Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp ngành Logistics tại Thủ Đức gặp nhiều rào cản
Việt Dũng - 11/06/2022 09:44
 
Hạ tầng kết nối, hạ tầng giao thông, chính sách,..là những rào cản khiến ngành logistics tại TP.Thủ Đức-TP.HCM chậm phát triển.

Đây là những ý kiến được các nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ tại tọa đàm doanh nghiệp “Quy hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.Thủ Đức” vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Hạ tầng “ngáng chân”

Theo ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề dịch vụ vận tải, kho bãi. Theo định hướng phát triển đến năm 2030, tại TP.Thủ Đức sẽ có bốn trung tâm logistics gồm: trung tâm Logistics Long Bình với quy mô 50 ha; trung tâm Logistics Cát Lái, quy mô 200 - 292 ha; trung tâm Logistics Linh Trung, quy mô 60 - 74 ha; trung tâm Logistics Khu Công Nghệ Cao, quy mô 5 - 6 ha.

“TP.Thủ Đức xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế”, ông Phụng nói.

Hạ tầng giao thông là một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển ngành logistics
Hạ tầng giao thông là một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển ngành logistics


Tuy nhiên tại TP.Thủ Đức hiện hệ thống đường giao thông quá tải, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, hoạt động vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch, kêu gọi đầu tư phát triển các trung tâm logistics vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của ngành. 

Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Thủ Đức, hiện mỗi ngày có khoảng 16.400 xe tải ra vào cảng, trung bình mỗi xe tải phải dừng chờ 2-3 giờ, kéo dài đến hàng trăm cây số. Đây là thế kẹt về hạ tầng, khó có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng cho rằng, hạ tầng đường bộ đang bị quá tải, xuống cấp; trong khi đó giao thông bằng đường bộ vẫn là phương thức hoạt động chính.

Cùng với đó là các phương thức vận tải khác chưa được phát triển, các dự án đường cao tốc đường vành đai 3, 4 còn đang chậm tiến độ; chưa có quy hoạch phát triển đa phương thức giữa đường thủy, đường bộ và đường sắt để tăng tính linh hoạt cho các hoạt động vận tải xuất nhập khẩu, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Cần sớm mở đường

Để thúc đẩy phát triển ngành logistics tại Thủ Đức, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng cho rằng, cần tăng năng lực đón tàu, phát triển vận tải đa phương thức kết nối cảng; phát triển kết nối đa phương thức cả đường thủy, đường bộ, đường sắt.

Song song đó, phải đẩy nhanh các dự án giao thông quan trọng như nút giao Mỹ Thủy, đường vành đai 2, vành đai 3, mở rộng đường Đồng Văn Cống... để đáp ứng được kịp thời nhu cầu phát triển.

Các tuyến đường kết nối và hạ tầng giao thông cần được chú trọng nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương của doanh nghiệp.
Các tuyến đường kết nối và hạ tầng giao thông cần được chú trọng nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương của doanh nghiệp.


Ông Trịnh Quang Tuấn, Phó phòng kế hoạch thị trường Công ty cổ phần cảng Sài Gòn nhìn nhận, dù có lợi thế về cảng, nguồn đất đai rộng lớn nhưng việc phát triển tại khu vực Thủ Đức còn gặp một số vấn đề do hạn chế về hạ tầng giao thông.

Theo ông Tuấn, cần phân tuyến giao thông rõ ràng, nên tách biệt giao thông hàng hóa ra, vào cảng Cát Lái với các tuyến đường di chuyển cho người dân tại những khu vực đông dân.

Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Cơ khí Tân Thanh đề xuất thêm, ở những trạm thu phí nên thực hiện thu phí không dừng để rút ngắn thời gian chờ đợi của tài xế. Ngoài ra, nên đặt những trạm cân ở vị trí trạm thu phí đường bộ, đảm bảo vấn đề phương tiện không chở quá tải, việc này cũng đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp logistics.

Còn ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.Thủ Đức đề nghị cần phải tập trung vào một điểm nhấn là khu cảng Cát Lái, xây dựng hệ thống tiện ích, có chỗ nghỉ ngơi cho các hãng tàu trong và ngoài nước khi cập bến tại cảng này.

Ông Anh cũng cho rằng, cần thiết phải loại bỏ một số quy trình trên giấy, xây dựng hệ thống giám sát phân tích dữ liệu, thay đổi phương thức quản lý sao cho khoa học, hiệu quả, nhanh chóng. Lãnh đạo TP.Thủ Đức cần làm việc với TP.HCM và Trung ương về phương án đầu tư, xây dựng con đường trên cao cho cảng Cát Lái, nhằm giải quyết hiện trạng giao thông hiện nay.

Viettel hợp tác xây dựng Trung tâm logistics, Trung tâm dữ liệu cho tỉnh Khánh Hòa
UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số toàn diện.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư