Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Định hình các cơ chế đặc thù vượt trội cho Thủ đô và Vùng Thủ đô phát triển
Minh Thắng - 15/07/2023 10:50
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần nêu bật được phần nội dung về Vùng Thủ đô… để định hình các cơ chế đặc thù vượt trội cho Thủ đô và Vùng Thủ đô phát triển.

Bám sát 9 nhóm chính sách

 

Chiều 14/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm việc với Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).  

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng thông tin, trong quá trình soạn thảo, Tổ biên tập, Thường trực Tổ biên tập và các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội đã trách nhiệm, chủ động, tích cực tham mưu, giúp Ban soạn thảo trong việc chuẩn bị dự án Luật.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ Tư pháp, UBND TP. Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Mặc dù thời gian gấp gáp nhưng hiện dự thảo Luật cùng dự thảo Tờ trình khá dày dặn, công phu. 

Về một số nội dung lớn của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Trần Tiến Dũng cho biết, nội dung dự thảo Luật bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước.

Ban soạn thảo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất TP. Hà Nội và cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, bảo đảm điều kiện cần thiết để thực hiện tốt các công việc tiếp theo trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện, làm việc với các bộ, ngành có liên quan và trình các cấp có thẩm quyền Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã đăng tải hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngày 13/7/2023, Bộ Tư pháp có Công văn gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều; tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành.

Các điều khoản của dự thảo Luật được xây dựng để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, chính xác nhất đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15- NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ban soạn thảo và Tổ Biên tập Luật Thủ đô (sửa đổi). “Bản thảo lần này có chất lượng tốt hơn hẳn phiên bản trước đó”, ông khẳng định. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh nhấn mạnh, Luật Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt, nên các cơ quan, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đóng góp để hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, nhất là phải rút kinh nghiệm từ hạn chế của Luật Thủ đô 2012, thể hiện bằng được yêu cầu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra là có cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phát triển.

Theo đó, mấu chốt là phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho Thủ đô, nhưng phải có cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện; phải nhận thức rõ rằng, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước; không chỉ huy động nguồn lực trong nước mà còn phải huy động cả nguồn lực ngoài nước. 

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ... 

Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo Quốc lộ 6 nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết từ cuộc sống, TP. Hà Nội đã bố trí kinh phí để thực hiện. Đối với các dự án cầu bắc qua sông Hồng theo quy hoạch, trước hết, các cầu theo tuyến đường Vành đai 4 hay đầu tư 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch mà không có cơ chế tài chính cho Hà Nội chủ động thực hiện thì rất khó đẩy nhanh được tiến độ.  

Ông Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý một số nội dung mang tính kỹ thuật và vấn đề cần thiết để thống nhất nhận thức như: Việc sử dụng từ "Thủ đô" bảo đảm thống nhất, xuyên suốt vì đây là Luật Thủ đô; nêu khái niệm "Thành phố trực thuộc Thủ đô" ở mức vừa phải, vì việc thực hiện phải căn cứ vào quy hoạch và các điều kiện cụ thể thực tế... 

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cần nêu bật được phần nội dung về Vùng Thủ đô, nhất là vai trò, vị trí của Vùng Thủ đô và Thủ đô làm căn cứ để định hình các cơ chế đặc thù vượt trội cho Thủ đô và Vùng Thủ đô phát triển. 

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và ý kiến các đại biểu cùng các chuyên gia đã nêu. 

Ông Lê Thành Long nhấn mạnh, vẫn còn khá nhiều việc cần làm trong công tác soạn thảo, biên tập Luật Thủ đô (sửa đổi) trong khi thời gian còn lại không nhiều. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TP. Hà Nội nhằm thống nhất, hoàn chỉnh các bước theo quy định trước khi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội trong thời gian tới. 

Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, cố gắng hết sức, làm việc hiệu quả nhất để xây dựng và hoàn thiện Dự thảo có chất lượng rõ nét, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối với Thủ đô. Mục tiêu là phải hoàn thiện Dự thảo và Tờ trình để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước ngày 1/9/2023.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư