Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Định vị ngành logistics Đà Nẵng
Ngọc Tân - 21/08/2015 16:53
 
Những bước phát triển đáng ghi nhận về hạ tầng giao thông, cảng biển sau gần 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của Đà Nẵng được xem là điều kiện cần để địa phương này phát triển ngành logistics lên một tầm cao mới, xứng đáng là cánh cửa hướng Đông quan trọng của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Từ tiềm năng…

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, với vị trí chiến lược là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), Đà Nẵng đã và đang có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế. Ngoài ra, Đà Nẵng còn là tâm điểm của các di sản văn hóa thế giới như phố cổ Hội An, Mỹ Sơn về hướng Nam; Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng về phía Bắc, với hệ thống giao thông đường bộ kết nối với Tây Nguyên qua Quốc lộ 14B.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, Đà Nẵng là một trong số ít thành phố hội tụ những điều kiện cần và đủ để phát triển kinh tế biển. Hệ thống cảng nước sâu đang được đầu tư đồng bộ kết hợp với hạ tầng giao thông kết nối vùng miền sẽ đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm dịch vụ cảng biển lớn nhất trong khu vực trong tương lai. Trong đó, cảng Đà Nẵng sẽ trở thành điểm giao thương quốc tế quan trọng để hàng hóa khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả tuyến EWEC vươn ra thế giới qua đường biển.

Cảng Tiên Sa là đầu mối quan trọng trong hệ thống logistics tại TP. Đà Nẵng
Cảng Tiên Sa là đầu mối quan trọng trong hệ thống logistics tại TP. Đà Nẵng

 

Tại buổi tiếp đoàn các nhà đầu tư quốc tế gần đây, ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, chính quyền Đà Nẵng nhận thấy tiềm lực phát triển kinh tế địa phương dựa trên lợi thế biển là rất lớn. Đà Nẵng đã và đang có chiến lược trở thành trung tâm phát triển logistics (dịch vụ giao nhận, kho bãi, bốc xếp, vận tải, đóng gói hàng hóa, đại lý hàng, đại lý tàu, xuất nhập khẩu, khai báo hải quan...) có tầm vóc không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực.

Theo ông Viết, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Cảng Đà Nẵng là một trong những cảng biển đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là cảng tổng hợp, container, du lịch quốc tế trọng điểm ở khu vực miền Trung, đồng thời thực hiện tiếp chuyển hàng quá cảnh của một số vùng thuộc Lào, Thái Lan hay Myanmar trên EWEC. 

Ông Viết cho rằng, với vai trò là một đầu mối giao thông quan trọng của vùng, Đà Nẵng cần tập trung phát triển dịch vụ logistics. “Thành phố cần tiếp tục duy trì tốt việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo nguồn hàng ổn định cho dịch vụ logistics. Đồng thời, tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh logistics…”, ông Viết nói.

Đến chiến lược…

Để đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ logistics, UBND TP. Đà Nẵng đã xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của TP. Đà Nẵng đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020”, nhằm hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ

logistics tại miền Trung với trung tâm là Đà Nẵng, trong đó cảng Đà Nẵng là cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á

Theo Đề án, Đà Nẵng sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ban đầu cho chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của lĩnh vực này là 14,5% năm. Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ thiết lập một trung tâm chuẩn hóa dịch vụ logistics tổng hợp bao gồm các dịch vụ logistics mới như theo dõi và giám sát hàng gửi, xử lý thủ tục hải quan hiệu quả…

Trung tâm logistics sẽ kết nối đầy đủ với hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đường bộ và đường sắt; tiếp cận tốt các cảng biển chính, các ga đường sắt, cảng hàng không chính; tập trung khách hàng muốn thuê dịch vụ logistics từ 3 PLs (Third Party Logistics); thu hút lượng hàng container xuất và nhập cao.

Trong định hướng phát triển ngành logistics, Đà Nẵng sẽ thiết lập các tuyến vận tải mới đến từ Nhật Bản, châu Âu, châu Úc…; phối hợp với các địa phương miền Trung, các bộ, ngành, Trung ương xây dựng hệ thống giao thông đường bộ; nâng cấp và hiện đại hóa giao thông đường sắt, đường hàng không tại nút giao thông Đà Nẵng, kết nối các ga đường sắt, hàng không với khu LCD Hòa Nhơn.

Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ nâng cấp, phát triển có chiều sâu trang thiết bị, dây chuyền công nghệ bốc xếp và quản lý để nâng cao chất lượng vận tải dịch vụ vận tải - kho bãi, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng.

Và hiện thực hóa

Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho rằng, hoạt động của ngành logistics ở Đà Nẵng hiện chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng sẵn có, phạm vi hoạt động chỉ gói gọn trong nước và các nước trong khu vực. Hơn nữa, các dịch vụ logistics ở Đà Nẵng mang tính đơn lẻ, các doanh nghiệp chưa có sự liên kết để tạo thành một chuỗi

logistics xuyên suốt, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo ông Minh, cơ sở hạ tầng giao thông tại Đà Nẵng đang ngày càng hoàn thiện đã góp phần để địa phương phát huy các lợi thế về vị trí địa lý. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng dịch vụ phụ trợ tại Đà Nẵng phong phú, với 53 chi nhánh ngân hàng, 30 chi nhánh công ty bảo hiểm và 761 công ty hoạt động vân tải, kho bãi…, chính là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics.

Ông Minh cũng khẳng định, trong chiến lược phát triển của TP. Đà Nẵng, logistics được xem là một trong những ngành mũi nhọn để đưa Đà Nẵng vươn lên trở thành trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Và cảng Đà Nẵng là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng để thực hiện chiến lược đó.

“Cảng Đà Nẵng đang là một trong những cảng biển nước sâu lớn nhất cả nước (12 m), với công suất trung chuyển hàng hóa lên đến 7 triệu tấn mỗi năm, có thể tiếp nhận tàu chở hàng rời 50.000 DWT, tàu container 3.000 TEU và tàu khách 100.000 GRT. Tại cảng này, trung bình mỗi tuần có 10 - 14 chuyến hàng container được trung chuyển”, ông Minh nói.

Cảng Đà Nẵng sẽ trở thành cảng biển tầm cỡ quốc tế
Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết từng khẳng định với các nhà đầu tư quốc tế rằng, Đà Nẵng đã và đang có những định hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư