Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điều chỉnh linh hoạt tỷ giá để tránh sốc
Thùy Liên - 22/05/2017 08:25
 
Nhập siêu tăng mạnh, thâm hụt lớn với Trung Quốc và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất trong tháng 6 tới đang là nỗi lo của NHNN trong điều hành tỷ giá.

Áp lực đến từ nhiều phía

Sau nhiều phiên giảm, cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tăng tỷ giá trung tâm tới 9 đồng sau khi giá USD thế giới tăng cao, do một quan chức của Fed cho rằng, cần sớm tăng lãi suất USD. Dù Fed chưa có tuyên bố nào chính thức, song giới đầu tư tin rằng, khả năng tăng lãi suất của Fed sẽ diễn ra trong tháng 6 tới.

Trong nước, nhập siêu đang ở mức khá cao, với 2,8 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), nhập siêu tăng là sức ép lớn nhất đối với tỷ giá năm 2017. NFSC dự báo, năm nay, cán cân thương mại có thể thâm hụt tới 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Sự biến động về tỷ giá trong năm nay được đánh giá là nằm trong khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Trong ảnh: Kiểm quỹ tại ngân hàng  TMCP Liên Việt. Ảnh: Đức Thanh
Sự biến động về tỷ giá trong năm nay được đánh giá là nằm trong khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Trong ảnh: Kiểm quỹ tại Ngân hàng TMCP Liên Việt. Ảnh: Đức Thanh

Một yếu tố nữa đang “đe dọa” tỷ giá là xu hướng mất giá của đồng nhân dân tệ, nhất là khi thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên 28 tỷ USD trong năm 2016.

Về dài hạn, NFSC cho rằng, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Fed trong các năm tiếp theo với mục tiêu nâng lên mức 3% vào cuối năm 2019, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực lớn hơn.

Và như thường lệ, mỗi khi tỷ giá có xu hướng tăng, yếu tố đầu cơ, kỳ vọng lại tăng lên, khiến cung USD càng giảm, trong khi cầu tăng.

Chính Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng thừa nhận, các biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế sau sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ, các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Fed tăng lãi suất... làm cho việc điều hành tỷ giá năm 2016 và những tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn.

“Trong nước, cung - cầu ngoại tệ kém thuận lợi, nhập siêu lớn, xu hướng USD tăng giá trên thị trường quốc tế đã kéo theo các yếu tố đầu cơ, kỳ vọng gia tăng”, Thống đốc chia sẻ.

Không để tỷ giá biến động mạnh

Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn rất thận trọng trong điều hành tỷ giá, với mục tiêu cao nhất là ổn định tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá chỉ tăng khoảng 1,1%. Liệu sự ổn định này có đủ để chống các cú sốc từ bên ngoài cũng như áp lực từ nhập siêu?

Quan sát trên thị trường, có thể thấy, thời gian qua, NHNN đã nâng dần giá mua và giá bán USD. Tỷ giá trung tâm điều chỉnh hàng ngày cũng rất linh hoạt và khó đoán. Điều này cho thấy, “NHNN đã có động thái điều chỉnh tỷ giá từng bước, nhằm tránh những cú sốc về chính sách tỷ giá trong thời gian tới”, theo đánh giá của NFSC.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, không nên nghiêm trọng hóa việc Fed tăng lãi suất. Trong ngắn hạn, tỷ giá sẽ khó gặp cú sốc lớn, bởi chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND.

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, khi Fed tăng lãi suất tháng 3/2017, thì USD trong nước lại giảm và vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua vẫn khá tốt.

Riêng với Trung Quốc, áp lực nhập siêu của nước ta rất lớn, song khả năng nước này phá giá sâu đồng nội tệ sẽ không xảy ra bởi chủ trương của Chính phủ Trung Quốc là phát triển dựa vào nội địa, chứ không phải dựa vào xuất khẩu như trước.

Phần lớn chuyên gia dự báo, tỷ giá trong nước năm nay sẽ tăng 2 - 3%, tương tự mức tăng trong nhiều năm gần đây và nằm trong khả năng chịu đựng của nền kinh tế, nên không ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp.

Trao đổi về định hướng điều hành tỷ giá những tháng còn lại, Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết: “Trong thời gian tới, với chủ trương từng bước chống đô-la hóa trong nền kinh tế, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định, linh hoạt, không để tỷ giá biến động gây tâm lý bất ổn trên thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà xuất khẩu, nhập khẩu, quan hệ vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, Chính phủ”.

Vũ khí bí mật trong điều hành tỷ giá
Vũ khí bí mật và quan trọng nhất trong điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là khối lượng giao dịch ngoại tệ và tỷ giá bình quân giao dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư