Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp ngành tôm, cá tra nỗ lực phục hồi từ tháng 10
Hồng Phúc - 21/09/2021 13:51
 
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ đại dịch, các doanh nghiệp lớn trong ngành tôm, cá tra đang đẩy mạnh tăng công suất hoạt động nhằm đáp ứng lượng lớn đơn hàng đã giao ước.

Tháng 7 và tháng 8/2021 là quãng thời gian mà TP.HCM và 18 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau để phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong thời gian vừa nêu, doanh nghiệp và người lao động ở khu vực này gặp nhiều khó khăn và áp lực đứt gãy chuỗi sản xuất ngày càng gia tăng.

Chỉ khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản từ Nam Trung bộ đổ vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long duy trì sản xuất cầm chừng nhờ mô hình “3 tại chỗ”, với 10 - 50% lao động (chủ yếu 20 - 30%), số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

Hiện, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM cũng như một số tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang khả quan hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản nói riêng cũng nhanh chóng đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Tại công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), ban lãnh đạo công ty vừa chọn hôm nay, ngày 21/9 là dấu mốc “phục hồi hoàn toàn công lực và trở lại đường trường, tăng tốc cho đích hoàn thành kế hoạch 2021”.

Bởi đến giữa tháng 9/2021, tỉnh Sóc Trăng công bố trở lại bình thường. Hôm nay, ban lãnh đạo Sao Ta kiểm lại danh sách đang đi làm trong các nhà máy của mình và đã thở phào nhẹ nhõm khi số lượng lao động đã ngang bằng so với trước đây.

Thêm vào đó, họ đã có đủ nguyên liệu chế biến cho lực lượng lao động đông đảo của mình trước những đơn hàng đã ký kết.

Còn tại Công ty cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV), sau gần hai tháng thực hiện chủ trương “3 tại chỗ”, doanh nghiệp này đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép là duy trì sản xuất và bảo đảm không để dịch lây lan vào nhà máy.

Cụ thể, Nam Việt đang thực hiện “3 tại chỗ” với 2 nhà máy là Ấn Độ Dương (Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) và nhà máy Nam Việt (Long Xuyên, An Giang).  

.
Người lao động làm việc tại nhà máy của Nam Việt tại Cần Thơ (Nguồn: ANV).

Ban lãnh đạo công ty cho rằng yếu tố quyết định trong việc duy trì hoạt động giữa thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay chính là tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Vì vậy, 100% lượng lao động “3 tại chỗ” của họ đã được tiêm mũi 1 và 35% công nhân đã được tiêm mũi 2. 

“Đây (tiêm vắc-xin- PV) là tiền đề tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp dù cho tình hình dịch bệnh có diễn biến kéo dài”, ông Doãn Thiên, Thành viên HĐQT Nam Việt nói, đồng thời cho biết, dự kiến hết quý 3 công ty này sẽ hoàn tất việc tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ lao động. 

Nhờ có kho lạnh với công suất khoảng 6.000 tấn nên nhà máy của Nam Việt đủ nguyên liệu dự trữ để duy trì sản xuất trong suốt thời gian vừa qua.

Từ ngày 16/9 vừa rồi, nhà máy của họ đã được nhập nguyên liệu từ bên ngoài để tiếp tục hoạt động sản xuất, đáp ứng cho các đơn hàng đã ký, đủ để sản xuất đến quý đầu năm 2022.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu từ mặt hàng cá tra đông lạnh trong tháng 7 và 8 của Nam Việt đạt hơn 18.5 triệu USD; trong đó nổi bật có thị trường Thái Lan và Colombia tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch gần 3 triệu USD chỉ trong tháng 8/2021.

Hàng tồn kho của Nam Việt giảm 30% so với thời điểm trước giãn cách. Dự kiến đến cuối năm công ty này sẽ tiếp tục giảm mức hàng tồn kho xuống mức thấp hơn bởi, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá tra đông lạnh được dự đoán tăng mạnh ở hầu hết các thị trường vào thời điểm cuối năm.

Đồng thời, tình hình dịch bệnh khiến nhiều nguồn cung cá tra bị đứt và cước tàu tăng mạnh khiến nhu cầu gia tăng, nhờ vậy giá cá bán ra tăng đột biến, các đơn hàng đều được ký với giá cao. 

Cá tra Nam Việt kỳ vọng trở về vị trí dẫn đầu ngành
Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) kỳ vọng đưa Navico về vị trí dẫn đầu ngành bằng việc tận dụng lợi thế sẵn có từ chuỗi giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư