Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất nới rộng cửa cho tư nhân đầu tư hạ tầng hàng không
Anh Minh - 10/09/2021 08:33
 
Các nhà đầu tư tư nhân đang đứng trước cơ hội đầu tư 3 sân bay mới theo hình thức đối tác công-tư (PPP) cũng như đấu giá nhượng quyền khai thác một số sân bay do ACV quản lý.
Đầu tư vào nhà ga hàng không theo hình thức PPP được nhiều quốc gia đánh giá là có độ an toàn tài chính cao. Trong ảnh: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn -  công trình cảng hàng không có vốn đầu tư tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh 

Đẩy mạnh phân cấp

Sau gần 2 năm nghiên cứu hoàn thiện, cuối tháng 8/2021, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có công văn tham vấn ý kiến của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Đề án Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không (Đề án tháng 8). Hai ngày trước đó, đề án này được Bộ GTVT gửi tới các hãng hàng không trong nước, cùng 2 doanh nghiệp từng có thương vụ đầu tư thành công trong lĩnh vực hạ tầng sân bay là Sun Group và IPP Group.

Đề án trên được Bộ GTVT khởi động từ năm 2019 và lần đầu tiên trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2021. Đến tháng 6/2021, tại Công văn số 4023/VPCP-CN, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện Đề án, nhằm đưa ra các giải pháp, phương án triển khai việc phân cấp quản lý và huy động các nguồn lực từ các địa phương, các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

So với Đề án được trình vào tháng 3/2021, Đề án đang được Bộ GTVT xin ý kiến có ít nhất 2 điểm đột phá được các chuyên gia đánh giá là sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia sâu hơn lĩnh vực hạ tầng hàng không. Trong đó, thay vì “nắm chặt, quản chắc” như hiện nay, Bộ GTVT sẽ từng bước phân cấp quản lý các sân bay cho chính quyền địa phương, để tạo sự chủ động trong việc xã hội quá đầu tư, qua đó giảm áp lực về nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không.

Tại Đề án tháng 8, Bộ GTVT đề xuất phân cấp quản lý các cảng hàng không thành 3 nhóm theo mức độ quan trọng của từng sân bay. Cụ thể, nhóm 1 - các cảng hàng không quốc tế quan trọng quốc gia, vùng, gồm Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Long Thành. Đối với các cảng hàng không này, Chính phủ sẽ thông qua Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục sở hữu và giao doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác, huy động nguồn lực để đầu tư.

Nhóm 2 - các cảng hàng không đang hoạt động hỗn hợp hàng không dân dụng và quân sự với vai trò quân sự quan trọng, gồm Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa. Đối với nhóm này, Chính phủ sẽ thông qua Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng tiếp tục sở hữu và giao ACV quản lý, khai thác, huy động nguồn lực để đầu tư.

Nhóm 3 - các cảng hàng không còn lại, gồm Điện Biên, Nà Sản, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo. Bộ GTVT dự kiến phân cấp cho UBND các tỉnh quản lý các cảng hàng không này, thông qua việc chuyển quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu các công trình tại các cảng hàng không từ cơ quan trung ương cho UBND các tỉnh, nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương để đầu tư phát triển các cảng hàng không.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc phân cấp quản lý cho địa phương đối với các cảng hàng không tại nhóm 3 chưa được quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Tuy nhiên, với tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, Bộ GTVT đề xuất thí điểm phân cấp quản lý Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cho UBND TP. Hải Phòng.

“Cảng hàng không quốc tế Cát Bi hiện chưa hoạt động có lãi, nhưng tiềm năng phát triển rất tốt. Bên cạnh đó, UBND TP. Hải Phòng vừa có tiềm lực kinh tế, vừa có kinh nghiệm hỗ trợ xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không Cát Bi”, lãnh đạo Bộ GTVT giải thích.

Đồ họa: Đan Nguyễn
Đồ họa: Đan Nguyễn

Nới rộng cửa đầu tư

Không chỉ tiến hành phân cấp quản lý cho các địa phương, tại Đề án tháng 8, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét mở rộng cửa cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư một số cảng hàng không hiện vẫn do ACV độc quyền khai thác.

Theo đó, đối với nhóm 1, 2, Bộ GTVT đề nghị không huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các công trình thiết yếu tại các cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác và huy động nguồn lực để đầu tư. Việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư sẽ được thực hiện tại các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không theo hình thức đầu tư trực tiếp.

Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được triển khai thực hiện ngay sau khi Bộ GTVT ban hành Thông tư hướng dẫn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không (dự kiến quý IV/2021).

Đối với nhóm cảng hàng không số 3, Bộ GTVT kiến nghị đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư theo hình thức nhượng quyền đầu tư, khai thác. Với các cảng hàng không mới nằm trong quy hoạch như Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu, sẽ thực hiện huy động nguồn vốn xã hội đầu tư theo phương thức PPP.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, để áp dụng mô hình nhượng quyền đầu tư, khai thác các công trình thiết yếu của cảng hàng không, cần phải điều chỉnh, bổ sung Luật Quản lý sử dụng tài sản công (Điều 84, Điều 95), Luật Đầu tư theo phương thức PPP (điểm b, khoản 4, Điều 70), nhằm quy định rõ hình thức đầu tư, cách thức lựa chọn nhà đầu tư nhượng quyền đầu tư, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Sau khi hoàn thiện quy định pháp luật này, Bộ GTVT đề xuất thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.

“Sân bay Cần Thơ được chọn thí điểm do được đầu tư hạ tầng tương đối tốt, nhà đầu tư không bị gánh nặng lớn trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, chủ yếu sẽ tập trung vào nâng cao năng lực quản trị, chỉ cần đầu tư vào những công trình dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và các công trình có giá trị gia tăng cao”, Bộ GTVT cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, đề xuất nới rộng cửa cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực hạ tầng hàng không của Bộ GTVT xuất phát từ chính sự “sứt mẻ đột ngột” năng lực đầu tư của ACV - đơn vị đang khai thác 21/22 cảng hàng không đang hoạt động.

Cụ thể, khi trình Quốc hội và Chính phủ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I vào năm 2019, ACV khẳng định, đã bố trí đủ 100% nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư các công trình thiết yếu theo quy hoạch của 21 sân bay trong giai đoạn 2021-2025; đồng thời bố trí được hơn 36.000 tỷ đồng từ vốn tích lũy tự có của doanh nghiệp để đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn I. Đối với nhu cầu vốn cho các các công trình thiết yếu của các sân bay theo quy hoạch giai đoạn 2026-2030, ACV vẫn đảm bảo được dòng tiền tích lũy trị giá 120.529 tỷ đồng để đầu tư theo đúng lộ trình.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ACV và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại Văn bản số 1125/UBQLV-CNHT ngày 12/7/2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2020-2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng. Lợi nhuận trước thuế của ACV giai đoạn này dự kiến là 71.624 tỷ đồng sẽ chỉ còn 36.903 tỷ đồng (giảm 34.721 tỷ đồng).

Với nguồn lực đã bị hụt gần 50%, ACV sẽ khó có thể cân đối đủ nguồn lực để đầu tư phát triển 21 cảng hàng không trong mạng lưới. Thay vào đó, ACV phải “liệu cơm gắp mắm”, chỉ tập trung ưu tiên nguồn lực cho sân bay Long Thành giai đoạn I và các các sân bay đã và đang triển khai đầu tư như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên…

Được biết, đang có một dãy dài các nhà đầu tư trong nước quan tâm và mong muốn nghiên cứu, đầu tư nâng đời các cảng hàng không do ACV quản lý khai thác. Chẳng hạn, Vietjet mong muốn đầu tư các sân bay Chu Lai, Cát Bi, Tuy Hòa, Điện Biên. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) mong muốn đầu tư các sân bay Phú Quốc,Tuy Hòa. Tập đoàn Vingroup mong muốn đầu tư Cảng hàng không Chu Lai. Tập đoàn FLC mong muốn đầu tư vào Cảng hàng không Đồng Hới.

Theo ông Mai Thế Vinh (Trung tâm Chính sách giao thông PPP thuộc Đại học George Mason - Hoa Kỳ), đầu tư vào nhà ga hàng không theo hình thức PPP đang là xu thế nổi bật trong đầu tư hạ tầng trên thế giới do có độ an toàn tài chính cao. “Bên cạnh các khoản phí tiền tươi thóc thật như phí dịch vụ hành khách, phí cất hạ cánh..., chủ sân bay còn có nguồn thu tương đối ổn định từ dịch vụ phi hàng không, như cho thuê mặt bằng nhà ga, bán hàng miễn thuế”, vị chuyên gia này cho biết.

Giải cứu hạ tầng hàng không
Việc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư