Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đề thi THPT Quốc gia 2018: Học sinh trung bình làm được 50-60%
Hải Hà - 27/06/2018 21:36
 
Nhận định đề thi năm nay có tăng câu hỏi khó nhưng trong buổi họp báo về kỳ thi này diễn ra chiều nay, 27/6, tại Hà Nội, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, học sinh trung bình có thể làm được 50-60%.
.
Trước phản hồi về đề thi khó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đề thi không nằm ngoài nội dung và đảm bảo học sinh trung bình có thể làm được từ 50-60% nội dung đề.

Tại buổi họp báo này, hàng loạt câu hỏi được phía báo giới đặt ra cho đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan tới độ khó của đề thi, liệu có sự cân bằng độ khó giữa các đề thi, liệu Bộ có công bố đáp án cho cho tất cả các mã đề thi để chứng minh độ khó giữa các mã đề là cân bằng….

Những câu hỏi này được đưa ra là có cơ sở khi đề thi môn văn và toán trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được nhận định là khó, thậm chí một số giáo viên dạy toán còn xác nhận không thể giải quyết được hết đề trong thời gian 90 phút.

Trả lời câu hỏi của báo giới, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, đây là năm thứ hai kỳ thi áp dụng thi trắc nghiệm với 4/5 bài thi, mỗi đề thi trắc nghiệm có 24 mã đề thi để đảm bảo không có gian lận xảy ra.

Về độ khó của đề thi, ông Sái Công Hồng cho biết: Hội đồng ra đề thi tuân thủ chỉ đạo của ban chỉ đạo thi, nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông (THPT), chủ yếu lớp 11,12. Trong đó nội dung chương trình lớp 12 chiếm khoảng 80- 85% nội dung đề thi, còn lại là nội dung của lớp 11.

“Nội dung đề thi không vượt quá chương trình mà học sinh học, cấu trúc đề thi cũng không thay đổi so với năm 2017.  60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao đảm bảo học sinh học trung bình có thể làm được 50-60% nội dung đề thi. Nếu so sánh khó thì đề thi chỉ khó hơn năm 2017 do đề mở rộng phần nội dung lớp 11. Điều này đã được thông báo tới thí sinh từ khi đang học ở lớp 11”, ông Hồng nói.

Ông Hồng cũng nhấn mạnh, nếu năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề minh họa, thử nghiệm và tham khảo thì năm nay, Bộ chỉ giới thiệu đề tham khảo có đầy đủ nội dung, cấu trúc như đề thi thật trước khi thí sinh thi.

Liên quan tới đề thi môn văn, ông Hồng cũng khẳng định, đề thi được chia làm 4 cấp độ từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Giải đáp nghi ngờ về việc đề văn sai, ông Hồng cho biết: “Chúng tôi đã trao đổi với tổ ra đề văn và câu hỏi thứ 2 là hoàn toàn chính xác”.

Trả lời những thắc mắc liên quan tới đáp án môn văn, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, đề thi mở thì đáp án cũng mở. Tuy nhiên, thí sinh phải đảm bảo chỉ ra được tư tưởng cơ bản, cốt lõi. Những tư tưởng mới sẽ được xem xét cho điểm trên cơ sở không trái thuần phong mỹ tục và luật pháp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, nếu kịp có thể trong hôm nay, 27/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố đáp án các môn thi, trong đó có cả đáp án môn ngữ văn.

Năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia tăng mạnh, nhiều hơn năm 2017 gần 60.000 thí sinh.
Tổng số thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT là hơn 879.000 thí sinh, số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ hơn 688.000 thí sinh (chiếm 74,3%, xấp xỉ tỉ lệ năm 2017).
Tuy nhiên cũng có hơn 237.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học.

Giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao kế hoạch đầu tư và danh mục dự án đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư