Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi):
Địa phương trả được nợ cũ mới được bội chi
Quang Hưng - 02/06/2015 16:29
 
Theo dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi,)chỉ những địa phương có khả năng trả được nợ mới được phép bội chi (vay).

 

.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (2/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến lo ngại về kỷ luật ngân sách, điều kiện vay nợ, bội chi chi sách... đang không phản ánh đúng tình hình thực tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, về thực chất, vay nợ của địa phương là bội chi ngân sách địa phương. Vì vậy, để đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch, phản ánh chính xác các khoản thu, chi trong quản lý ngân sách nhà nước, đề nghị bổ sung quy định: Bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương. Trong bội chi ngân sách nhà nước sẽ có bội chi ngân sách địa phương. Đồng thời, quy định rõ trong Luật về điều kiện được vay (bội chi ngân sách địa phương) bao gồm: Chỉ những địa phương có khả năng trả được nợ mới được phép bội chi; bảo đảm phù hợp với tổng mức bội chi chung của ngân sách nhà nước.

Theo dự thảo Luật mới, mức bội chi ngân sách địa phương được tổng hợp vào bội chi ngân sách nhà nước và do Quốc hội quyết định. Trong đó, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương được cho phép: Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% thu ngân sách được hưởng theo phân cấp; Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 20% thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, với quy định “cởi mở” này của Luật, nếu quản lý mức bội chi không chặt chẽ có thể gây ra tình trạng vay nợ tràn lan ở các địa phương.

Góp ý với dự thảo Luật về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, tại khoản a, điểm 5, điều 7 quy định: Bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công 5 năm đã được hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng nội dung khoản 3 điều 7 lại quy định vay mới để trả nợ cũ.

“Tôi đề nghị sửa khoản 3, điều 7 là vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng chi cho đầu tư phát triển và đảm bảo bố trí ngân sách để trả hết nợ gốc và lãi khi đến hạn”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu.

Về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương. Có  ý kiến đề nghị quy định rõ nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước bảo đảm 100% và nhiệm vụ chi của các cấp chính quyền địa phương, trong đó chỉ giao nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học cho chính quyền cấp tỉnh, các cấp chính quyền dưới tỉnh chỉ làm nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, quy định hiện hành không có sự phân định nhiệm vụ chi ngân sách trung ương bảo đảm 100% và ngân sách địa phương bảo đảm 100% mà tất cả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội do ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng tham gia bảo đảm, dẫn đến nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách không rõ ràng và không minh bạch. Trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 quy định phải xác định rõ nhiệm vụ “chi quốc gia”.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo Luật cần minh bạch hơn về quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trong đó, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi ngân sách được phân quyền bởi vì tính chất lồng ghép của ngân sách nhà nước mà nhiều chi tiêu của ngân sách cấp dưới do cấp trên quy định.

“Điều này đã không khuyến khích cấp dưới cân đối thu chi, lập dự toán tích cực mà thường xuyên có xu hướng lập dự toán thu thấp, dự toán chi cao để được nhận hỗ trợ nhiều hơn. Trên thực tế, chính quyền địa phương mới chỉ được tăng quyền về tổ chức thực hiện chi ngân sách còn thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về Trung ương”, đại biểu Thân Đức Nam nói.

Để phân định rõ nhiệm vụ “chi quốc gia”, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung quy định: Ngân sách trung ương bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đầu tư xây dựng cơ bản các dự án có tính liên vùng, khu vực. Về phân cấp nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, về cơ bản, cần thực hiện theo pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Riêng chi nghiên cứu khoa học và công nghệ đối với các cấp chính quyền địa phương: xin đề nghị giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho cấp tỉnh, còn các cấp huyện, xã không có nhiệm vụ này (khoản 1 Điều 38 Dự thảo Luật mới).

Quyết toán ngân sách nhà nước 2013: Bội chi 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP
Quốc hội vừa kết thúc thảo luận ở tổ về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013. Dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Ủy ban Tài chính -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư