Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Dịch cúm hoành hành khiến hàng nghìn trẻ trong một huyện phải nhập viện
D.Ngân - 27/10/2022 11:24
 
Hơn 700 học sinh tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn phải nghỉ học do sốt cao. Đã có một trường hợp tử vong.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn về dịch sốt trên địa bàn huyện, những ngày này, Trung tâm tiếp nhận số lượng trẻ ở các lứa tuổi có biểu hiện sốt cao đến khám và điều trị tăng cao.

Bệnh nhi tại Bắc Kạn nhập viện do sốt tăng cao bất thường.

Ngày 25/10/2022, tại khoa Nhi, bệnh viện huyện đang điều trị nội trú cho hơn 60 bệnh nhi. Tại các Trạm Y tế xã trong huyện, số lượng trẻ em đến khám với biểu hiện sốt cao cũng tăng lên hàng ngày.

Đặc biệt, vào hồi 6h30 phút sáng 24/10, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 8 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao (40, 50C), hôn mê sâu. 

Kíp trực và tổ cấp cứu đã nhanh chóng cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng không có kết quả, bệnh nhi tử vong hồi 10h30 phút cùng ngày. 

Sơ bộ chẩn đoán tử vong: Ngừng tuần hoàn - theo dõi sốc nhiễm khuẩn/hôn mê CRNN (người nhà bệnh nhi kể lại trước đó đã sốt cao ở nhà 02 ngày, chiều 23/10 có đến truyền dịch tại phòng khám tư nhân).

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ổ dịch xuất hiện rải rác hầu như tất cả các xã trên địa bàn huyện Chợ Đồn từ đầu tháng 10/2022, tập trung chủ yếu là Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng. 

Toàn huyện đến ngày 25/10 có tổng số 736 người mắc. Trong đó 109 trẻ vào viện điều trị đã có 1 ca tử vong. Riêng chiều ngày 25/10, tại khoa Nhi của Trung tâm y tế huyện Chợ Đồn tiếp nhận thêm 12 bệnh nhi có biểu hiện sốt, đau họng chủ yếu là học sinh các Trường tiểu học, Mầm non. 

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho biết, theo kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nguyên nhân khiến trẻ sốt, nhập viện là do mắc cúm B (5/7 mẫu). 

Một số thông tin trên mạng cho rằng bệnh lạ, virus lạ, sốt chưa rõ nguyên nhân là chưa chính xác. "Người dân cần phải hết sức cảnh giác trước thông tin này, đồng thời nâng cao ý thức phòng bệnh", vị này cho hay. 

Theo đại diện CDC Bắc Kạn ngay sau khi xuất hiện nhiều trẻ sốt, nhập viện lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có mặt tại huyện Chợ Đồn để chỉ đạo, lên phương án xử lý. 

Do đặc thù cúm B dễ lây nhiễm, các cháu học sinh học tập, sinh hoạt tại trường nên nguy cơ lây lan nhanh. Do vậy, việc phòng dịch ngay trong trường học và khu dân cư là rất quan trọng. 

Tại Hà Nội, do dịch cúm, nhiều cơ quan vắng bóng nhân viên; còn tại các trường học, giáo viên liên tiếp nhận được thông tin học sinh nghỉ ốm.

Ca mắc bệnh hô hấp tăng vọt, các bác sĩ của Bệnh viện Thanh Nhàn phải điều trị gấp đôi số bệnh nhân so với thời gian trước. Có những thời điểm, các bác sĩ tại đây phải cấp cứu cho 20 trẻ mắc sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi do Adenovirus, RSV (virus hợp bào hô hấp).

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trước đây, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện khám cho 1.000 - 1.200 trẻ. 

Gần đây, số bệnh nhân tăng vọt, Bệnh viện phải bố trí thêm nhân lực và các bàn khám vào khung giờ cao điểm. Một bác sĩ thăm khám trung bình cho 60 trẻ mỗi ngày, tăng gần gấp đôi so với trước kia.

Bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, hiện số bệnh nhi đã gấp 1,5 lần so với số giường, nên Bệnh viện phải kê thêm chỗ nằm để chăm sóc trẻ hiệu quả.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn giao mùa Thu - Đông, là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó, dịch cúm là phổ biến nhất.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị thêm giường bệnh và thuốc điều trị.

Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh và gây bệnh. Đặc biệt trẻ em, sức đề kháng yếu, rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khi giao mùa.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có triệu chứng sốt, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để đánh giá được mức độ bệnh. Nếu bệnh ở mức nhẹ và trung bình, cha mẹ sẽ được hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà.

Các bác sĩ cũng lưu ý với cha mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ: Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, không có bệnh lý gì đặc biệt thì chỉ sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như mặc quần áo thoáng mát, nằm phòng đủ ấm hoặc trườm ấm cho trẻ.

Trong trường hợp trẻ bị sốt trên 38,50C, mới sử dụng một số loại thuốc hạ sốt hay sử dụng như paracetamol, liều lượng thì tính theo cân nặng của trẻ, thông thường là 10-15mg/kg cân nặng và khoảng 4- 6 tiếng mới lặp lại liều dùng 1 lần, uống đủ nước. 

Các bậc phụ huynh cần tăng cường chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Đối với trẻ bú mẹ, cho trẻ bú theo nhu cầu, bú nhiều lần hơn so với bình thường. Với trẻ lớn, chuẩn bị cho trẻ các thức ăn mềm, dễ nuốt, cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày. Tăng cường rau xanh, trái cây.

Cha, mẹ chăm sóc trẻ bệnh tại nhà thấy một trong những triệu chứng: Trẻ không ăn uống được hoặc không bú sữa; 

Trẻ khó thở, thở gấp, thở rút lõm lồng ngực; Trẻ sốt cao mà uống thuốc hạ sốt không đỡ thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Không chỉ ở Bắc Kạn dịch cúm đang hoành hành mà tại nhiều tỉnh, thành phố dịch cúm cũng đang ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân.

Tỷ lệ người dân mắc cúm dự báo có chiều hướng tăng vào những tháng cuối năm. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, người dân cần chú ý hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh môi trường để đảm bảo sức khỏe.

Đặc biệt, nếu thấy những biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, co giật, sốt li bì không hạ…, cần đến các cơ sở y tế khám để phát hiện sớm bệnh, có biện pháp xử trí kịp thời, tránh biến chứng nặng.

Cũng theo chuyên gia, cúm mùa tuy là bệnh không quá nguy hiểm, nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đối với nhóm người có nguy cơ cao, trong một số trường hợp có thể tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nhiễm cúm và các biến chứng nghiêm trọng. Hằng năm, WHO đưa ra khuyến nghị về thành phần vắc-xin cần nhắm vào các chủng tiêu biểu nhất đang lưu hành.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của hệ thống Safpo/Potec cho hay, vắc-xin cúm mùa tam giá (3 chủng) đang phổ biến bao gồm 2 chủng cúm A và một chủng cúm B.

Tuy nhiên, các chủng được khuyến nghị có thể không phản ánh hết những chủng lưu hành hiện tại. Vậy nên, có thể nói, vắc-xin cúm mùa 3 chủng hiện nay không phải là tối ưu nhất để bảo vệ mọi người chống lại bệnh cúm mùa. Việc bổ sung chủng virus cúm B thứ 2 vào các vắc-xin cúm mùa tam giá hiện tại sẽ giúp giải quyết các vấn đề không phù hợp trên.

Hiện nay, có nhiều loại vắc-xin cúm mùa đang được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng, song các chuyên gia nhận định, vắc-xin cúm mùa tứ giá (4 chủng) GCFLU Quadrivalent (2 chủng A và 2 chủng B) là dòng vắc-xin có thể giúp phòng 4 chủng cúm mùa mới nhất theo khuyến cáo của WHO hàng năm.

Dịch cúm hoành hành tại trường học, công sở
Do dịch cúm, nhiều cơ quan vắng bóng nhân viên; còn tại các trường học, giáo viên liên tiếp nhận được thông tin học sinh nghỉ ốm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư