Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngành sữa mở rộng đầu tư ra nước ngoài
Thế Hoàng - 27/01/2019 21:10
 
Không chỉ mở rộng đầu tư trong nước, các doanh nghiệp sữa Việt Nam đã và đang vươn ra thị trường Nga, Thụy Điển, Mỹ bằng các dự án ngàn tỷ để nâng cao khả năng cạnh tranh.
.
Các doanh nghiệp sữa Việt Nam đang vươn ra thị trường nước ngoài để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Hối hả tăng năng lực

Nhà máy sữa tươi sạch TH công suất 1.500 tấn/ngày do Tập đoàn TH khởi công tháng 9/2018 đã tiếp tục nối dài danh sách các dự án đầu tư của ngành sữa Việt ra nước ngoài. Nhà máy nằm trong chuỗi sản xuất khép kín các sản phẩm sữa và đồ uống tốt cho sức khỏe thuộc Dự án Tổ hợp Chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao tại Liên bang Nga của Tập đoàn TH.

Nhà máy có công suất chế biến 1.500 tấn/ngày này của TH sử dụng hoàn toàn nguồn nguyên liệu sữa tươi từ trang trại bò sữa TH tại Mátxcơva và Kaluga.

Trong khi đó, “anh cả” trong ngành sữa Việt là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) hiện có một loạt dự án đầu tư tại Mỹ, New Zealand, Campuchia… Các dự án này đã giúp Công ty tăng năng lực cung ứng và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường sữa nội địa và quốc tế.

Ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại của Vinamilk cho biết, ngoài 13 nhà máy tại Việt Nam, Vinamilk còn có một nhà máy tại Campuchia, một nhà máy tại New Zealand, một nhà máy tại Mỹ và một chi nhánh tại châu Âu.

“Các nhà máy ở nước ngoài đang giúp Vinamilk cạnh tranh tốt tại hơn 43 thị trường xuất khẩu cũng cạnh tranh trực tiếp với các hãng sữa ngoại tại thị trường nội địa”, ông Tuấn nói.

Mới đây, Vinamilk quyết định thành lập Khối Kinh doanh quốc tế do ông Mai Hoài Anh (hiện là Giám đốc Điều hành kinh doanh) giữ chức vụ Giám đốc Điều hành, nhằm tiếp tục tăng cường chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài của Công ty.

Một người anh em khác là Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, trong năm qua, đã kịp “bắt tay” với Tập đoàn Backahill (Thụy Điển) thành lập một liên doanh với tỷ lệ góp vốn 50/50, để xuất khẩu các sản phẩm từ sữa.

Chia sẻ về quyết định đầu tư vào Thụy Điển, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood cho biết, đây là cơ hội tốt để NutiFood từng bước hoàn thành chiến lược vươn ra thế giới của mình.

Tiếp tục chuyển động

Năm 2018, nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa của Việt Nam đạt 963 triệu USD, tăng 3% so với năm 2017. Từ năm 2019 trở đi, ngành sữa sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, bởi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, các thương hiệu sữa của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh về giá với các đối thủ ngoại ngay trên chính sân nhà. Lý do là, Hiệp định CPTPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản giảm xuống 0%, khiến các dòng sản phẩm này tăng khả năng cạnh tranh về giá.

Giám đốc Điều hành Vinamilk đánh giá, thách thức với các doanh nghiệp sữa là rất nghiêm trọng, bởi Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm - không phù hợp cho chăn nuôi bò sữa, nên giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm của Australia, New Zealand...

Theo VDSC, các công ty sẽ mất nhiều thời gian để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. Nếu chuyển dịch theo hướng cao cấp hóa dòng sản phẩm diễn ra chậm hơn so với dự kiến, thì tổng sản lượng sữa tiêu thụ toàn ngành sẽ tiếp tục giảm.

Thực tế, các doanh nghiệp sữa nội đang có sự chuyển động khá nhanh về chiến lược kinh doanh để theo kịp với đòi hỏi của thị trường cạnh tranh.

Vinamilk vừa ký kết hợp tác chiến lược với Vietnam Airlines để đưa nhiều dòng sản phẩm đến với lượng lớn khách trong nước và ngoài nước di chuyển bằng đường hàng không.

Hợp tác này được thực hiện trong 5 năm và dự kiến, tổng giá trị sản phẩm của Vinamilk cung cấp lên các chuyến bay của Vietnam Airlines tăng khoảng 10%/năm.

Để mở rộng sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, NutiFood đang đầu tư 2.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy mới rộng 20 ha ở Khu công nghiệp Sóng Thần 3 (Bình Dương). Ngoài ra, công ty này cũng mở rộng 10 ha nhà máy tại tỉnh Hưng Yên. Hiện Nutifood có 3 nhà máy hiện đại tại Bình Dương, Hưng Yên và Gia Lai, cùng một nhà máy đang xây dựng ở Hà Nam.

Có thể thấy, các FTA thế hệ mới đang đẩy ngành sữa phải cạnh tranh quốc tế ngay tại sân nhà. Hơn hết, các dự án đầu tư tăng năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ giúp ngành sữa Việt chuyển động tích cực hơn.

Doanh thu ngành sữa đã vượt 100.000 tỷ đồng
Sau khi chạm mốc 95.000 tỷ đồng vào cuối năm 2016, doanh thu toàn ngành sữa trong nước đã vượt 100.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017, với mức tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư