Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp dệt may đã “sờ tay” tới lợi nhuận
Thế Hoàng - 14/11/2021 10:29
 
Còn gần 2 tháng nữa mới hết năm 2021, nhưng một số doanh nghiệp ngành dệt may đã công bố lợi nhuận sau 1 năm kinh doanh đầy biến động.
Dù gặp khó khăn do Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn có lãi. Trong ảnh: Sản xuất tại Tổng công ty May 10 	ảnh: đức thanh
Dù gặp khó khăn do Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn có lãi. Trong ảnh: Sản xuất tại Tổng công ty May 10.     Ảnh: Đức Thanh

Tổng công ty May 10 - CTCP cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có thời điểm doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất tại một vài phân xưởng và nhà máy, nhưng Tổng công ty đã bố trí đủ việc làm cho người lao động, đảm bảo thu nhập ổn định cả trong và sau thời điểm dịch bùng phát vừa qua.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 ước tính, doanh thu năm 2021 của doanh nghiệp dự kiến đạt 3.356 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 80 tỷ đồng. Cần phải nói thêm, lợi nhuận năm 2021 của doanh nghiệp đã tiệm cận với mức lợi nhuận thực hiện trong năm 2020 là 81,37 tỷ đồng. Kết quả này rất có ý nghĩa khi nhiều thời điểm sản xuất, kinh doanh phải ngưng trệ do giãn cách.

Ấn tượng hơn cả là Tổng công ty May Đáp Cầu, doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Bắc Giang. Thời điểm cuối tháng 4/2021 phải đóng cửa cả 3 nhà máy tới 35 ngày do dịch bệnh.

Ông Lương Văn Thư, Tổng giám đốc May Đáp Cầu cho hay, việc phải ngừng 35 ngày đã gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp, đơn hàng không hoàn thành, nhiều đơn hàng đã xong, nhưng không giao được cho khách, đồng thời phải gánh thêm nhiều chi phí như chi phí xét nghiệm Covid-19, chi phí phòng ngừa dịch, trả lương công nhân khi tạm ngừng việc.

Ngay sau khi được sản xuất trở lại vào ngày 22/6, nhờ áp dụng các phương pháp sản xuất phù hợp, đến nay, doanh thu của đơn vị đã tăng 33%, lao động đi làm ổn định, tất cả các đơn hàng đều giao đúng tiến độ, thu nhập bình quân của người lao động trên 10 triệu đồng/tháng.

Ông Thư tính toán, với đà sản xuất như hiện nay, tổng doanh thu năm 2021 của Dagarco ước đạt 670 tỷ đồng, lãi gộp ước đạt 50 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng công bố doanh thu 10 tháng đạt 4.543 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021 đã hoàn thành hơn 90%. Với lượng đơn hàng đã ký, TNG sẽ đạt kế hoạch doanh thu 2 tháng cuối năm là 705 tỷ đồng và đạt 100% kế hoạch cả năm 2021.

Còn Tổng công ty cổ phần Phong Phú, dù doanh thu 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1.172 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ, nhưng nhờ tiết giảm đáng kể chi phí giá vốn, nên lợi nhuận gộp tăng 8,5%, lên 196,5 tỷ đồng, cộng với lãi lớn từ công ty liên doanh liên kết trong nửa đầu năm, nên lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 298,8 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ 2020.

Dù dịch bệnh tác động mạnh, nhưng xuất khẩu toàn ngành dệt may đang dần tiến đến vạch đích. 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 32 tỷ USD, tăng 10,8% so cùng kỳ.

Tại thời điểm này, các doanh nghiệp ở phía Bắc với lợi thế duy trì được sản xuất thông suốt hơn khu vực phía Nam đã cơ bản có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho năm 2022, với mục tiêu tiên quyết là phải có tăng trưởng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kể từ quý II năm nay, nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc tại các thị trường lớn như Mỹ, EU đang phục hồi mạnh mẽ. Số liệu của Trademap ghi nhận, nhập khẩu quần áo của EU đã tăng mạnh trong quý II và nửa đầu năm 2021. Về cơ bản, nhập khẩu dệt may của EU 6 tháng đầu năm 2021 đã bằng mức cùng kỳ năm 2019 là năm chưa bị dịch.

Còn tại thị trường Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc hồi phục rõ ràng hơn từ tháng 8/2021, sau khi các hạn chế được nới lỏng ở châu Á, giải phóng các lô hàng đã bị trì hoãn trước đó. Nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ tháng 8 tăng 17,1%, riêng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 28% so với cùng kỳ.

Thuận lợi của ngành dệt may trong năm 2022 là nhu cầu tại các thị trường vẫn cao. Dự báo nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may tại 5 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sẽ trở về ngang bằng mức của năm 2019. Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện dự án đầu tư nâng cao năng lực cung ứng. Đơn cử, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022.

Chủ tịch Vitas, ông Vũ Đức Giang nhận định, ngành dệt may có triển vọng thị trường tốt từ chính khả năng cung ứng ngày một lớn của mình và lợi thế thị trường từ 15 FTA đã ký kết. Với lộ trình cắt giảm thuế quan và thuận lợi hóa thương mại từ các FTA, đây là cơ hội cực kỳ tốt cho nhóm doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

“Năm 2022, để đón bắt được cơ hội thị trường, cùng với các chính sách kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, ngành y tế và các địa phương, thì nội lực của doanh nghiệp dệt may cần được nâng lên để tiếp tục thích ứng linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh của giai đoạn bình thường mới”, ông Giang nói.

Dệt may TNG lãi ròng 9 tháng tăng 31% nhờ dịch chuyển các đơn hàng
Doanh thu tăng và biên lợi nhuận cải thiện giúp lợi nhuận Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (mã chứng khoán:TNG) tăng mạnh 9 tháng đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư