Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Để văn hóa sáng tạo trở thành “cỗ máy in tiền”
Hồ Hạ - 09/01/2022 08:00
 
Ở nhiều nước như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… văn hóa sáng tạo trở thành “mỏ vàng” không bao giờ cạn. ở Việt Nam, quốc gia được đánh giá là giàu tiềm năng, lại chưa được khai thác xứng tầm.
Tổ hợp Complex 01 gặp nhiều khó khăn trên hành trình trở thành không gian sáng tạo 	Ảnh: Hạnh Nguyên
Tổ hợp Complex 01 gặp nhiều khó khăn trên hành trình trở thành không gian sáng tạo.       Ảnh: Hạnh Nguyên

Còn nhiều trở lực

Tại cuộc bàn tròn khoa học về “Giải pháp phát triển văn hóa sáng tạo tại Việt Nam”, do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tổ chức mới đây, PGS-TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Phó viện trưởng chia sẻ câu chuyện TP. Hà Nội đang nỗ lực đổi mới chính sách, nhằm chuyển hóa “sức mạnh mềm” tài nguyên văn hóa thành nguồn lực đầu vào cho tăng trưởng kinh tế.

Theo bà Phương, việc đổi mới chính sách đã tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của Hà Nội, với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung ở các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới còn rất khó khăn.

"Các địa phương muốn thu hút đầu tư vào văn hóa sáng tạo, trước tiên cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình phục vụ dân sinh và tạo thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa. Nhà nước cần ban hành những chính sách cụ thể, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa.

Đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công - tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa."

TS. Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Minh chứng thực tế tại Tổ hợp Complex 01 (phố Tây Sơn, Hà Nội) cho thấy còn nhiều trở lực để văn hóa sáng tạo phát triển. Mô hình kinh tế sáng tạo chưa được mọi người biết đến rộng rãi, kinh doanh văn hóa sáng tạo phục vụ như thế nào cho xã hội vẫn chưa thành ý niệm, chưa có hành lang pháp lý nên việc tiếp cận còn dè dặt.

Kiến trúc sư, doanh nhân Nguyễn Bùi Vũ, Giám đốc Tổ hợp Complex 01 cho hay, vì chưa có một định nghĩa pháp lý rõ ràng, nên việc tiếp cận hỗ trợ từ các nguồn khác nhau gặp nhiều vướng mắc.

Chẳng hạn, chủ đầu tư rất khó khăn trong việc tìm mặt bằng và khu đất đáp ứng được yêu cầu để trở thành tổ hợp không gian sáng tạo vì cần diện tích rộng. Thêm vào đó, điều khoản, thời hạn hợp tác sử dụng khu đất có nhiều hạn chế, lại chưa được các cấp quản lý, địa phương đánh giá, quan tâm và hỗ trợ đúng mức. Hành lang pháp lý chưa hậu thuẫn cho hoạt động văn hóa nghệ thuật sáng tạo. Chưa có những hướng dẫn cụ thể về thi hành, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật sáng tạo.

Bên cạnh đó, việc quảng bá ra bên ngoài thị trường ở mức độ dè dặt, vì không biết có được ủng hộ hay không. Trong khi Thái Lan, Indonesia, Philippines có chính sách hỗ trợ rất tốt, nên các không gian sáng tạo ở những quốc gia này quảng bá rất rầm rộ. Đặc biệt ở Thái Lan, kinh doanh sáng tạo được chính quyền cấp đất, hướng dẫn kiến trúc, quy hoạch, hướng dẫn đầy đủ và cấp vốn. Việt Nam không những chưa có hỗ trợ đó, mà riêng việc làm các loại thủ tục giấy tờ để được phép hoạt động, đội ngũ Complex 01 phải mất tới 9 tháng.

“Hy vọng, Chính phủ nhận ra kinh doanh văn hóa, sáng tạo sẽ trở thành động lực lớn cho giới trẻ khởi nghiệp. Đất nước ta đang trong quá trình phát triển, cần năng lượng đổi mới sáng tạo từ giới trẻ và phát huy được nguồn lực đó để hội nhập với thế giới”, ông Vũ mong mỏi.

Cần những cuộc đối thoại trực tiếp

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chủ các không gian sáng tạo đều mong muốn được trao đổi, đối thoại trực tiếp và cởi mở với những người làm chính sách. Họ tin rằng, chỉ từ đối thoại trực tiếp thì mới có được sự hiểu biết lẫn nhau, làm cơ sở cho những chính sách hợp lý, mang tính thực tiễn hình thành. “Đối thoại trực tiếp” nghĩa là những cuộc gặp thân mật và cởi mở giữa chủ các không gian và người làm chính sách. Những hoạt động như “hội thảo” hay “nghiên cứu/báo cáo” quá hình thức, không thực tế và không đủ trực tiếp.

Rất nhiều chủ không gian nói rằng, họ mong muốn được phân loại là không gian sáng tạo, một loại hình kinh doanh/tổ chức khác biệt.

“So với những loại hình kinh doanh khác, thì không gian sáng tạo rất khác biệt bởi nó tạo ra những nội dung và giá trị xã hội. Chúng tôi tạo ra sự kết nối giữa những người làm trong lĩnh vực sáng tạo, những người sử dụng sự sáng tạo và kết nối với chính quyền. Chúng tôi cung cấp những không gian miễn phí cho nghệ thuật, tạo ra cộng đồng thông qua những sự kiện công cộng, tạo cảm hứng cho hàng ngàn người. Sẽ là không công bằng nếu chúng tôi phải trả thuế giống như những loại hình doanh nghiệp khác”, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, sáng lập Hanoi Creative City nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, quản lý Heritage Space cho rằng, cần có tư cách pháp lý chính thức cho những không gian nghệ thuật để những không gian này không phải “núp” dưới danh nghĩa một doanh nghiệp. Với tư cách chính thức, các không gian nghệ thuật sẽ có sân chơi riêng để chia sẻ và tương tác với nhiều đối tác khác nhau như các cơ quan nhà nước, các công ty, tổ chức.

“Các không gian nghệ thuật không thể là doanh nghiệp vì những hoạt động riêng biệt mang tới giá trị tinh thần cho xã hội, chứ không phải giá trị vật chất. Các không gian nghệ thuật có thể là một tổ chức phi chính phủ hoặc quỹ xã hội. Thuế của những không gian nghệ thuật cũng cần phải khác, không thể cao như những dạng kinh doanh khác”, ông Tuấn nói.

Hiến kế phát triển văn hóa sáng tạo, họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Những không gian như vậy trong lòng thành phố mới có khả năng tạo nên những cú hích, khi những người làm trong các lĩnh vực văn hóa sáng tạo được nhìn nhận như một lực lượng quan trọng trong tiến trình thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo. Chính quyền cần chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, đồng hành và hỗ trợ khuyến khích các hoạt động sáng tạo”.

[Longform] TS. Hà Văn Siêu: Thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa
Công nghiệp văn hóa chính là “sức mạnh mềm”, một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao và giúp củng cố tính độc đáo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư