Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
Đề xuất đầu tư xe buýt điện thay xe CNG trên tuyến giao thông xanh tại TP.HCM
Lê Quân - 23/08/2022 07:25
 
Sở GTVT TP.HCM đề xuất đầu tư xe buýt điện thay cho xe chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG) trên tuyến giao thông “xanh” tại TP.HCM.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư xe buýt điện thay cho xe chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG) cho tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 - thuộc dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM.

xe
TP.HCM đang sử dụng một số xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG - Ảnh: Lê Quân

Theo phân tích của Sở GTVT TP.HCM, xe buýt điện có ưu điểm thân thiện với môi trường, quá trình chạy không gây tiếng ồn, chi phí vận hành, bảo dưỡng cũng tiết kiệm hơn so với xe sử dụng khí CNG.

Dù có ưu điểm nhưng chi phí đầu tư ban đầu của xe buýt điện cao hơn khoảng từ 1,5 đến 3 lần xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG nên kinh phí trợ giá trong quá trình vận hành cao hơn. Việc đầu tư hệ thống hạ tầng trạm sạc đảm bảo đáp ứng nạp điện cho xe buýt điện là khá lớn.

Hơn nữa, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp xe và dịch vụ trên tuyến gặp khó khăn do xe buýt điện là loại hình mới nên chưa có định mức, đơn giá làm cơ sở lập dự toán kinh phí đấu thầu.

Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường, Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TPHCM giao chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn và các nhà sản xuất xe buýt điện trong nước nghiên cứu, rà soát các thông số thiết kế xe phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ cung ứng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để làm cơ sở lập dự toán kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng.

Hiện tại, TP.HCM đang thí điểm cho doanh nghiệp khai thác một số tuyến dùng xe buýt điện. Loại hình xe buýt điện đã sản xuất được ở trong nước nên việc đầu tư sẽ thuận lợi hơn.

Vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải của các loại xe, đặc biệt là xe buýt tại TP.HCM hiện đang ở mức báo động. Chính quyền Thành phố đã có đề án chuyển đổi các loại xe buýt chạy dầu diesel sang các loại hình thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đến nay Thành phố vẫn còn 1.547 xe buýt sử dụng dầu diesel trong tổng số 2.043 xe buýt đang hoạt động.

Tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 có chiều dài 26 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (Thành phố Thủ Đức).

Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỷ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố gần 423 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, tuyến buýt nhanh đầu tiên ở TP.HCM sẽ đưa vào khai thác năm 2024. Điểm khác biệt của tuyến xe buýt BRT  so với các tuyến đang hoạt động hiện nay là được chạy trên một làn đường riêng. 

UBND TP.HCM đồng ý triển khai thí điểm 5 tuyến xe buýt điện Vinbus từ quý I/2022
Sau thành công tại Hà Nội, 5 tuyến xe buýt điện đầu tiên do Vinbus vận hành sẽ được TP.HCM cho phép tổ chức triển khai thí điểm từ quý I/2022 với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư