Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp mong không còn phải kêu cứu
Bảo Duy - 11/06/2021 09:26
 
Doanh nghiệp đang rất mong các địa phương chủ động trao đổi và chia sẻ các kịch bản phòng chống Covid-19 để cùng thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết như vậy. 

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

Thưa bà, Ban IV vừa có một loạt báo cáo về tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ. Để nói một cách khái quát nhất về tình hình chung của doanh nghiệp ở thời điểm này, bà chọn từ nào?

Tôi muốn dùng từ “thiếu sức khỏe” hoặc “thiếu sức đề kháng” để hình dung tình hình doanh nghiệp lúc này.

Những khó khăn đã tồn tại từ các đợt dịch trước tiếp tục bị dồn nén thêm, nặng nề hơn khi đợt dịch lần thứ tư xảy ra. Có thể nhắc tới tình trạng mất cân đối thu - chi; chuỗi liên kết sản xuất bị đứt gãy, gián đoạn tức thời hay những áp lực về chi phí phát sinh để đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch như xét nghiệm cho nhân viên, tổ chức các khu cách ly dã chiến, tái cấu trúc các cung đường vận chuyển hàng hóa...

Trong các cuộc trao đổi nhanh với lãnh đạo một số hiệp hội doanh nghiệp, có 2 con số đáng quan tâm mà tôi nhận được và muốn chia sẻ.

Một là, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc được dự báo sụt giảm khoảng 50%, kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics liên quan.

Hai là, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tính toán, nếu một doanh nghiệp bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 đến 21 ngày, thì kế hoạch sản xuất 1 năm tan vỡ...

Rất lo là, những điều này đang diễn ra cả ở TP.HCM cùng một số tỉnh phía Nam, rơi vào doanh nghiệp ở nhiều chuỗi xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, chế biến gỗ...

Chưa kể, các doanh nghiệp có hoạt động xuất - nhập khẩu và dịch vụ xuất - nhập khẩu đang đối mặt với tình trạng thiếu vỏ container và tàu biển ngày càng nặng nề hơn do ảnh hưởng của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, dẫn tới giá thành chi trả tăng rất cao. Còn doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị “đóng băng” gần như mọi hoạt động...

Nhưng, còn một điều nữa đang làm giảm sút trầm trọng hơn sức đề kháng của doanh nghiệp, đó là cách ứng xử, điều hành chưa phù hợp của một số địa phương trong thời gian vừa qua.

Tuần trước, doanh nghiệp ở Đồng Nai, TP.HCM đã có đêm xáo trộn vì văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai về việc cách ly người từ TP.HCM đến hoặc về Đồng Nai có hiệu lực chỉ sau vài tiếng ban hành...

Thực ra, Đồng Nai không phải là địa phương đầu tiên có văn bản như vậy.

Trong đợt bùng phát dịch thứ ba hồi tháng 1/2021, khi Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, ngay lập tức, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã yêu cầu dừng tiếp nhận tất cả công nhân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng, khiến người dân, doanh nghiệp ở Hải Dương điêu đứng khi gần trăm ngàn tấn rau quả đang đến kỳ thu hoạch đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được, hàng nông sản không thể đưa ra cảng ở Hải Phòng để xuất khẩu. Khi đó, lãnh đạo Hải Dương đã phải gửi công văn “kêu cứu” tới Bộ Công thương, TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương có cửa khẩu để được tạo điều kiện thông thương hàng hóa.

Rồi khi dịch phát sinh tại Hải Phòng, tới lượt Quảng Ninh ngăn người và xe từ Hải Phòng sang và UBND TP. Hải Phòng lại có công văn đề nghị Quảng Ninh điều chỉnh quyết định vì giao thương hàng hóa ách tắc...

Bây giờ, tình trạng đang lặp lại với TP.HCM và Đồng Nai cùng các tỉnh lân cận. Chúng tôi cũng mới nhận được nhiều ý kiến lo ngại về các chốt kiểm dịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu...

Những thiệt hại đối với doanh nghiệp do sự gián đoạn, xáo trộn này gây ra có thể nói là không hề nhỏ hơn so với những thiệt hại gây ra bởi dịch bệnh.

Ngay khi có những kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có công điện chỉ đạo các địa phương không ngăn sông cấm chợ, không gây ách tắc hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Doanh nghiệp thực sự vui mừng vì sự chỉ đạo nhanh và kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, doanh nghiệp đỡ lao đao. Vì hàng hóa xuất - nhập qua cụm cảng Cát Lái hay Cái Mép - Thị Vải, hàng hóa vận chuyển qua lại giữa TP.HCM và các tỉnh, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc TP.HCM và các địa phương rất lớn. Người lao động TP. HCM làm việc tại nhà máy ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận cũng rất đông. Rõ ràng, việc áp dụng các biện pháp đột ngột như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người lao động...

Lúc này, doanh nghiệp rất mong các bộ, ngành, địa phương thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ một cách có trách nhiệm, để doanh nghiệp không phải kêu cứu. Chúng tôi hiểu rằng, cần có những biện pháp đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh, nhưng đề nghị cần có sự trao đổi, đối thoại thực chất giữa lãnh đạo các tỉnh với nhau, giữa các tỉnh với các hiệp hội doanh nghiệp hoặc đại diện doanh nghiệp trên địa bàn nhằm xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp với người, hàng hóa khi dịch diễn biến phức tạp.

Nếu được cùng tham gia, doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, ủng hộ các quyết sách của chính quyền, chứ không bị động theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như những tình huống vừa qua. Có như vậy, mục tiêu kép mà Chính phủ đưa ra, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, mới thực hiện được.

Thời điểm này, Chính phủ đang hoàn tất thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19. Về việc này, các doanh nghiệp đã gửi tới những mong muốn gì, thưa bà?

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đang xem xét, chúng tôi đề nghị các địa phương có thêm các kịch bản cụ thể đảm bảo duy trì các chuỗi cung ứng/sản xuất, đặc biệt là các chuỗi gắn với các mặt hàng thiết yếu hay mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ đạo. Hiện nay, các kịch bản chủ yếu dành cho người.

Các địa phương nằm trong các chuỗi liên kết hàng hóa lớn, hay chung các cung đường vận tải quan trọng cần có các chương trình thảo luận và tham vấn doanh nghiệp trong quá trình này, để xây dựng sẵn các phương án lưu thông hàng hóa, các tuyến đường dự phòng cho vận chuyển hàng hóa, các vùng đệm trao đổi nhân sự...

Thời gian qua, việc này vẫn do tự thân các doanh nghiệp phải ứng phó, nên rất lúng túng, trong bối cảnh “mệnh lệnh” và yêu cầu hành chính của các địa phương còn rất khác nhau.

Nhìn vào phản ánh, kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, quy trình thủ tục liên quan tới xuất - nhập khẩu còn nhiều khó khăn, nghĩa là còn nhiều dư địa để cải cách. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp mong khi làm thủ tục hải quan, chỉ làm việc với một đầu mối là cơ quan hải quan, thay vì với cả bộ chuyên ngành; đồng thời có những cải tiến trong hệ thống công nghệ thông tin để giảm công sức chuẩn bị, kê khai hồ sơ, thời gian chờ đợi...

Ví dụ, vừa rồi, để xuất khẩu quả vải thiều khi vào chính vụ, Chính phủ đã giao các bộ, ngành và địa phương xây dựng một quy trình “luồng xanh” cho quả vải để tạo điều kiện cho người nông dân và doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn được nhân rộng mô hình này tới các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam...

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Doanh nghiệp muốn vay vốn lãi suất 0% để trả lương thay vì chờ giãn, giảm thuế
Trên 410.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM muốn vay vốn để trả lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,… với lãi suất ưu đãi thay vì gian...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư