Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Dệt may lạc quan với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD
Hoài Sương - 27/08/2024 10:47
 
Nhiều tín hiệu tích cực giai đoạn cuối năm là động lực để ngành dệt may tiếp tục nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024 (tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2023).

Xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đang hồi phục tốt, trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng may mặc của cả nước tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2019. 

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ lần đầu tiên sau nhiều tháng đã hồi phục nhẹ so với thời điểm trước dịch Covid-19. Đây là tín hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng và xuất khẩu hàng dệt may nói chung của Việt Nam.

Ngành dệt may có nhiều tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu cuối năm.

Thông tin từ Bộ Công thương, dự báo xuất khẩu mặt hàng này của cả nước sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng tới. Nguyên nhân là do, theo thời vụ, các tháng trong quý III là thời điểm xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt cao nhất trong năm.

“Đồng thời, hầu hết doanh nghiệp ngành may mặc đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết đến hết quý IV/2024 - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Giáng sinh và Tết. Trong khi đó, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đang hồi phục tốt”, Bộ Công thương cho biết.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh khi các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi nhà cung cấp khỏi Trung Quốc. Vì vậy, trong dài hạn, thị phần của ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng tại thị trường này.

Bộ Công thương cho hay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có lợi thế hơn nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú, giao hàng nhanh. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu các nước bắt kịp khả năng sản xuất thì ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức.

Để tránh khả năng này, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM (sản xuất dưới thương hiệu gốc) hoặc ODM (sản xuất theo thiết kế gốc) để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững so với các nước khác.

Ngoài ra, từ sau dịch Covid-19, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Nga tăng trưởng rất cao. Các sản phẩm may mặc của Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và xu hướng thời trang tại thị trường Nga. Đây là thời điểm hết sức thuận lợi để doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực này… 

“Dù tăng trưởng cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Nga vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng như tổng nhập khẩu của Nga. Do đó, hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng”, Bộ Công thương đánh giá.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, dù vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức, nhưng với nhiều tín hiệu tích cực cho giai đoạn cuối năm, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024.

Điểm danh 4 nhóm nông sản xuất khẩu đóng góp 13 tỷ USD
4 nhóm hàng nông sản, gồm: Gạo, hạt điều, cà phê và rau quả đã mang về 13 tỷ USD sau chặng đường 7 tháng từ đầu năm 2024, trong đó dẫn đầu là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư