Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Dệt may tìm cơ hội tăng trưởng từ FTAs
 
Thị trường dệt may toàn cầu đang trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng chậm. Để duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tập trung mở rộng thị trường, khai thác lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã ký kết.

Thách thức hiện hữu

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong quý I/2018 ước đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt 5,98 tỷ USD, tăng 12,49%; xuất khẩu vải đạt 335 triệu USD, tăng 20,5%; xuất khẩu xơ sợi đạt 906 triệu USD; tăng 16,5%.

Mặc dù ghi nhận sự tăng trưởng trong những tháng đầu năm, song năm 2018 được nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas cho biết, khâu yếu nhất của dệt may Việt Nam là vấn đề thượng nguồn như kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất...

.

"Sợi sản xuất của Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 1,4 triệu tấn, trong đó 90% được xuất khẩu, nhưng sợi nhập về cũng nhiều không kém, riêng năm 2017 nhập khoảng 876.000 tấn, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…

Vấn đề tương tự cũng xảy ra với nguồn vải. Hiện nay, nguồn vải cho may xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu với tổng lượng vải nhập chiếm 80% nhu cầu, trong đó từ Trung Quốc chiếm khoảng 50%, Hàn Quốc là 18%, Đài Loan là 15%..., tạo ra tình trạng nghẽn tại khâu dệt nhuộm", ông Cẩm cho hay.

Một điểm yếu khác của dệt may Việt Nam, theo ông Cẩm, đó là tỷ lệ giá trị tăng thêm không cao.

"Hiện nay, tỷ lệ giá trị tăng thêm của dệt may xuất khẩu mới đạt khoảng 50,8%. May xuất khẩu chủ yếu vẫn theo phương thức gia công và thiếu nhân lực chất lượng cao cho các khâu xơ, dệt nhuộm, thiết kế... Điều này khiến năng suất lao động chưa cao, lợi nhuận thấp...", ông Cẩm nói.

Không chỉ đối mặt với khó khăn của ngành, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế khi các nước đưa ra các bộ quy tắc xuất xứ, rào cản thuế quan... cho các sản phẩm dệt may xuất xứ từ Việt Nam.

Chẳng hạn, về quy tắc xuất xứ, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) yêu cầu khắt khe đối với sợi, tương tự là với vải của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU…, trong khi dệt may Việt Nam nhập khẩu đến 80% nguyên phụ liệu.

Hay như với thuế, Việt Nam đang phải chịu mức thuế cao khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ (17,5%) và EU (9,6%), trong khi các thị trường này lại áp dụng mức thuế suất 0% cho sản phẩm dệt may nhập từ Campuchia, Myanmar…

FTAs - Cơ hội để tăng trưởng

Theo giới quan sát, nhân công giá rẻ không còn là lợi thế đóng vai trò quyết định đối với dệt may Việt Nam, cho nên các doanh nghiệp cần tìm hướng đi mới nếu muốn duy trì đà tăng trưởng cao. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 12 FTAs, đây được cho là “bước đệm” quan trọng để ngành dệt may "cất cánh".

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG) cho biết, TNG đã có những bước chuẩn bị kỹ càng để đón đầu các lợi ích từ hội nhập. Theo ông Thời, số lượng đơn hàng sẽ tăng mạnh nếu doanh nghiệp chủ động tìm thị trường mới, bên cạnh tận dụng được lợi thế cạnh tranh từ các FTAs đã ký kết.

"Hiện TNG đã chủ động được về nguồn nguyên liệu trong nước như vải lót, vải bông, chỉ… đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu, nên việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ không còn là vấn đề khó khăn", ông Thời nói.

Cũng nhấn mạnh các lợi thế trong quá trình hội nhập, Vitas cho biết, hầu hết các dòng thuế của sản phẩm dệt may xuất xứ từ Việt Nam đều được giảm ngay, hoặc giảm theo lộ trình về 0%. Đây là mấu chốt để doanh nghiệp dệt may Việt đẩy mạnh xuất khẩu.

“Bên cạnh đẩy mạnh các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thâm nhập các thị trường mới ký FTA như Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu… để khai thác lợi thế về thuế quan, xúc tiến khai thác thị trường EU và chuẩn bị khi CPTPP có hiệu lực”, ông Trương Văn Cẩm cho hay.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã gia tăng độ phủ ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc... Theo thống kê sơ bộ, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may của doanh nghiệp Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 15%, thị trường các nước trong khối CPTPP tăng 23%, EU tăng 23%, Hàn Quốc tăng 18% và đặc biệt tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc, đạt 46%.

Cũng theo ông Cẩm, đầu tư FDI đang làm thay đổi cơ cấu và diện mạo của ngành dệt may. Thống kê cho thấy, đầu tư FDI vào dệt may tính đến hết năm 2017 là 2091 dự án, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 15,89 tỷ USD. Có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, trong đó một số quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đăng ký lớn như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đang chiếm 62% tỷ trọng xuất khẩu của ngành, trong đó xơ, sợi chiếm 72%, vải và may mặc chiếm hơn 60%.

"Mục tiêu của dệt may Việt Nam đến hết năm 2018 kim ngạch xuất khẩu đạt 34 tỷ USD, đến năm 2020 tăng thêm 4-6 tỷ USD và năm 2025 tăng thêm 16-21 tỷ USD, ước đạt khoảng 50-55 tỷ USD. Cùng với đó, tỷ lệ giá trị gia tăng cũng sẽ nâng cao dần, năm 2018 đạt 52%, năm 2020 đạt 58% và năm 2025 đạt 65%", ông Cẩm cho hay.

Dệt may duy trì sức hút FDI
Những lo ngại về dòng vốn FDI vào ngành dệt may Việt Nam đối mặt với sự giảm tốc ngay sau thời điểm Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư