Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Dịch sốt xuất huyết ở miền Bắc phức tạp, chuyên gia y tế khuyến cáo
D.Ngân - 28/08/2022 10:41
 
Miền Bắc đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, đã xuất hiện các ca biến chứng, trở nặng và tử vong.

Dịch phức tạp

Theo TS.Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, miền Bắc đang trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết.

Dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng nhanh tại một số địa phương. Ảnh Thanh niên

Tuy nhiên, hiện vẫn có bộ phận người dân còn nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết với Covid-19 do đó khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch. 

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng cao so đầu tháng 8, trong đó có nhiều ca nặng.

Cũng theo bác sĩ Hùng thời gian qua Khoa tiếp nhận 4 bệnh nhân nặng, trong đó một ca tử vong sau khi chuyển viện, 3 ca đã thoát nguy kịch và chuyển điều trị tại khoa khác.

Được biết, ca tử vong là nam thanh niên vào viện ở ngày thứ 6 của bệnh. Khi được chuyển vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã có dấu hiệu suy hô hấp, xuất huyết trong cơ, thoát dịch, rối loạn chuyển máu nặng, suy đa tạng. 

Dù đã đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng bệnh nhân tiên lượng nguy kịch, chuyển viện khác và tử vong sau đó.

Hiện Khoa đang điều trị 2 ca sốt xuất huyết có địa chỉ ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải lọc máu, thở máy, trong đó một ca có tiên lượng dè dặt.

Trên phạm vi cả nước theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước ghi nhận khoảng 9.000 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 150.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 53 trường hợp tử vong. 

TP. HCM, Bình Dương ghi nhận mỗi địa phương 10 ca, tiếp đến là Đồng Nai và Bình Thuận đều ghi nhận 5 ca/ tỉnh, Tây Ninh (4 ca), Bình Phước (4 ca), số còn lại rải rác tại một số tỉnh, thành khác...

Nói về nguy cơ dịch sốt xuất huyết năm nay, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, thông thường, chu kỳ 3-4 năm sẽ có đợt bùng phát dịch. 

Từ 2019 đến 2022 là hơn 3 năm, chúng ta có thêm 2 năm dịch Covid-19 nên tâm lý lơ là, quên mất việc phòng ngừa, chẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, chúng ta thấy số ca mắc bệnh tăng vọt lên. Bệnh nhân tử vong cũng tăng nhiều.

Những năm gần đây, sốt xuất huyết có khuynh hướng chuyển dịch tỷ lệ mắc từ trẻ em sang người lớn, trẻ lớn. Trong đó, tỷ lệ người lớn bị sốt xuất huyết khá cao, thậm chí chuyển biến nặng. 

Do đó, chúng ta không nên chủ quan rằng, người lớn không bị muỗi cắn, không bị sốt xuất huyết. Muỗi vằn bay xung quanh ở khắp nơi, thường đốt vào ban ngày, sinh sản nhanh trong mùa mưa. Vì vậy, người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh và bị nặng.

Chuyên gia cũng cho hay, hai trường hợp có nguy cơ chuyển biến nặng là trẻ nhỏ và trẻ thừa cân, béo phì.

Với trẻ nhũ nhi, mắc sốt xuất huyết, diễn biến thường khá phức tạp và khó đoán do khả năng đánh giá huyết áp, triệu chứng khó nhận biết. Trẻ không nói được nên biểu hiện như đau mệt, mệt mỏi không xác định được.

Nhóm thừa cân, béo phì thường khó điều trị, nguy cơ chuyển biến nặng rất cao. Không riêng gì sốt xuất huyết, hầu hết người có thể trạng thừa cân, béo phì thường có khả năng chuyển nặng cao hơn khi mắc bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh có thể được theo dõi, điều trị tại nhà. Một số trường hợp được chỉ định nhập viện khi có dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng hoặc thể trạng quá mệt mỏi, lừ đừ, sốt quá cao.

Ngoài ra, có những người xa trung tâm thành phố, điều kiện tái khám khó khăn hay cơ địa phức tạp cũng được chỉ định nhập viện.

"Khi mắc sốt xuất huyết, một số trường hợp vẫn tỉnh táo, không sốt nhưng thực tế đang chuyển nặng. “Do đó, gia đình cần tiếp tục theo dõi, chờ đợi hết ngày thứ 5, 6 để đánh giá tình trạng. Lúc đó, chúng ta mới có thể yên tâm", bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Khuyến cáo của chuyên gia về điều trị sốt xuất huyết

Theo chuyên gia, sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 - 40 độ C trong 1 hoặc 2 ngày đầu.

Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ).

Bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.

Chính vì vậy, bác sĩ Hùng lưu ý sốt xuất huyết Dengue diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4, 5 trở đi, không phải thấy hết sốt mà chủ quan.

Chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng đau đầu, hạ sốt là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần còn người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h.

Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.

Về vấn đề bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết, lưu ý việc bù đủ lượng dịch cơ thể rất cần nhưng bằng dịch nào, theo cách nào cho đúng và an toàn cần ý kiến bác sĩ.

Những ngày đầu việc truyền dịch là không cần thiết, nếu bệnh nhân còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống oresol, nước hoa quả, nước lọc. Không phải cứ có chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch mà phải đúng chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt không nên tự truyền dịch tại nhà.

Lúc truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp,... Từ ngày thứ 6 của bệnh (giai đoạn tái hấp thu và hồi phục) nếu truyền nhiều dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp…

Theo TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Cũng theo TS. Khoa, các đơn vị đã tiến hành phân tích 18 trường hợp trẻ tử vong do sốt xuất huyết để nhận định các đặc điểm, đưa ra các giải pháp để giảm tử vong. Qua đó ghi nhận 72,2% ca tử vong là trẻ thừa cân béo phì.

Cục Quản lý khám chữa bệnh đưa ra 10 giải pháp cơ bản giảm tử vong do sốt xuất huyết bao gồm: Truyền thông, hướng dẫn cho người dân nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết để đưa người bệnh nhập viện kịp thời; tăng cường công tác hội chẩn nội viện, liên viện; thiết lập đường dây nóng hỗ trợ từ xa; đảm bảo đủ thuốc, vật tư, dịch truyền và thiết bị cho công tác điều trị.

Được biết, theo các chuyên gia y tế hiện nay, sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh, phương pháp phòng chống dịch tối ưu nhất hiện nay là diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng chống nguy cơ muỗi đốt. 

Công tác phòng chống dịch muốn hiệu quả phải dựa vào cộng đồng, ngành Y tế kêu gọi cả hệ thống chính trị chung tay vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết nhằm bảo vệ sức khỏe của toàn dân, ổn định các hoạt động kinh tế- xã hội

Trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán.

Tin mới y tế ngày 11/8: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần năm 2021; Nhiều ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội biến chứng nặng
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 145.500 ca mắc sốt xuất huyết, 53 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tăng gấp 3,3...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư