Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp đang huy động “âm” từ trái phiếu doanh nghiệp
T.L - 19/04/2023 10:20
 
Nửa đầu tháng 4/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp quay lại trầm lắng, không ghi nhận đợt phát hành nào.

 Tính từ đầu năm tới giữa tháng 4/2023, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới thấp hơn lượng trái phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp mua lại.

Sau khi bất ngờ sôi động trong tháng 3, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng trở lại nửa đầu tháng 4. Theo dữ liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 14/04/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong nửa đầu tháng 4/2023.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong năm 2023 đạt gần 29.000 tỷ đồng với 6 đợt phát hành công chúng với giá trị 3.500 tỷ đồng và 14 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 25.500 tỷ đồng.

Mặc dù huy động vốn mới từ trái phiếu kém khả quan, doanh nghiệp vẫn phải tăng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 4/2023 là hơn 2.600 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 38.000 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022).

Như vậy, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đang huy động “âm” từ nguồn vốn trái phiếu.

Gánh nặng trái phiếu đáo hạn những tháng cuối năm vẫn đang rất lớn. Tính đến ngày công bố thông tin 14/4, tổng giá trị trái phiếu đến hạn còn lại trong tháng 4/2023 là gần 8.780 tỷ đồng. Bất động sảnngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 2.800 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng, chiếm 32% và 28% giá trị đến hạn.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, trong tuần qua có thêm 4 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng dư nợ trái phiếu còn lưu hành của các doanh nghiệp là 4.6 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các mã trái phiếu của các doanh nghiệp này đều đáo hạn trong năm 2023 và 2024 (ngoại trừ khoản trái phiếu của Công ty TNHH Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn đáo hạn năm 2027).

Trong đó, hai trên 4 doanh nghiệp đã đàm phán thành công phương án tái cơ cấu với trái chủ bao gồm kéo dài kỳ hạn trái phiếu, bổ sung các điều khoản trả nợ gốc và lãi trái phiếu theo tiến độ.

Hiện số lượng doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm nay cũng không nhiều. Mới đây, HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã thông qua việc triển khai chào bán ra công chúng đợt 2 với 300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cũng trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch phát hành tối đa 400 tỷ trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền có kỳ hạn 3 - 5 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Gỡ khó cho TPDN, khơi thông nguồn vốn: Mỗi bên cần lùi lại một chút
Nghị định 08/2023/NĐ-CP mở đường cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ. Tuy nhiên, để có thể gỡ khó, cả ngân hàng thương mại, công ty quản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư