Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp lữ hành quan ngại về sự thiếu đồng bộ
Viễn Nguyệt - 25/01/2016 13:13
 
Không phủ nhận nỗ lực của ngành du lịch thời gian qua, song để phát triển bền vững trong năm 2016, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, cần cấp bách giải quyết những bất ổn nội tại.

Theo Tổng cục Du lịch, mục tiêu đón 8,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2015 là cơ bản hoàn thành do những tháng cuối năm lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh mặc dù không phải mùa cao điểm của du lịch. Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, đây là tín hiệu rất đáng mừng, không chỉ kết thúc thời gian dài sụt giảm liên tiếp về lượng khách, mà còn cho thấy sự phục hồi lạc quan trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế, để du lịch phát triển một cách bền vững, hạn chế tình trạng trồi sụt, thất thường theo mùa vụ, bên cạnh các chính sách hỗ trợ kích cầu của Nhà nước, yêu cầu cấp bách đặt ra đối với ngành du lịch lúc này là có thêm biện pháp khắc phục những hạn chế từ nội tại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Hỗ trợ kích cầu, khắc phục hạn chế nội tại là đề xuất của nhiều doanh nghiệp lữ hành nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế tới Việt Nam 	ảnh: đức thanh
Hỗ trợ kích cầu, khắc phục hạn chế nội tại là đề xuất của nhiều doanh nghiệp lữ hành nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế tới Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành quốc tế bảy tỏ quan điểm rằng, lâu nay ngành chỉ chú trọng đến số lượng, mà không có các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào mục tiêu kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách, cũng như các biện pháp hút khách từ những thị trường cao cấp có khả năng chi trả cao. Điều này khiến lượng khách có tăng, nhưng doanh thu tăng không đáng kể. “Chừng nào chưa ‘dứt’ được căn bệnh thành tích thì những nguy cơ trồi sụt còn có thể tiếp diễn”, vị này thẳng thắn.

Phân tích những nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế sụt giảm thê thảm trong 13 tháng liên tiếp, vị này cho rằng, những lý do mà ngành đổ cho khách quan như “tình hình thế giới có nhiều bất ổn, kinh tế suy thoái…” là không đủ cơ sở. “Tình hình Thái Lan cũng rất phức tạp, cũng bị ảnh hưởng từ biến động của tình hình thế giới, nhưng không vì thế mà lượng khách đến Thái Lan sụt giảm. Con số 28 triệu lượt khách mà Thái Lan đón trong năm 2015 cho thấy cách làm du lịch của họ”, ông nhận định.

Đồng tình với ý kiến này, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp lữ hành còn tỏ ra quan ngại về sự thiếu đồng bộ giữa các ban, ngành trong hoạt động du lịch. Đơn cử như chính sách liên quan đến miễn thị thực cho khách du lịch từ các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng. Trong khi xu hướng chung của các nước trong khu vực là ngày càng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách thì vấn đề này đang là rào cản đối với du lịch Việt Nam.

Theo Tổng cục Du lịch, Thái Lan đã miễn thị thực đơn phương và song phương cho 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, Malaysia là 155, Singapore là 150 trong đó có khoảng 2/3 là đơn phương. Campuchia cũng áp dụng việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho hầu hết các nước và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, Việt Nam mới ký hiệp định, thỏa thuận miễn visa song phương với 75 nước (hiện 73 nước còn hiệu lực), đơn phương miễn visa cho công dân mang hộ chiếu phổ thông của Hàn Quốc, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch và Nga. Theo thỏa thuận khi gia nhập AEC, các nước trong khu vực sẽ tiến tới sử dụng thị thực chung, trong khi Việt Nam vẫn đang loay hoay chưa có hướng giải quyết vấn đề này. Chính vì vậy, việc thu hút khách quốc tế gặp nhiều trở ngại.

Thêm vào đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch hiện chưa đem lại hiệu quả do chưa được đầu tư đúng mức. Báo cáo mới đây của ngành Du lịch cho thấy, ngân sách dành cho quảng bá du lịch của Việt Nam chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore. Không những thế, cơ chế tài chính vướng mắc dẫn đến hoạt động xúc tiến quảng bá triển khai không thường xuyên, quy mô nhỏ không đủ ‘lực’ tạo ra hiệu ứng tiếp thị. Đánh giá một cách khách quan, hoạt động xúc tiến du lịch thời gian qua mới chỉ dừng lại ở việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, chưa chủ động tạo được sự kiện quy mô, mặc dù tần suất tham gia gần đây có dày hơn, song vẫn mang tính bị động.

Một khó khăn nữa là đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ quan xúc tiến du lịch chuyên trách. Việc đặt cơ quan đại diện ở nước ngoài cũng chưa thực hiện được do không đạt được sự đồng thuận về cơ chế chính sách. Điều này khiến cho ngành không thể xây dựng được chiến lược marketing dài hạn và nghiên cứu thị trường chuyên sâu.

Những yếu kém về hạ tầng càng làm cho “lỗ hổng” trên bản đồ du lịch càng thêm... lỗ chỗ. Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch 2015 đã đưa ra chỉ số về cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện đứng 94 trên 141 nước và vùng lãnh thổ, chỉ cao hơn Campuchia, Lào, Myanmar trong khu vực ASEAN, chỉ số về cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam đứng 105, chỉ cao hơn Campuchia (đứng 108) và Myanmar (137). Cụ thể hơn, hệ thống giao thông nội địa hiện chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của khách du lịch, cộng với khả năng kết nối giao thông đến các thành phố lớn của các nước trong khu vực còn rất hạn chế đang là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp lữ hành. Như vậy, để du lịch tăng trưởng thực sự bền vững, cần sớm khắc phục những hạn chế tồn tại, nhất là sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành liên quan.

Đang trình xin miễn visa cho khách quốc tế đặt tour trọn gói đến Việt Nam
Tổng cục Du lịch đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án miễn visa cho tất các khách quốc tế dù đến từ nước nào khi khách đã đặt tour trọn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư