Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
“Điểm danh” các thị trường có mức nhập siêu lớn
Minh Nhung - 15/02/2022 17:41
 
Năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ 32 thị trường trên thế giới. Trong 8 thị trường có giá trị nhập siêu lớn (trên 3,6 tỷ USD), ngoài 2 Kuwait, Ailen, 6 thị trường còn lại đều thuộc châu Á.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất với 53,86 tỷ USD trong năm 2021, tăng cao so với mức 35,28 tỷ USD của năm 2020. Việt Nam nhập siêu nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó có 37 mặt hàng nhập khẩu trên 100 triệu USD, đặc biệt có 17 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, gồm máy móc, điện thoại, vải, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may da, hóa chất, dây điện và cáp điện, sợi dệt…

Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao một phần do doanh nghiệp tăng nhập bù lại sự “đứt gãy” nguồn cung do Covid-19 bùng phát; một phần do một số doanh nghiệp ham rẻ nhập khẩu những máy móc có kỹ thuật - công nghệ thấp, những mặt hàng thuộc diện “xuất khẩu hộ, tiêu thụ giùm”…

Hàn Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn thứ hai với 34,21 tỷ USD trong năm 2021, tăng cao so với mức 27,81 tỷ USD của năm 2020. Có 24 mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, trong đó có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, gồm điện thoại, sản phẩm sắt thép, linh kiện ô tô, máy tính, vải… Nguyên nhân chủ yếu do Hàn Quốc là đối tác đầu tư trực tiếp hàng đầu của Việt Nam, ngoài ra còn do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu, tính gia công còn lớn…

Đài Loan đứng thứ 3 trong danh sách thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn, với 16,19 tỷ USD (năm 2020 là 12,38 tỷ USD). Có 17 mặt hàng nhập khẩu từ Đài Loan đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, gồm máy tính, nguyên phụ liệu, máy móc, hóa chất, sản phẩm sắt thép... Cũng giống như thị trường Hàn Quốc, nhập khẩu từ Đài Loan cao chủ yếu do Đài Loan là đối tác lớn về đầu tư trực tiếp của Việt Nam…

Với 6,4 tỷ USD, Thái Lan là thị trường nhập siêu lớn thứ tư của Việt Nam. Trong số các mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan, có 2 mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỷ USD là ô tô nguyên chiếc (1,59 tỷ USD) và máy tính (1,22 tỷ USD). Ngoài ra, còn có một số mặt hàng có kim ngạch khá lớn như máy móc, linh kiện ô tô, chất dẻo, điện gia dụng… Nguyên nhân chủ yếu do Thái Lan là đối tác đầu tư lớn, hàng Thái Lan tốt, giá rẻ…

Malaysia là thị trường gần đây Việt Nam chuyển sang nhập siêu lớn. Năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Malaysia 3,78 tỷ USD, tăng so với mức 3,16 tỷ USD của năm 2020. Mặt hàng nhập khẩu từ Malaysia không nhiều, có 9 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là máy tính, xăng dầu (trên 1 tỷ USD).

Tương tự, Indonesia cũng là thị trường mà Việt Nam gần đây chuyển sang nhập siêu lớn. Năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Indonesia 3,67 tỷ USD, với 13 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, cao nhất là than (trên 1 tỷ USD), tiếp đến là giấy, ô tô, dệt may, linh kiện ô tô…

Nhập siêu tăng cao có tác động nhất định đến nền kinh tế. Nếu nhập siêu thiết bị kỹ thuật từ các nước có kỹ thuật - công nghiệp thấp, thì về lâu dài sẽ khiến sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước bị hạn chế so với hàng nhập khẩu cũng như khi xuất khẩu, đó là chưa kể tác động đến cán cân thương mại,  thanh toán, dự trữ ngoại hối, tỷ giá… Những con số thống kê về nhập siêu từ các thị trường lớn nói trên cũng đặt ra vấn đề rà soát, cơ cấu lại thị trường nhập khẩu để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một hay một số thị trường.

Việt Nam điều tra bán phá giá bàn, ghế nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2091/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư