Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp chờ "thử lửa"
 
Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư vừa chính thức được công bố và có hiệu lực từ 1/7/2017.
Siết lại hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn cho quốc gia
Siết lại hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn cho quốc gia

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi Luật Sửa đổi, bổ sung được đưa vào thực thi một cách nghiêm túc, với đầy đủ trách nhiệm và tâm huyết từ các bộ, ngành, theo đúng tôn chỉ tạo thuận lợi tối đa cho môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, cũng như giảm tối đa chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Xóa bỏ, bổ sung và hợp nhất nhiều ngành nghề

Chia sẻ về nội dung của Luật Sửa đổi, bổ sung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, ngoài việc bổ sung “kinh doanh pháo nổ” là ngành cấm đầu tư kinh doanh, Luật này sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo hướng xóa bỏ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện không phù hợp với thực tế thị trường, đồng thời điều chỉnh bổ sung, cũng như hợp nhất một số ngành nghề có điều kiện tương đương nhau, nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà nước.

Cụ thể, Luật Sửa đổi, bổ sung bãi bỏ 20 ngành nghề kinh doanh có điều kiện không phù hợp, hoặc ngành nghề có thể quản lý bằng cách quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hay các lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh, bao gồm: kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm; kinh doanh dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá; kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng, cây xanh; nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện; kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; kinh doanh dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường; kinh doanh dịch vụ tư vấn đánh giá dự án đầu tư, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước…

Bên cạnh đó, Luật này cũng bổ sung 15 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhằm đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước, đồng thời hệ thống hoá, chia tách/hợp nhất 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác thành 48 ngành nghề để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước, nâng cao tính minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tuân thủ thực hiện các điều kiện đầu tư kinh doanh. 

Rà soát thường xuyên quy định về điều kiện kinh doanh

Vấn đề được hầu hết các doanh nghiệp quan tâm hiện nay, đó là việc triển khai thực thi các quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư thời gian qua còn nhiều khó khăn do sự bất cập, không phù hợp với thực tiễn của nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Phổ biến nhất là tình trạng một số ngành nghề được quy định tại danh mục còn chưa rõ ràng, thiếu cụ thể và chuẩn xác cả về tên gọi, cũng như nội dung, dẫn đến có nhiều cách hiểu, cách diễn giải khác nhau trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho cả cơ quan nhà nước, cũng như doanh nghiệp trong việc áp dụng và tuân thủ các điều kiện kinh doanh.

Ngoài ra, đó còn là tình trạng một số ngành nghề có cùng mục tiêu, tính chất, nhưng được quy định phân tán trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, hoặc quy định không thống nhất về cơ quan quản lý, gây ra không ít băn khoăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thực tế trên cho thấy, việc hoàn thiện danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cũng như việc rà soát, cập nhật để điều chỉnh các ngành nghề có điều kiện là yêu cầu tất yếu nằm đảm bảo việc áp dụng và thực thi Luật Sửa đổi, bổ sung được thuận lợi.

Để giải quyết những bất cập, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, Quốc hội đã giao Chính phủ căn cứ điều kiện phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước cụ thể trong từng thời kỳ, sẽ tiến hành rà soát ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, cũng như ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật này theo trình tự rút gọn.

“Như vậy, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh”, ông Đông nói. 

Rà soát theo yêu cầu, không rà soát định kỳ

Sự thay đổi trong phương thức và thời gian rà soát, với cách tiếp cận “vì doanh nghiệp” là một trong những điểm được sửa đổi, bổ sung đáng chú ý nhất của Luật này.

Để giải thích rõ các cách thức, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc rà soát sẽ tiến hành từ cấp cơ sở, được thực hiện thường xuyên, nhưng không định kỳ, mà có thể tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào theo đề xuất từ cơ quan quản lý nhà nước, cũng như từ cộng đồng doanh nghiệp, thông qua các tổ chức, hiệp hội ngành nghề, hoặc thông qua con đường cử tri phản ánh tới các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp đều có thể đưa ra yêu cầu xem xét tại bất cứ ngành nghề nào cần thiết phải rà soát lại, cũng như cần bổ sung/rút ra khỏi Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, mọi kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về danh mục điều kiện kinh doanh sẽ liên tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, với tư cách là cơ quan chủ trì thẩm định. Ngành, nghề thuộc lĩnh vực của bộ, ngành nào quản lý, thì cơ quan đó sẽ tiến hành rà soát và kiến nghị sửa đổi. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí là các cơ quan báo đài, trong quá trình tác nghiệp nếu phát hiện bất cập cần phải sửa đổi, điều chỉnh Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho phù hợp hơn, đều có thể gửi kiến nghị tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lúc đó, Bộ sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy trình.

“Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nếu cá nhân, tổ chức thấy yếu tố nào không phù hợp, đồng thời chứng minh được trên thực tiễn rằng, có thể quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, không nhất thiết phải theo Danh mục kinh doanh có điều kiện, mà vẫn bảo đảm được các yếu tố an ninh quốc phòng, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng, thì hoàn toàn có quyền đề xuất. Tất nhiên, phải có sự đồng thuận cao, chứ không phải một số ý kiến đơn lẻ đưa ra là có thể sửa đổi. Chúng tôi cam kết nghiên cứu tất cả các ý kiến đề xuất với tinh thần cầu thị cao, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo mội trường đầu tư thông thoáng”, ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Siết kinh doanh ô tô: Tất cả vì lợi ích quốc gia

Liên quan đến vấn đề đang được cộng đồng doanh nghiệp và dư luận hết sức quan tâm, đó là việc đưa hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Thứ trưởng Đặng Huy Đông một lần nữa khẳng định, không có chuyện “thiên vị” cho các “đại gia” trong lĩnh vực này.

Bên cạnh việc thừa nhận tính chất nhạy cảm của vấn đề, ông Đông chia sẻ, đây là nội dung thu hút sự quan tâm rất cao của xã hội trong suốt quá trình soạn thảo, cũng như trong quá trình thảo luận của Quốc hội. Do đó, quá trình làm việc diễn ra hết sức nghiêm túc và được tính toán kỹ lưỡng.

“Việc cơ quan chủ trì soạn thảo Luật dành riêng một buổi tọa đàm để trao đổi, chia sẻ thông tin về đưa hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào Danh mục kinh doanh có điều kiện là nhằm rộng đường dư luận. Theo đó, chúng tôi đã trả lời rõ và không né tránh bất cứ câu hỏi nào liên quan đến nội dung này”, ông Đông nói và cho biết, cách xem xét vấn đề không xuất phát từ một vài nhận xét cảm tính, mà trên cơ sở lượng hóa các mặt được và chưa được; mặt tích cực và tiêu cực nếu có.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, việc phân tích dựa trên 3 nhóm lợi ích: người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, với người tiêu dùng, có 4 lợi ích và 1 băn khoăn là giá có bị ảnh hưởng không; với doanh nghiệp, có 5 lợi ích và 1 băn khoăn là có tạo vị thế độc quyền cho các “ông lớn”, khiến doanh nghiệp nhỏ bị thiệt thòi; còn với quốc gia, đó là tổng hợp lợi ích của cả cá nhân và doanh nghiệp.

“Tôi khẳng định rằng, việc đưa hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào Danh sách kinh doanh có điều kiện chắc chắn không phải là ưu tiên, tạo thế độc quyền cho một số doanh nghiệp lớn, từ đó kìm hãm sự phát triển của ngành này như dư luận lo ngại, mà nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn cho quốc gia”, ông Đông nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì là lĩnh vực nhận được sự quan tâm rất lớn, nên điều này đã được Quốc hội đưa ra biểu quyết riêng, trước khi thông qua toàn bộ Luật Sửa đổi, bổ sung. Các đại biểu Quốc hội đã thông qua với sự đồng thuận cao, khi có hơn 85% đại biểu ủng hộ việc đưa ngành nghề kinh doanh trên vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chi tiết ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ bãi bỏ từ ngày 1/1/2017
4 ngành, nghề trong danh sách bãi bỏ thuộc về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Như vậy, ngành kế hoạch và đầu tư sẽ không còn ngành, nghề đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư