Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất đầu tư hàng loạt công trình thủy lợi tại ĐBSCL vốn 13.442 tỷ đồng
Trúc Giang - 04/04/2023 13:52
 
Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi tại vùng ĐBSCL với tổng mức đầu tư dự kiến 13.442 tỷ đồng.
Công trình xây dựng bờ kè giảm sóng biển Cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre vừa chống sạt lở vừa trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của địa phương.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 13 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng 16 đề xuất dự án thuộc Dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong DPO), với tổng mức đầu tư 94.328 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng 28.046 tỷ đồng; vốn vay nước ngoài 2,817 tỷ USD (tương đương 66.282 tỷ đồng).

Đây là các dự án góp phần hiện thực hóa Quy hoạch vùng ĐBSCL, trong đó đặt mục tiêu liên kết vùng là quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo được động lực phát triển cho các địa phương.

Trong số 16 đề xuất dự án nêu trên có 3 dự án thủy lợi, với tổng mức đầu tư 13.442 tỷ đồng.

Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long đề xuất Dự án hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) - Kè sông Hậu đoạn qua thị xã Bình Minh tỉnh Vĩnh Long trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án gồm các hạng mục: Nạo vét đắp bờ bao (35 km), nâng cấp tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn khoảng 32 km; đầu tư hệ thống cống điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt; đầu tư các tuyến kè chống sạt lở bờ sông trên sông Măng Thít và sông Hậu, với tổng chiều dài khoảng 15 km, đường giao thông sau kè và các công trình phụ trợ kỹ thuật khác. Diện tích phục vụ 65.000 ha.

Dự án có tổng mức đầu tư 4.159 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) 2.486 tỷ đồng, vốn đối ứng 1.624 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại 49 tỷ đồng.

Tỉnh An Giang đề xuất Dự án xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kêt sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên. Quy mô dung tích dự kiến 32,5 triệu m3, trong đó dung tích trên kênh 7,8 triệu m3, dung tích hồ 24,7 triệu m3; nạo vét kênh Trà Sư (khối lượng nạo vét 8,84 triệu m3); nâng cấp đê (42,6km); cống điều tiết; xây dựng cầu giao thông; hồ trữ nước ngọt; khu dân cư, khu công nghiệp. 

Tổng mức đầu tư của Dự án là 2.664 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) 1.435 tỷ đồng, vốn đối ứng 1.643 tỷ đồng. 

Dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất gồm các hạng mục đầu tư chính: Thực hiện các giải pháp tích hợp để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Bến Tre; Nâng cấp cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp); Hoàn thiện cụm công trình kiểm soát nguồn nước tăng cường năng lực chống chịu khí hậu và phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nam sông Hậu; Nâng cấp cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng trung tâm bán đảo Cà Mau; Hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 6.619 tỷ đồng, trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 214 triệu USD (tương đương 5.128 tỷ đồng), vốn đối ứng 1.491 tỷ đồng.

Về tiến độ của các dự án Mekong DPO (trong đó có các dự án thủy lợi nêu trên), Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, trong tháng 6/2023 sẽ phê duyệt đề xuất; đến tháng 12/2023, phê duyệt chủ trương đầu tư. Tháng 6/2024, Quyết định đầu tư và ký hiệp định đối với các dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải. Tháng 9/2024, Quyết định đầu tư và ký hiệp đối với các dự án của các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL.

Quy hoạch ĐBSCL: Ưu tiên phát triển trồng, chế biến rau màu, trái cây
Theo khung định hướng phát triển đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, việc phát triển lĩnh vực trồng, chế biến rau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư