Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp ngóng bản đồ du lịch Việt Nam an toàn
Hạnh Nguyên - 30/06/2021 11:08
 
Các doanh nghiệp du lịch mong ngóng Nhà nước sớm xây dựng bản đồ du lịch an toàn để có thể "sống chung với dịch".
Du khách tham quan Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình),   Ảnh: Hồ Hạ
Du khách tham quan Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Ảnh: Hồ Hạ

Bối rối khi dịch bùng phát

Thực tế một năm rưỡi qua cho thấy, cả doanh nghiệp lẫn du khách đều rất bối rối trong những lần bùng phát dịch Covid-19. Khi xuất hiện ca nhiễm, dù chỉ là một ca ở một khu vực riêng lẻ, khách hàng cũng rất hoang mang vì thông tin về dịch bệnh tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, truyền miệng..., nhiều người nghĩ mọi điểm đến đều có dịch.

“Khi nói Hà Nội có dịch thì ngay lập tức nhiều khách hủy tour đến đây vì cho rằng, điểm đến này không an toàn, trong khi thành phố rộng lớn này có rất nhiều điểm vẫn an toàn”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings dẫn chứng.

Theo các CEO ngành du lịch, tình trạng hủy, hoãn dịch vụ trong những đợt bùng dịch cũng có nguyên nhân từ tâm lý trên. Vì thế, nếu có bản đồ du lịch an toàn để người dân biết nơi nào đang có dịch và không nên đến, nơi nào đang trong diện cảnh báo, điểm nào vẫn an toàn để vui chơi, thì sẽ giúp ổn định tâm lý khách hàng, đồng thời ngăn những tin đồn thất thiệt về dịch bệnh.

Có bản đồ du lịch Việt Nam an toàn, các nhà điều hành dịch vụ du lịch cũng sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ không còn cảnh lúng túng và bị động khi dự báo tình hình để sắp xếp dịch vụ, mà có thể chủ động biết được nơi nào có thể đưa khách đến, nơi nào cần phải giãn ra để tính toán kế hoạch kinh doanh.

Việc này cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và giữ dòng tiền. Nếu cứ đặt dịch vụ rồi lại phải hủy, hoãn đột ngột như thời gian qua, thì doanh nghiệp sẽ khó khăn vì số tiền đặt cọc bị ngâm rất lâu, trong khi tiền mặt lại đang thiếu. Du khách yên tâm, doanh nghiệp chủ động điều hành dịch vụ, thì ngành kinh tế xanh mới có thể “sống chung với dịch”.

Kênh thông tin quan trọng

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group cho biết, các nước châu Âu đã xây dựng bản đồ số du lịch, du khách có thể tự tin đi du lịch mà không quá lo lắng. Cùng với việc các đơn vị cung ứng dịch vụ và điểm đến tiếp tục duy trì công tác đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, du khách sẽ thấy an tâm nhiều hơn.

Bản đồ số được hiểu là bản đồ Việt Nam, nhưng số hóa các thông tin liên quan đến Covid-19 ở từng tỉnh, thành phố có dịch. Dựa vào ứng dụng phần mềm trên điện thoại thông minh, khách có thể kiểm tra tình hình điểm đến có an toàn hay không để mạnh dạn quyết định thực hiện chuyến đi.

Chủ tịch HĐQT Lux Group cho rằng, với xây dựng bản đồ số về an toàn du lịch, doanh nghiệp lữ hành sẽ mạnh dạn hơn trong xây dựng sản phẩm và phối hợp với hàng không để khai thác các điểm đến an toàn. Để chuẩn bị kế hoạch ứng phó khi bùng dịch, các doanh nghiệp phải lấy thông tin từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu là đợi thông báo từ các địa phương để biết các điểm du lịch, các dịch vụ cho du khách. Tuy nhiên, không phải lúc nào thông báo cũng đến đúng thời điểm, nên đã có trường hợp, công ty đưa khách đến nơi thì mới biết điểm đến đã đóng cửa.

Theo ông Kỳ, để bản đồ du lịch thực sự hữu ích và hiệu quả, về mặt kỹ thuật, có thể thể hiện bằng trang web hoặc phần mềm ứng dụng, hoặc có thể tích hợp trong ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn của Tổng cục Du lịch Việt nam, ra mắt vào ngày 10/10/2020. 

“Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nên là đơn vị cập nhật thông tin về dịch bệnh cùng những cảnh báo liên quan hoặc có thể ủy quyền cho một đơn vị chuyên trách như Bộ Y tế - đơn vị đang cập nhật thông tin các ca nhiễm mới 2 lần/ngày”, ông Kỳ đề xuất.

Như vậy, có thể hình dung là, bản đồ du lịch an toàn như bản đồ cảnh báo các điểm cháy rừng mà cơ quan kiểm lâm đã làm. Điều quan trọng là khi có bản đồ du lịch an toàn, thông tin cần phải cập nhật liên tục. Thêm vào đó, bản đồ này cũng có thể phát triển thêm tiện ích như thông báo mật độ khách, giúp điểm đến giải tỏa quá tải trong các cao điểm du lịch.

Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, nếu làm tốt, thì bản đồ du lịch an toàn không chỉ là kênh cung cấp thông tin quan trọng cho du khách trong đại dịch, mà còn cả khi thị trường mở cửa trở lại hoàn toàn.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!
Dự kiến 3 đối tượng áp dụng hộ chiếu vắc-xin
Đại diện Bộ Y tế vừa đề xuất 3 nhóm đối tượng áp dụng hộ chiếu vắc-xin.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư