Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 10 năm 2024,
Doanh nghiệp ngành sữa: Khó thoát lỗ khi chơi trên “sân cũ”
Anh Hoa - 06/10/2020 09:22
 
Cạnh tranh trên thị trường sữa Việt luôn rực lửa, trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng thế hệ mới ngày càng khác biệt.

Nếu không đón bắt xu hướng, không đủ nguồn lực, sự kiên nhẫn và chiến lược khôn ngoan, doanh nghiệp khó có cơ hội giành “miếng bánh”.

“Cuộc chơi” trong ngành sữa vẫn đang nằm trong tay các tên tuổi lớn.
“Cuộc chơi” trong ngành sữa vẫn đang nằm trong tay các tên tuổi lớn.

“Tân binh” lu mờ trước các tên tuổi lớn

Nhu cầu các sản phẩm sữa trong nước ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, chỉ giảm 4% về giá trị so với mức giảm 7,3% trong tăng trưởng tiêu thụ ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), theo Nielsen. Tiêu thụ sữa cũng chiếm 12% tổng lượng tiêu thụ hàng FMCG tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2020, không thay đổi so với năm 2019.

“Cuộc chơi” vẫn nằm trong tay các tên tuổi lớn. Thậm chí, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) còn giành thêm thị phần trong thời kỳ đại dịch. Vinamilk và Mộc Châu Milk lần lượt đạt tăng trưởng doanh thu nội địa 2,5% và 9,7% trong 6 tháng đầu năm, vượt trội so với toàn ngành và các công ty cùng ngành. Vinamilk hiện nắm 75% cổ phần Công ty CP GTNFoods, qua đó nắm quyền chi phối tại Mộc Châu Milk.

Sở dĩ Vinamilk có thể giành thêm thị phần là nhờ sản phẩm đa dạng và hệ thống phân phối rộng khắp. SSI dự báo, tăng trưởng doanh thu trong năm 2020 của Vinamilk là 6% và Mộc Châu Milk là 8% tại thị trường trong nước, trong khi doanh thu từ thị trường nước ngoài tăng khoảng 5 - 7%. Ước tính, Vinamilk sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng ổn định 8,8% vào năm 2021.

Trong khi đó, hầu hết “tân binh” trên thị trường sữa đều “sống chung” với lỗ vài năm qua, điển hình là Anova Milk thuộc Công ty Nông nghiệp Anova Corp của ông chủ Nguyễn Thành Nhơn (sáng lập Novaland). Năm 2019, doanh thu của Anova Milk đạt 52 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2018. Công ty liên tục thua lỗ, lỗ lũy kế đang ở mức 200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hàng chục tỷ đồng, trong khi thương hiệu vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường.

Trước đó, năm 2015, Anova bắt tay Kerry Group (Ireland)  để tham gia thị trường sữa, với sản phẩm đầu tiên là sữa bột dành cho trẻ em - Anka Milk, sau đó mở rộng các sản phẩm sữa nước, sữa chức năng… Mục tiêu trong 3 năm đầu của Anova là chiếm 5% thị phần ngành sữa tại Việt Nam.

Giai đoạn I (2015 - 2017), công ty con của Anova là Anova Milk cam kết đầu tư trên 50 triệu USD cho toàn bộ quy trình cung ứng, từ khâu kiểm soát chất lượng trang trại xanh Anka Ireland đến khâu nghiên cứu công thức dinh dưỡng, sản xuất và vận chuyển, từ đó hình thành quy trình truy xuất nguồn gốc khép kín. Các sản phẩm sữa bột đầu tiên sẽ tiêu thụ trong nước với thương hiệu Anka do Novaland cùng Kerry Group hợp tác độc quyền phát triển, sản xuất và đóng gói tại Nhà máy ILAS (Tây Ban Nha).

Tuy nhiên, việc chọn đánh vào phân khúc sữa bột trẻ em đã khiến tân binh này phải trả giá. Bởi đây là phân khúc có nhiều biến động và nhạy cảm nhất; người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp nhận, nhưng loại bỏ, cũng rất nhanh. Ngoài ra, sữa bột là phân khúc có sự cạnh tranh gay gắt, với sự hiện diện của hơn 300 thương hiệu, trong đó sữa ngoại chiếm 75% thị phần. Đó là những lý do khiến tên tuổi Anova Milk, sau nhiều năm dốc tiền đầu tư, vẫn lu mờ.

Không chỉ Anova Milk, một số đơn vị mới tham gia ngành sữa cũng thua lỗ triền miên. Lựa chọn thị trường ngách với sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, Công ty CP Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VPMilk) liên tiếp thua lỗ trong 3 năm trở lại đây, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2019 hơn 80 tỷ đồng.

Hay trường hợp của Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP), mới đây, nhóm quỹ VinaCapital VOF và Daiwa PI Partners đã chính thức thoái vốn khỏi doanh nghiệp này sau 5 năm tham gia với tham vọng đưa IDP trở thành thế lực mới trên thị trường sữa. IDP thua lỗ rất lớn trong giai đoạn 2016 - 2018. Tại thời điểm 30/6/2020, lợi nhuận của IDP tăng mạnh, cộng với 332 tỷ đồng huy động từ bán cổ phiếu, vốn chủ sở hữu từ mức âm 41 tỷ đồng hồi đầu năm đã tăng lên 441 tỷ đồng, nhưng đến hiện tại, IDP vẫn lỗ lũy kế 428,5 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, Blue Point cùng Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã nhanh chóng hoàn tất nhận chuyển nhượng cổ phần của IDP từ nhóm VinaCapital.

Khi đó, ông Trần Bảo Minh, nguyên Tổng giám đốc điều hành IDP khẳng định, không ai điên khi mua một công ty lỗ lớn như IDP, thậm chí, VinaCapital bán IDP còn có lãi và những nhà đầu tư mua được cũng lãi lớn. Theo ông Minh, mất cả ngàn tỷ đồng mà xây dựng được một công ty sữa như IDP ngày hôm nay, thì sẽ có rất nhiều đại gia Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền làm ngay.

Xác lập “sân chơi mới”

Tình trạng thua lỗ triền miên của nhiều tân binh đã cho thấy mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt trên thị trường sữa Việt. Dẫu vậy, theo một chuyên gia ngành sữa, nếu doanh nghiệp có đủ kiên nhẫn và nguồn lực để theo đuổi, thì vẫn có thể chen chân để giành “miếng bánh” hấp dẫn này. Bởi, các tên tuổi hiện có trên thị trường vẫn chủ yếu chơi trên “sân chơi cũ”, chưa có ai thực sự tạo ra sân chơi mới hấp dẫn hơn, từ việc đáp ứng các nhu cầu mỗi ngày một khác biệt của người tiêu dùng thế hệ mới.

“Sân chơi cũ”, theo chuyên gia này, là các sản phẩm sữa tươi và sữa nước từ bò sữa đựng trọng hộp giấy, còn “sân chơi mới” bao gồm rất nhiều loại sữa được làm từ hạt, từ dầu, không có chất béo động vật và thực vật, phù hợp với lối sống mới thuận tự nhiên của thế hệ người tiêu dùng hiện đại.

Ngoài ra, bao bì cũng có nhiều loại mới, vừa tốt cho môi trường, lại có nhiều kiểu dáng hấp dẫn hơn hộp sữa giấy vốn đã rất nhàm chán với người tiêu dùng, nhất là trẻ em.

“Còn rất nhiều xu hướng tiêu dùng mới sẽ xuất hiện, tạo cơ hội cho các tay chơi mới trên thị trường, nếu họ nhìn ra được những cơ hội mới này trước người khác và dám đầu tư vốn, nguồn nhân lực để theo đến cùng cho tới lúc thành công”, vị chuyên gia này nói.

Có thể thấy, nguồn lực về con người, vốn, quan hệ, kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về ngành hàng mà doanh nghiệp xác định tham gia là những yếu tố sẽ quyết định thành công.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng giám đốc VPMilk tỏ ra không hề sợ hãi khi bước vào cuộc chơi lớn của ngành sữa. Thị trường vốn luôn rộng mở và không ai có quyền quyết định thị trường thuộc về doanh nghiệp nào, ngoại trừ người tiêu dùng. Trong khi đó, bà có kinh nghiệm, đã làm ra sản phẩm chất lượng.

Bước vào ngành sữa từ năm 2014, nhưng phải 2 năm sau đó, VPMilk mới tung ra thị trường các dòng sản phẩm sữa bột công thức dành cho trẻ và mẹ bầu dưới nhãn hiệu IQLac Pro và IQLac Pro Mom. Đến năm 2017, khi bắt tay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch marketing,VPMilk tung ra nhiều dòng sản phẩm mang nhãn hiệu IQLac Pro đến các đối tượng người tiêu dùng như trẻ em, thiếu niên, mẹ bầu, người lớn tuổi, người suy dinh dưỡng, người cần phục hồi chức năng… 

Một “đối thủ” khác là Vitadairy cũng đang khá hăm hở trên thị trường này. Các sản phẩm của Vitadairy đánh vào các sản phẩm dinh dưỡng cho người cao tuổi, người ốm bệnh (như CaloSure, CaloSure Gold, Nepro 1, Nepro 2, Gluvita…), các sản phẩm dinh dưỡng từ sữa dê hay các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.

Thừa nhận nỗ lực của các tân binh này, nhưng giới chuyên gia am hiểu ngành vẫn khẳng định, VPMilk và Vitadairy chỉ chơi được trong “ao làng”, không đủ khả năng “giương buồm” ra biển lớn, đánh bắt những con cá lớn.

“Muốn điều khiển cuộc chơi, cần định nghĩa lại nhu cầu của thế hệ tiêu dùng cũ và tạo ra thế hệ tiêu dùng mới”, vị chuyên gia này nói.

Mới đây, Nutifood sau một thời gian dài tập trung vào dòng sữa đặc trị đã quyết định khai phá lĩnh vực mới với dòng sản phẩm sữa sử dụng hàng ngày dành cho mọi gia đình, chất lượng tương đương sữa ngoại nhập - sữa tươi NutiMilk. Sau động thái này, có lời đồn đoán, khoảng một năm nữa, Nutifood sẽ trở thành tay chơi “có thứ hạng” trên thị trường sữa. Lý do là, Nutifood có nhiều “vũ khí” độc, hay, lạ mà kể cả thương hiệu số 1 trên thị trường hiện nay cũng không có hoặc chưa biết khai thác để biến lợi thế thành vũ khí.

IDP hiện có giá bao nhiêu?

Trong thương vụ của IDP, ông chủ Novaland - doanh nhân Nguyễn Thành Nhơn là người có cơ hội lớn nhất để mua lại IDP, nhưng sau cùng, nhóm nhà đầu tư tại VCSC lại mua được, trong khi cuối năm 2019 họ mới tiếp cận IDP.

“Nếu không có đủ tầm nhìn sắc bén để đánh giá được tiềm năng và cơ hội của IDP, thì sẽ rất khó chơi trong ngành sữa”, một chuyên gia trong ngành sữa từng nhận định như vậy.

Giới thạo tin đang đặt câu hỏi: Nếu nhóm nhà đầu tư VCSC bán IDP thời điểm này thì sẽ thu được bao nhiêu tiền?

Các chuyên gia tính toán, nhóm nhà đầu tư bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để mua 100% cổ phần của IDP và chỉ chưa đầy 1 năm có thể bán được tới 6.000 - 7.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể, hiện doanh số của IDP vẫn tăng mạnh và tăng hàng tháng, nên các cổ đông mới có thể chỉ làm thêm 2 - 3 năm nữa sẽ thoái vốn cho doanh nghiệp nước ngoài khi thấy thị trường tăng trưởng theo phương nằm ngang.
Doanh nghiệp ngành sữa chủ động hội nhập
Doanh nghiệp ngành sữa Việt Nam đang chứng minh khả năng cạnh tranh mạnh mẽ, chủ động hội nhập, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư