Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đi cùng thang máy với F0, F1 tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, không cần cách ly tập trung
D.Ngân - 10/11/2021 11:03
 
F1 tiêm đủ hai mũi vắc-xin, đi cùng thang máy với F0 sẽ không cần cách ly tập trung.

Tại phiên chất vấn sáng ngày 10/11, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm về việc người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, đeo khẩu trang đi cùng thang máy với F0, đủ khả năng cách ly tại căn hộ thì có phải đưa đi cách ly tập trung hay không? Một số địa phương vẫn yêu cầu những trường hợp này đi cách ly tập trung 14 ngày.

F1 đi cùng thang máy với F0 mà đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin sẽ không cần cách ly tập trung.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc cách ly F1 khi đi chung thang máy với F0 đã xảy ra với một vài địa phương, trong đó có Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ đã trao đổi với Hà Nội trong trường hợp như vậy thì không phải bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày. “Trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã quy định rất rõ, trường hợp như vậy chỉ cần cách ly tại nhà 7 ngày”, Bộ trưởng Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Y tế cũng cho hay, Bộ Y tế đã có văn bản đưa ra các mức độ, tiêm 2 mũi phải cách ly như thế nào, tiêm một mũi, chưa tiêm thì áp dụng ra sao.

"Chính vì thế, đề nghị các địa phương áp dụng để tạo sự thống nhất. Chúng ta chuyển sang giai đoạn thích ứng với Covid-19 thì phải quản lý những rủi ro, phải làm tốt trên tất cả địa phương để tạo đồng bộ", ông Long nói.

Về vấn đề cách ly F1 tại Hà Nội, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế trong thực hiện phòng, chống dịch, đặc biệt công tác cách ly, điều tra truy vết và quản lý người từ vùng có dịch, quản lý F1.

Theo bà Hà, việc cách ly F1 thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, việc cách ly F1 cũng phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế và năng lực triển khai các khu cách ly tập trung, xem xét điều kiện cách ly tại nhà, từng địa phương sẽ quy định giải pháp phù hợp với công tác phòng chống dịch.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết gần đây Hà Nội liên tiếp phát hiện các ca F0 chưa rõ nguồn lây, đặc biệt ngày 9/11, Hà Nội ghi nhận 222 ca bệnh, trong đó có 105 ca ngoài cộng đồng.

“Dự báo tình hình dịch tại Hà Nội sẽ diễn biến rất phức tạp và khó lường”, bà Hà nói và cho biết trên cơ sở diễn biến dịch, Hà Nội sẽ tiếp tục có điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và biện pháp cách ly để vừa đúng quy định, vừa thích ứng, linh hoạt với tình hình địa phương.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về công tác dự báo tình hình dịch, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận việc dự báo tình hình dịch Covid-19 ở Trung ương và địa phương chưa sát thực tế. 

Theo đó, việc dự báo với Covid-19 hết sức khó khăn, tất cả quốc gia chưa có dự báo mang tính dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ đưa ra dự báo dịch chưa thể kết thúc năm 2022 và hy vọng năm 2023 trở thành bệnh theo mùa.

Ông lý giải do Covid-19 là dịch chưa có tiền lệ và liên tục có biến chủng mới, lây lan nhanh và mạnh hơn nên rất khó dự báo. 

Về tình hình dịch từ nay đến cuối năm, tư lệnh ngành Y tế nhấn mạnh “dịch còn diễn biến phức tạp”.

Lãnh đạo ngành Y tế cũng bày tỏ quan ngại khi sau khi chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn với dịch, một số địa phương có dấu hiệu Covid-19 tăng trở lại, một số người dân có biểu hiện chủ quan, không thực hiện 5K.

Nhấn mạnh đây là những điều rất quan ngại, ông Long lưu ý các địa phương hết sức quan tâm phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022, đồng thời, cần đẩy nhanh phủ vắc-xin. “Cuối năm 2021 và đầu năm 2022 thì chống dịch vẫn là trọng tâm ưu tiên”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Giải đáp các nội dung về khả năng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả Covid-19 của một số đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, thời gian qua, các địa phương đã đánh giá được cấp độ dịch của mình trên từng địa bàn nhỏ nhất có thể.

Tuy vậy, hiện nay có một số nơi đã lơ là mất cảnh giác, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống dịch.

Trở lại câu hỏi của đại biểu về "làm thế nào để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch ở các cấp", Bộ trưởng Y tế cho hay, diễn biến tình hình dịch phụ thuộc vào địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế như diễn biến dịch, quy mô dân số, giao lưu đi lại thì nhiều địa phương có triển khai những biện pháp khác nhau.

Ông cho biết chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn thì các địa phương cần quản lý rủi ro, tạo sự ổn định, thống nhất đồng bộ trên cả nước.

Với nội dung về nguyên tắc phân bổ vắc-xin, Bộ trưởng Long cho biết việc phân bổ dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có địa bàn ưu tiên trọng điểm và đối tượng ưu tiên. 

Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vắc-xin cho địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp trước; thứ hai là nơi nguy cơ cao như tập trung khu công nghiệp; đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, mật đô dân cư lớn…

Ngoài ra, chúng ta cũng tập trung cho đối tượng ưu tiên trước như người cao tuổi trên 50, 65 tuổi vì đây là nhóm người rủi ro nhất.

Việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, ông Long nói trước mắt sẽ cho địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ phạm vi toàn quốc.

Còn về tiêm mũi 3, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế mới có kế hoạch, chưa triển khai và dự kiến thực hiện vào cuối tháng 12. 

Tuy nhiên, tư lệnh ngành Y tế khẳng định mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ toàn bộ vắc-xin cho dân số nhanh nhất; mục tiêu là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và hoàn thiện mũi 2. Sau đó, chúng ta mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi.

Bộ trưởng Y tế nhìn nhận bất cập trong phòng, chống dịch
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi báo cáo đến các vị đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề đã được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư