Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 12 năm 2024,
Doanh nghiệp e ngại cấp đông thịt lợn
Thế Hải - 13/06/2019 08:59
 
Khoảng 3.600 tỷ đồng đã bị “thổi bay” vì dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở 55 tỉnh, thành phố. Nguy cơ thiếu nguồn cung thịt cho cuối năm đang hiện hữu, trong khi đó, giải pháp thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn để đảm bảo nguồn cung lại tỏ ra kém khả thi.
.
Giải pháp cấp đông thịt chưa được đón nhận bởi doanh nghiệp lo ngại chi phí gia tăng và khó tìm đầu ra.

Cấp đông thịt lợn nhằm đảm bảo nguồn cung

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh tới 55/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất các hộ gia đình cùng doanh nghiệp tham gia thực hiện cấp đông thịt lợn để dự trữ.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, từ tháng 3, sau khi có thông tin về tình hình dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá lợn hơi đã giảm đồng loạt trên cả nước. Trong tháng 4/2019, thịt lợn thành phẩm có mức giá khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg (tùy chủng loại, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng 3/2019.

“3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt lợn do thời tiết nắng nóng và lo ngại của người dân về thông tin dịch bệnh, nên sức ép nguồn cung sẽ không quá lớn. Nhưng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, thì nguồn cung cho dịp cuối năm có thể gặp khó khăn”, ông Tuấn bày tỏ lo ngại.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong những giải pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, giải pháp này lại chưa được các doanh nghiệp hưởng ứng. Đơn cử, tại Hà Nội, dù số kho lạnh đủ để cấp đông thịt, nhưng lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp tham gia.

Giải pháp cấp đông thịt nhằm đảm bảo nguồn cung trong “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi chưa được đón nhận, bởi doanh nghiệp lo ngại chi phí gia tăng và khó tìm đầu ra.

Một nguyên nhân nữa được ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội chỉ ra là, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý thích dùng thịt nóng (thịt tươi), nên việc cấp đông thịt để bán sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp. Chưa kể, sau một quá trình cấp đông, giá thịt bán tới tay người tiêu dùng cũng bị đội chi phí (điện, kho bãi và đầu tư hệ thống cấp đông).

Bài toán hiệu quả khiến doanh nghiệp e ngại không muốn tham gia bình ổn thị trường bằng giải pháp cấp đông thịt. Đặc biệt, “điều doanh nghiệp cần khi thực hiện cấp đông với số lượng lên tới hàng trăm tấn, thậm chí là hàng ngàn tấn là câu chuyện bảo hiểm”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan cho rằng, nếu không có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của ngân hàng như cho vay lãi suất 0%, hỗ trợ tiền điện, giãn tiến độ trả vốn…, thì ngay cả Vissan cũng không dám tham gia cấp đông thịt lợn, bởi rủi ro rất lớn.

Như vậy, có thể thấy, để huy động doanh nghiệp vào cuộc thu mua lợn khỏe mạnh, sau đó tiến hành cấp đông ở quy mô lớn để cung cấp ra thị trường khi nguồn cung thịt lợn bị giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, điểm mấu chốt là các doanh nghiệp phải được hỗ trợ về tài chính, lãi suất khoản vay, được cam kết và đảm bảo về kênh tiêu thụ...

Áp lực nguồn cung thịt cuối năm

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2018, tổng sản lượng thịt lợn trên cả nước khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2017. Thịt lợn chiếm khoảng 70% cơ cấu về thịt trong bữa ăn của người Việt, nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn vẫn lớn nhất, dẫn đầu nguồn cung các sản phẩm thịt.

Trong bối cảnh dịch tả lợn vẫn diễn biến phức tạp và chưa có vắc-xin phòng, trị bệnh, thì việc phải tiếp tục đối phó với nạn dịch này đã được ngành chức năng cảnh báo. Mặc dù tỷ lệ lợn tiêu hủy chỉ chiếm 6% trên tổng đàn lợn, nhưng năm 2019 vẫn là năm thiệt hại của ngành chăn nuôi.

Số liệu của Cục Thú y cho thấy, tính đến ngày 3/6/2019, thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy...

Theo nhận định của Công ty Dịch vụ tài chính và Ngân hàng đa quốc gia (Rabobank), ngành chăn nuôi lợn nước ta đang phải chịu sức ép suy giảm năm thứ 3 liên tiếp do dịch tả lợn.

Trong báo cáo quý II/2019 cho ngành thịt lợn, Rabobank dự báo, sản lượng thịt lợn Việt Nam năm 2019 giảm ít nhất 10%. Suy giảm sản xuất sẽ dẫn tới suy giảm 7% tiêu dùng thịt lợn trên đầu người của Việt Nam. Đáng lưu ý là, nhập khẩu thịt lợn dự báo tăng lên trong năm 2019 để bù đắp thiếu hụt nguồn cung.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 1996 - 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia và đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, từ cuối tháng 4, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục giảm so với tháng 3, phổ biến từ 28.000 - 33.000 đồng/kg tại phía Bắc và 32.000 - 38.000 đồng/kg tại miền Nam. Đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6, do nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng, giá thịt lợn bắt đầu nhích lên. Hiện giá lợn hơi trung bình tại khu vực phía Bắc đang phổ biến ở mức 38.000 - 42.000 đồng/kg.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư