Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Khẩn trương cấp đông thịt lợn để đảm bảo nguồn cung cuối năm
Thế Hải - 31/05/2019 10:08
 
Việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong các giải pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
để cấp đông thịt lợn với số lượng lớn không hề dễ dàng khi khả năng cấp đông của các doanh nghiệp  thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế về cả cơ sở hạ tầng và tài chính.
Để cấp đông thịt lợn với số lượng lớn không hề dễ dàng khi khả năng của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế về cả cơ sở hạ tầng và tài chính.

Cấp đông để đảm bảo nguồn cung

Khẩn trương thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn được cho là một trong các giải pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Đây là khẳng định của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp tại cuộc họp bàn về những giải pháp căn cơ đảm bảo nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi (AFS ) còn diễn biến phức tạp.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2018, tổng sản lượng thịt lơn các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.

Tổng số lợn của cả nước tháng 5/2019 theo số liệu của Tổng cục Thống kê đã giảm 5,5% so với cùng thời điểm năm ngoái. Tính đến ngày 24/5, tổng số lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy là trên 1,7 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước.

Tại một số địa phương, số lợn bị bệnh và tiêu hủy có tỷ lệ cao hơn như Hà Nội (có trên 147.000 con, chiếm 7,7% tổng đàn của thành phố), Thái Bình (trên 300.000 con, chiếm hơn 30% tổng đàn của tỉnh), Hưng Yên (trên 110.000 con, chiếm hơn 20% tổng đàn của tỉnh)...

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ tháng 3, sau khi có thông tin về tình hình bệnh AFS lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá lợn hơi đã giảm đồng loạt trên cả nước. Đến cuối tháng 3, đầu thàng 4, giá tăng nhẹ trở lại.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục giảm trở lại, hiện giá lợn hơi tại phía Bắc phổ biến từ 28.000 - 33.0000 đồng/kg, giá lợn hơi từ miền Nam phổ biến từ 32.000 - 38.000 đồng/kg (giảm 2.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước), giá thịt lợn thành phẩm từ 70.000 - 90.000 đồng/kg (tùy chủng loại, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, một trong những giải pháp cấp bách và có hiệu quả nhất là thu mua lợn sạch, cấp đông để những tháng sau khi nguồn cung giảm đi sẽ cung cấp lại thị trường. Việc này triển khai càng sớm càng tốt.

Doanh nghiệp lo chi phí

Trong thời gian 3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt lợn, do thời tiết nắng nóng, lo ngại trước thông tin dịch bệnh nên sức ép nguồn cung trong thời gian tới sẽ không quá lớn.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên…) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn.

Do vậy, đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong các giải pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Nhưng, để cấp đông thịt lợn với số lượng lớn không hề dễ dàng khi khả năng cấp đông của các doanh nghiệp  thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế về cả cơ sở hạ tầng và tài chính.

Cả nước hiện chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung, trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng. Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, phản ánh các đơn vị chăn nuôi, giết mổ, phân phối đều ủng hộ phương án cấp đông nhưng vướng mắc là địa phương không có kho cấp đông theo tiêu chuẩn.

Chưa kể, việc cấp đông cũng làm tăng chi phí như: đông lạnh, trữ đông, vận chuyển... , đẩy giá thành thịt cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, chế biến bình thường.

Để triển khai cấp đông ở quy mô lớn, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý có phương án hỗ trợ về tài chính, lãi suất trong thời điểm khó khăn này.

Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, việc tổ chức cấp đông thịt lợn là cần thiết trong thời điểm này, nhưng doanh nghiệp cần được ngành chức năng hỗ trợ về việc thuê  kho lạnh, hỗ trợ kiểm dịch, giảm tải các chi phí khác cho doanh nghiệp.

“Cần phải có cơ chế cụ thể trong việc bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, như vậy mới giúp doanh nghiệp yên tâm thực hiện việc cấp đông thịt lợn như đề xuất được đưa ra, bởi để thực hiện giải pháp này, chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra là không hề nhỏ”, ông Dũng đề xuất

Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện cấp đông thịt lợn, Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn, như: chi phí lưu kho, 1 phần lãi suất vay ngân hàng, phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông...

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để đề xuất đến các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, khuyến khích doanh nghiệp thu mua thịt lợn dự trữ cấp đông.

Cùng với đó, Bộ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên các gói vốn có lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia triển khai việc cấp đông dự trữ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay, cũng như khả năng tiếp cận vốn vay tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua và cấp đông thịt lợn.

Giá thịt lợn trong nước 2019 diễn biến khó lường
Vì dịch ASF xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư