làm cơ sở cho các bên liên quan thực hiện.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã không đồng ý quan điểm này và cho biết, bởi e ngại khi thực hiện Thông tư 194/2010/TT-BTC về thủ tục hải quan với trường hợp thay đổi loại hình nhập khẩu và áp dụng tính thuế với mặt hàng xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa có thể dẫn đến cách hiểu khác nên Bộ Tài chính đã ra Thông báo số 17060/TB-BTC.

“Đây là văn bản hành chính để đôn đốc công tác tổ chức thực hiện về khai và đăng ký tờ khai, thu, nộp thuế thống nhất trong toàn lực lượng hải quan, đảm bảo việc thực thi đúng quy định pháp luật, thu đủ thuế đối với hàng nhập khẩu tiêu thụ nội địa. Việc làm này thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính theo khoản 2, điều 10 Luật quản lý thuế về chỉ đạo thực hiện quản lý thuế, chứ không phát sinh quy pháp pháp luật mới”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định với Bộ Tư pháp.

Trước khi ra các quyết định truy thu, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về về câu chuyện này và được yêu cầu “hướng dẫn thực hiện đúng quy định pháp luật thuế, pháp luật hải quan hiện hành và kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, tránh hồi tố trách nhiệm pháp lý nặng hơn với doanh nghiệp”.

Được biết các đầu mối xăng dầu là doanh nghiệp có vốn của nhà nước lớn như Petrolimex, PV Oil hay Công ty xăng dầu Quân đội đã đều chấp nhận đóng thuế. Tuy nhiên, Công ty Nam Việt là doanh nghiệp phản đối mạnh nhất và cho rằng nếu bị truy thu số tiền lớn vậy doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Yamaha Motor Việt Nam ra điều kiện nộp thuế
Phản ứng trước việc bị truy thu 6,888 tỷ đồng, đại diện Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha  Motor Việt Nam cho hay, doanh nghiệp sẵn sàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư