Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp chi đậm mua cổ phiếu quỹ của chính mình
Thanh Thủy - 19/11/2019 08:59
 
Chung xu hướng mua vào cổ phiếu quỹ với thế giới, nhiều doanh nghiệp cũng đang gom cổ phiếu của chính công ty mình như một khoản đầu tư khi giá cổ phiếu thấp hơn kỳ vọng.
Nghe bài viết này tại đây :
.
Biểu đồ Doanh nghiệp niêm yết mua vào cổ phiếu quỹ.

Đổ xô mua cổ phiếu quỹ

Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, nền kinh tế lớn nhất giới liên tục ghi nhận con số kỷ lục mới của chỉ số chứng khoán trong nhiều phiên giao dịch. Bất chấp niềm tin của các nhà đầu tư và phản ứng với triển vọng kinh tế không được cải thiện nhiều, hai nguyên nhân hỗ trợ tích cực lên thị trường được chỉ ra là việc cắt giảm lãi suất điều hành tới 3 lần trong năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và làn sóng mua cổ phiếu quỹ của các công ty.

Theo thống kê của một chuyên gia phân tích phố Wall, 806 tỷ USD đã được các công ty trong nhóm S&P 500 dùng để mua lại cổ phiếu quỹ trong năm ngoái. “Dù động thái mua cổ phiếu quỹ giảm nhẹ năm nay, nhưng số tiền các công ty dự kiến chi trong riêng quý III/2019 cũng lên tới 170 tỷ USD”, tờ Financial Times trích dẫn.

Câu chuyện này không chỉ diễn ra tại Mỹ. Hơn 4.800 tỷ đồng là số tiền mà khoảng 10 doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam chi ra để mua cổ phiếu quỹ trong 9 tháng của năm 2019. Vietjet Air, MBBank, TPBank, VNDirect, Điện Quang là các doanh nghiệp đã chi hàng trăm tỷ đồng cho khoản đầu tư vào chính doanh nghiệp mình. Xét trên 25 doanh nghiệp đã chi nhiều tiền nhất cho cổ phiếu quỹ, tổng giá trị số cổ phiếu quỹ này đạt gần 18.400 tỷ đồng, tương đương 10,4% giá trị vốn điều lệ. Như Coteccons, doanh nghiệp xây dựng này đã bỏ ra 430 tỷ đồng để mua hồi đầu năm. Dù chỉ mua được 2,7 triệu cổ phiếu, nhưng số tiền mua cổ phiếu quỹ cũng ngang ngửa 55% vốn điều lệ do Công ty sẵn sàng chi trả cao hơn gấp nhiều lần mệnh giá.

Một số doanh nghiệp như Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), Petrolimex (PLX), hay gần nhất là ACB đã “chốt lời” khoản đầu tư vào cổ phiếu quỹ, nhưng xu hướng mua vào vẫn khá áp đảo trong năm nay. Lượng tiền để mua cổ phiếu của chính công ty dự kiến còn tăng mạnh trong quý cuối năm khi một loạt doanh nghiệp đã công bố kế hoạch, như Vinhomes (ước hơn 5.600 tỷ đồng), Vincom Retail (1.960 tỷ đồng)…

Lý do cho các giao dịch mua thường bởi công ty đánh giá thị giá đang ở mức thấp hơn giá trị thực, động thái “đỡ giá” cổ phiếu để bảo vệ quyền lợi của công ty và cổ đông. Việc mua cổ phiếu quỹ cũng chỉ được thực hiện khi nguồn tiền của doanh nghiệp sẵn sàng hay thậm chí dư thừa. Như trường hợp của HVC Group, giá cổ phiếu HVH đã giảm 37,5% từ đỉnh thiết lập giữa tháng 7/2019. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, việc trích lợi nhuận năm 2018 để mua 500.000 cổ phiếu (2,5% vốn) để khẳng định tiềm lực tài chính, tạo niềm tin cho các cổ đông và đã được xem xét trên việc cân đối nguồn vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Một lý do khác, đó là công ty gom mua cổ phiếu quỹ để bán. MBBank có thể sẽ hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu trong tháng 11 này, dự thu về 240 triệu USD. Ngoài cổ phiếu mới phát hành, toàn bộ 47 triệu cổ phiếu quỹ mà ngân hàng này đã mua hồi cuối tháng 2 cũng được đem bán, chênh lệch giá mua bán có thể lên tới hơn 30%.

Và những giao dịch thỏa thuận

Việc mua cổ phiếu quỹ là một khoản đầu tư, biến động tăng hay giảm của giá cổ phiếu là điều không thể đoán định và có thể khiến quyết định đầu tư hiệu quả hoặc không. Ngoài việc công ty được lợi vì không cần chi trả cổ tức cho các cổ phần đã được mua lại, khoản lãi tiền gửi nếu đem số tiền này gửi ngân hàng cũng là chi phí cơ hội cần được tính đến khi xét đến tính hiệu quả.

Khi cổ phiếu “được giá” hoặc bản thân công ty có nhu cầu vốn, cổ phiếu quỹ có thể được bán ra thị trường. Ngoài bán khớp lệnh, không ít trường hợp cổ phiếu quỹ sang tay thỏa thuận tới một số cá nhân.

Toàn bộ hơn 61 triệu cổ phiếu SBT đã chuyển nhượng từ Công ty sang 2 thành viên HĐQT là bà Huỳnh Bích Ngọc và bà Đặng Huỳnh Ức My. Các giao dịch với người liên quan đều đã được HĐQT của Công ty thông qua trước khi việc bán cổ phiếu quỹ được thực hiện. Số tiền Công ty thu được là 1.140 tỷ đồng, cao hơn 3,6% so với khoản tiền đã bỏ ra hồi tháng 4/2018.

Hay trường hợp bán cổ phiếu quỹ của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), hơn 35 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng hết sau 3 lệnh thỏa thuận trên sàn. Bên mua trực tiếp không phải là thành viên HĐQT hay Ban lãnh đạo công ty, nhưng khoản vay hơn 1.400 tỷ đồng với lãi suất 20%/năm của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng được công bố mới đây đã tiết lộ doanh nghiệp này chính là bên mua số cổ phần trên, cùng 25,5 triệu cổ phiếu khác hôm 31/10.

ACB bắt đầu chi 259 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ từ năm 2013 và mua thêm hồi năm 2014. Giá “chốt lời” số cổ phiếu trên là 23.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 48% so với giá gốc ngân hàng này mua vào. Điều này có được phần lớn nhờ xu hướng tăng giá chung của toàn nhóm cổ phiếu ngân hàng giai đoạn 2016 - 2018. Nhưng so với giá đóng cửa cùng ngày, mức trên thấp hơn 500 đồng/cổ phiếu. Điều quan trọng hơn, nhóm cổ đông nào tăng sở hữu sau giao dịch cổ phiếu quỹ này là câu hỏi bỏ ngỏ cho các nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu này.

Soi động thái Kido Foods mua cổ phiếu quỹ
Việc Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods, mã KDF, sàn UPCoM) thực hiện mua 2,5 triệu cổ phiếu quỹ cho thấy Công ty đang khá “rủng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư