Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp Ba Lan: Hiện thực hóa cơ hội tại Việt Nam
Huy Hào - 04/11/2017 08:35
 
Ba Lan có cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đông đảo, phong trào khởi nghiệp đang được khuyến khích mạnh mẽ. Sau thời gian tích lũy tiềm lực, nhiều doanh nghiệp Ba Lan đang có nhu cầu vươn tới những thị trường xa hơn và họ đã nhìn thấy cơ hội hấp dẫn ở thị trường Việt Nam.

Những doanh nghiệp tiên phong

Trong văn phòng làm việc của Công ty Hydro - Vacuum, chúng tôi thích thú khi nhận ra trên tủ tài liệu dày đặc các tập hồ sơ về những thị trường nước ngoài của Công ty, có một số tập hồ sơ ghi hai chữ “Việt Nam”.

Bà Barbara Miller, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Marketing Công ty Hydro - Vacuum cho hay, Công ty đã có mặt tại thị trường Việt Nam được 3 năm và hiện đã có văn phòng đại diện tại Hà Nội. Đáng chú ý, đây là một trong 2 văn phòng bán hàng chính thức của Công ty tại thị trường nước ngoài.

Tập đoàn dược Adamed coi Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm. Ảnh: Bá Thư
Tập đoàn dược Adamed coi Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm. Ảnh: Bá Thư

Có lịch sử 155 năm hoạt động, khởi đầu từ lĩnh vực cơ khí, Công ty đã phát triển mạnh về các sản phẩm máy bơm công suất lớn được hơn 80 năm, xuất khẩu sản phẩm tới hơn 40 thị trường trên thế giới, bao gồm các hệ thống bơm nước sạch, bơm nước thải, máy bơm công nghiệp phục vụ các nhà máy, bệnh viện, tòa nhà…

“Những máy bơm công suất lớn của Hydro - Vacuum luôn được thiết kế phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, địa hình lắp đặt của khách hàng. Ngay tại Việt Nam, những kỹ sư Ba Lan và Việt Nam của Hydro- Vacuum đã có mặt ở những địa bàn từ ngoại thành Hà Nội, các tỉnh lân cận, đến tận Đồng bằng Sông Cửu Long hay tỉnh miền núi Hà Giang để khảo sát, thiết kế, lắp đặt những máy bơm cỡ lớn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, bà Barbara Miller cho hay.

Được biết, sản phẩm của Hydro- Vacuum đã có mặt ở nhiều địa phương tại Việt Nam như Hà Nội, Hậu Giang, Phú Yên, Quảng Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng… Doanh số của Công ty từ thị trường Việt Nam từ tháng 8/2015 đến nay đạt hơn 1 triệu euro, riêng năm 2017 có thể đạt trên 1 triệu euro.

Không như các doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường Ba Lan, Tập đoàn Dược phẩm Adamed lại có mặt tại thị trường Việt Nam từ khá lâu, xuất phát từ việc mua lại một công ty dược nhà nước vốn đã có mối quan hệ làm ăn với Việt Nam, với sản phẩm thuốc Biseptol vốn rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam.

Thành lập từ năm 1986, đến nay Adamed đã có một dây chuyền hoạt động khép kín, từ nghiên cứu, sản xuất đến phân phối sản phẩm. Cùng với việc chiếm lĩnh được thị phần tương đối tốt tại Ba Lan (Công ty hiện đứng thứ 6 tại thị trường Ba Lan), Adamed cũng xuất khẩu sản phẩm tới 60 thị trường trên thế giới, lập chi nhánh và công ty con ở 7 thị trường ngoài Ba Lan.

Kỳ vọng về hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan không dừng ở quyết tâm hay những nhìn nhận, đánh giá tiềm năng.

BàMalgorzata Adamkiewicz, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc điều hành Tập đoàn cho biết, hầu hết các sản phẩm chính của Tập đoàn đều đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Adamed xuất khẩu sang Việt Nam nhiều loại thuốc, trong các lĩnh vực như tim mạch, phổi, các bệnh về mắt, thần kinh, đường tiêu hóa..

“Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong số khoảng 60 thị trường nước ngoài của Tập đoàn, đem lại 6,4 % doanh thu cho chúng tôi. Trong chiến lược phát triển toàn cầu của Tập đoàn, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường rất quan trọng”, bà Malgorzata Adamkiewicz cho biết.

Từng đến TP.HCM và Hà Nội nhiều lần để tìm hiểu thị trường, ông Michat Wisniewski, Giám đốc điều hành Công ty Dimark - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic và tự động hóa có trụ sở tại Poznan (Ba Lan) cho hay, Công ty của ông đang tham gia đấu thầu một dự án về các giải pháp vận chuyển, quản lý hành lý sân bay tại Việt Nam. Với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, sau khi có chỗ đứng tốt tại thị trường Ba Lan, Công ty đã vươn ra các thị trường lớn khác và giành được những hợp đồng ấn tượng. Đơn cử, Dimark đang triển khai hệ thống quản lý hành lý cho một sân bay tại Nga có công suất 30 triệu lượt khách/năm, trong khi sân bay lớn nhất tại Ba Lan hiện chỉ có công suất 14 triệu lượt khách/năm.

“Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Tôi đã cùng đối tác Việt Nam phân tích kỹ một số dự án sân bay ở Việt Nam và quyết định chuẩn bị hồ sơ dự thầu tại một dự án đang triển khai”, ông Michat Wisniewski tiết lộ và hy vọng có thể ký những hợp đồng đầu tiên tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Cơ hội còn ở phía trước

Ông Maciej Falcowski, Phó cục trưởng Cục Hợp tác kinh tế (Bộ Ngoại giao Ba Lan) cho hay, hơn 20 năm qua, Ba Lan đã đạt mức tăng trưởng trung bình trên 4,5%/năm. Thậm chí, ngay trong giai đoạn châu Âu lâm vào khủng hoảng (năm 2008), duy nhất Ba Lan vẫn tăng trưởng dương. Một trong những nguyên nhân để Ba Lan ổn định và phát triển đáng ngạc nhiên, chính là nhờ sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp nước này.

“Các doanh nghiệp Ba Lan đã có hơn 2 thập kỷ tích lũy tiềm lực, phát triển, đứng vững ở thị trường nội địa và đang dần vững vàng trong chuỗi giá trị của châu Âu, nay đã có nhu cầu phát triển vươn tới những thị trường xa hơn. Hiện Ba Lan có hơn 300.000 doanh nghiệp, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là điểm tương đồng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, rất thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác”, ông Falcowski đánh giá.

Trong khi đó, “gene” kinh doanh lại là điểm được bà Marta Gajecka, Cố vấn Tổng thống Ba Lan A.Duda nhắc đến khi nói về tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ba Lan.

“Người Ba Lan nghĩ đến Việt Nam là nghĩ đến các nhà kinh doanh, đến hoạt động kinh doanh. Việt Nam và kinh doanh dường như là một. Một trong những bằng chứng là cộng đồng khoảng 30.000 người Việt Nam ở Ba Lan. Họ đã tham gia trực tiếp, tích cực vào đời sống kinh tế của Ba Lan, đóng góp chung vào phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Ở mỗi nước, chúng ta có hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp được chính phủ ủng hộ, hỗ trợ. Vì thế, không có lý do gì, doanh nghiệp hai nước không đẩy mạnh hợp tác”, bà Marta Gajecka nhấn mạnh.

Quả thực, những kỳ vọng về hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan không dừng ở quyết tâm hay những nhìn nhận, đánh giá tiềm năng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Mariusz Boguszewski, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cho biết, đầu tháng 11 này, đoàn doanh nghiệp Ba Lan sẽ có mặt tại Hà Nội tham dự hội thảo giới thiệu về chất lượng gia cầm của Ba Lan nói riêng, châu Âu nói chung, đặt trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu kỳ vọng tiếp tục phát triển. Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch hỗ trợ quảng bá các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Liên minh châu Âu và các doanh nghiệp Ba Lan, tất nhiên không bỏ lỡ cơ hội để quảng bá những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao uy tín tới thị trường hơn 93 triệu dân Việt Nam.

Từ Ba Lan, ông Wojciech Grabowski, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc điều hành Hydro - Vacuum tiết lộ, ông dự định sẽ đăng ký tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo cấp cao Ba Lan thăm Việt Nam cuối năm 2017 để tiếp tục gặp gỡ các đối tác Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở thị trường rất tiềm năng này.

Rõ ràng, các doanh nghiệp Ba Lan đang xúc tiến hiện thực hóa các cơ hội, biến những tiềm năng hợp tác thành quả ngọt. Sự năng động đó của các doanh nghiệp Ba Lan cùng sự chào đón từ phía Việt Nam với môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, cởi mở, có thể kỳ vọng rằng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Ba Lan ghi dấu ấn tại thị trường Việt Nam.

Việt Nam là thị trường quan trọng đối với Ba Lan
Nhân dịp Ngày Độc lập của Ba Lan (11/11), Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam, bà Barbara Szymanowska, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư