Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Digiworld tìm trụ cột tăng trưởng mới sau khi mất vị thế độc quyền với Xiaomi
Hồng Phúc - 23/02/2022 14:27
 
Tham vọng duy trì đà tăng trưởng trung bình 25%/năm khiến Digiworld phải tham gia vào phân phối thêm nhiều ngành hàng, bên cạnh nhóm sản phẩm truyền thống và lĩnh vực dược phẩm chưa thể khai thác.
Digiworld ký kết hợp tác với Whirlpool nhằm mở ra cơ hội tăng trưởng mới
Digiworld ký kết hợp tác với Whirlpool nhằm mở ra cơ hội tăng trưởng mới.

Mất vị thế độc quyền với Xiaomi

Việc Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) mất danh hiệu là nhà phân phối độc quyền điện thoại di động Xiaomi tại Việt Nam từ năm 2022 được các cổ đông công ty này gọi là “cú sốc thông tin”, bởi Digiworld được ví như bà đỡ đưa nhãn hàng Xiaomi khai thác thị trường nội địa cũng như giữ vị thế độc quyền trong suốt 5 năm qua.

Nhưng từ đầu năm nay, hãng “Apple của Trung Quốc” đã quyết định bổ sung Synnex FPT vào danh sách các nhà phân phối điện thoại và đồ gia dụng của họ tại Việt Nam, đặt Digiworld cùng Synnex FPT vào thế cạnh tranh trực diện. Thị giá cổ phiếu DGW của Digiworld nằm sàn 3 phiên liên tiếp ngay sau khi thông tin này được công bố.

Trong chiến lược phát triển, Digiworld định hướng theo đuổi các ngành hàng ICT, thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng, dược phẩm/ máy móc ngành dược và đang nghiên cứu trong lĩnh vực F&B, thiết bị lĩnh vực công nghiệp…

Riêng nhóm điện thoại di động tại Việt Nam, thị phần của Xiaomi ước tính đã tăng từ 7% vào thời điểm đầu năm 2020, lên 12% tại thời điểm tháng 11/2021.

Chia sẻ về việc hợp tác thêm nhà phân phối nêu trên, ông Ngô Anh Ngọc, Giám đốc Công ty Tư vấn Babuki cho rằng, việc duy trì vị thế độc quyền phân phối với Xiaomi trong thời gian dài đã thể hiện được năng lực khai thác thị trường của Digiworld. Song sau khi tăng mức độ nhận diện, hầu hết các nhãn hàng đều không chỉ hợp tác với một nhà phân phối, mà cần nhiều đơn vị để quá trình cạnh tranh trực diện cũng là cách các bên chạy đua đưa doanh số chung của hãng tăng trưởng.

Trong tổng doanh thu năm ngoái của Digiworld, các sản phẩm mang thương hiệu Xiaomi chiếm gần 34%, tương đương 7.200 tỷ đồng. Ông Anh Ngọc dự đoán, con số vừa nêu sẽ giảm từ 1.000 đến 2.000 tỷ đồng trong năm nay.

Nói về vấn đề này, ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Digiworld cho biết, trong thời gian tới, tỷ lệ đóng góp của Xiaomi vào tổng doanh thu sẽ bị giảm xuống, nhưng “con số tuyệt đối vẫn tăng lên” (khoảng 8.000 tỷ đồng), vì Xiaomi đang chọn theo định hướng tập trung khai thác thị trường Việt Nam.

“Sau một thời gian, các nhãn hàng có thêm nhà phân phối là chuyện rất bình thường. Đối với tôi, đây không phải là cú sốc thông tin. Xiaomi có mục tiêu tăng trưởng tại Việt Nam khá cao. Vì vậy, Synnex FPT có cùng phân phối thì Digiworld vẫn có thể tăng trưởng. Một nhà phân phối mới thì không thể ngay lập tức có thể bằng được Digiworld”, ông Đoàn Hồng Việt tự tin.

Tìm trụ cột tăng trưởng mới

Lường trước kịch bản mất vị thế độc quyền với Xiaomi, Digiworld đã lên kế hoạch tìm kiếm trụ cột tăng trưởng mới, vừa có thể góp phần bù đắp khoản doanh thu từ Xiaomi có thể suy giảm, vừa bổ trợ những ngành hàng truyền thống sau nhiều năm khai thác.

Whirlpool - một nhãn hàng trong ngành thiết bị gia dụng lần đầu tiếp cận thị trường Việt Nam được Digiworld chọn hợp tác. Công việc của Digiworld là giúp Whirlpool tăng số lượng sản phẩm mang thương hiệu này được bán ra tại thị trường.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về việc chọn phân khúc các sản phẩm Whirlpool sẽ phân phối tại Việt Nam, ông Đoàn Hồng Việt cho biết, Digiworld sẽ phân tích thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, các dòng máy giặt, máy sấy, tủ lạnh side by side (phân khúc cao cấp) và các thiết bị bếp sẽ được lựa chọn nhằm bắt đầu ghi nhận doanh thu từ quý II/2022. Cùng với đó, diện tích kho bãi của Công ty sẽ phải mở rộng gấp 4 lần năm ngoái nhằm phục vụ cho các sản phẩm của ngành hàng mới. Digiworld tham vọng trong dài hạn sẽ nắm 10% thị phần thị trường thiết bị gia dụng nội địa, hiện giá trị khoảng 1,4 tỷ USD.

Năm ngoái, doanh thu  của Digiworld đạt xấp xỉ 21.000 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng trưởng mạnh này được Tổng giám đốc Digiworld thừa nhận là “gánh nặng cho năm nay” để duy trì cam kết tăng trưởng 25%/năm.

Dự kiến, HĐQT Digiworld sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 28.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 40% so với năm vừa qua.

Trong chiến lược phát triển, Digiworld định hướng theo đuổi các ngành hàng ICT, thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng, dược phẩm/ máy móc ngành dược và đang nghiên cứu trong lĩnh vực F&B, thiết bị lĩnh vực công nghiệp cũng như tiến hành M&A, ra mắt thương hiệu riêng trong lĩnh vực thiết bị gia dụng. Điều này có nghĩa là Digiworld sẽ không loại trừ bất kỳ ngành hàng nào để tham gia vào, miễn có thể mang về nguồn thu lớn cho đích đến tăng trưởng 25%/năm.

“Chúng tôi sẽ là một công ty thương mại phát triển thị trường với đa ngành hàng, cả về chiều dọc lẫn chiều ngang, cốt lõi là giữ được tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ít nhất 25%”, ông Đoàn Hồng Việt nói, đồng thời nhìn lại 2 ngành hàng hiện hữu chưa được khai thác tốt như kỳ vọng là dược phẩm và hàng tiêu dùng.

Với mảng dược phẩm, Digiworld đang tham gia phân phối các sản phẩm cơ xương khớp và tim, nhưng trong tương lai, ông Việt cho biết, sẽ mở rộng nhóm sản phẩm, đẩy mạnh bán vào các cửa hàng lớn nhỏ, thay vì chỉ tập trung vào cửa hàng thuốc trong bệnh viện như hiện nay.

Với ngành hàng thiết bị gia dụng, kinh nghiệm bán buôn trong ngành hàng công nghệ thông tin có thể trở thành lợi thế cho Digiworld tham gia vào khai phá ngành hàng mới này, bởi có thể sử dụng kho bãi, logistics, vận hành, marketing đến khách hàng cuối khá giống nhau, cũng như có thể bán chéo sản phẩm từ kênh phân phối hiện hữu.

Digiworld (DGW) báo lãi hơn 330 tỷ đồng, nợ phải trả tăng lên 2.303 tỷ đồng
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Thế giới Số (Digiworld, HoSE: DGW) báo lãi ròng 330,7 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức 2.303 tỷ đồng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư