Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 10 năm 2024,
Đề xuất Trung Quốc mở cửa thị trường cho trái bơ, na, roi, thảo quả của Việt Nam
Hải Yến - 01/10/2024 09:29
 
Đề xuất Trung Quốc mở cửa cho nông sản như trái cây có múi, bơ, na, roi, thảo quả của Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại cuộc họp với Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Việt Nam  hội kiến Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi hội kiến Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, Hà Lập Phong.

Trong chuỗi sự kiện Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Việt Nam đã có buổi hội kiến Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, Hà Lập Phong.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị phía Trung Quốc đẩy tiến độ mở cửa thị trường với nông sản, trái cây có thế mạnh của Việt Nam như quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả.  

Cùng đó, Bộ trưởng cũng đề xuất nước này sớm ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch với một số trái cây đã xuất khẩu theo diện truyền thống để hàng nông sản Việt Nam có cơ hội nhiều hơn đến tay người tiêu dùng Trung Quốc.

Thời gian qua, Trung Quốc đã tạo điều kiện mở cửa thị trường cho nhiều nông sản của Việt Nam như: tổ yến, sầu riêng tươi, dừa tươi và mới đây là sầu riêng đông lạnh. 

Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cam kết, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công thương sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để hàng hóa, nông sản Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 130,8 tỷ USD, tăng 23,7%, tiếp tục chiếm khoảng 25,5% ngoại thương của Việt Nam. Về đầu tư, 8 tháng năm 2024, Trung Quốc là thị trường cung cấp vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 tính về số vốn (1,65 tỷ USD) và đứng đầu về số dự án mới  tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Diên nói, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế giữa hai nước.

"Việt Nam - Trung Quốc có vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đang trong quá trình đàm phán nhiều FTA khác, thông qua Việt Nam, Trung Quốc có thể tiếp cận đến các thị trường FTA mà Việt Nam đã và đang tham gia”, người đứng đầu Bộ Công thương nói, đồng thời kêu gọi Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác đầu tư với Việt Nam.

Để nâng cao kim ngạch ngoại thương 2 chiều, Bộ trưởng Diên kiến nghị Trung Quốc hỗ trợ xây dựng thương hiệu một số sản phẩm, lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, bao gồm: sản phẩm sữa, nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến…; đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các địa phương nội địa, hệ thống bán lẻ cũng như các sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc.

Việt Nam cũng mong muốn Trung Quốc tạo thuận lợi, phân luồng thông quan hiệu quả giữa các cửa khẩu biên giới. Việc này nhằm tránh hàng hóa chỉ tập trung vào một số cửa khẩu gây ùn ứ cục bộ, nhất là với nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Lãnh đạo Việt Nam đề nghị hai bên tăng liên kết, đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai nước. Ông đề xuất hai nước cùng hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).

Đề cập quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, Hà Lập Phong khẳng định, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, toàn diện và ngày càng đi vào thực chất.

Bằng chứng là Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn hàng nông sản từ thị trường châu Á, và khu vực ASEAN, trong đó, nông sản nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 20% thị phần. Trái cây Việt Nam như: thanh long, sầu riêng... được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Theo ông Hà Lập Phong, tới đây, Trung Quốc sẽ tổ chức Hội chợ nhập khẩu lần thứ 7 tại Thượng Hải. Đây là sáng kiến do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khởi xướng, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể tham gia. Thông qua Hội chợ, doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng xuất khẩu nông sản chất lượng cao đến người tiêu dùng Trung Quốc và các thị trường đối tác khác.

Liên quan đến dự án giao thông đường sắt, ông Hà Lập Phong cho biết, phía Trung Quốc luôn quan tâm và sẵn sàng ủng hộ. Tuy nhiên, theo ông, quan trọng là hai bên cần nghiên cứu tính khả thi để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân hai nước.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam suốt 20 năm qua. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là lớn thứ 5 của nước này trên thế giới, vào năm 2023.

Lưu ý khi dừa tươi, sầu riêng được cấp “visa” sang Trung Quốc
Nông dân, doanh nghiệp phấn khởi trước thông tin dừa tươi, sầu riêng đông lạnh được xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Điều này giúp giá trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư