Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nhiều câu hỏi phải trả lời khi áp dụng hộ chiếu vắc-xin Covid-19
D.Ngân - 08/04/2021 10:28
 
Bộ Y tế đang nghiên cứu hình thức cách ly phù hợp cho những người có hộ chiếu vắc-xin Covid-19.

Việt Nam đang bàn thảo các phương án để triển khai áp dụng hộ chiếu vắc-xin Covid-19. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động giao thương, du lịch giữa Việt Nam quốc tế song nhiều chuyên gia cũng cho hay phương án này có thể có rủi ro và cần phải thận trọng.

Bộ Y tế đang nghiên cứu hình thức cách ly phù hợp cho những người có hộ chiếu vắc-xin Covid-19.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng, muốn phục vụ mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thì việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin, chứng nhận tiêm chủng, mở rộng tiêm chủng Covid-19 là chủ trương cần thiết.

Theo ông Phu, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao cho Bộ Y tế nghiên cứu phương án ưu tiên cho những người có hộ chiếu vắc-xin mà họ là lao động lành nghề, chuyên gia, kể cả những người ở Việt Nam ở nước ngoài khi về nước để có cách thức quản lý, hình thức cách ly sau nhập cảnh phù hợp.

Hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu hình thức cách ly phù hợp cho những người có hộ chiếu vắc-xin.

Với ý kiến của một số người cho rằng, hộ chiếu vắc-xin phải là loại vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và nếu 1 quốc gia tự công bố có vắc-xin, người dân nước đó được tiêm vắc-xin và được cấp hộ chiếu vắc-xin thì có đủ điều kiện để hưởng chế độ hộ chiếu vắc-xin hay không?

Về vấn đề này, theo quan điểm của PGS.TS Trần Đắc Phu, không phải vắc-xin Covid-19 nào được cấp phép tại Việt Nam thì Việt Nam mới công nhận. Vấn đề là phải căn cứ vào hiệu lực của vắc-xin. Nếu một loại vắc-xin Covid-19 mà Việt Nam chưa cấp phép nhưng các nước khác sử dụng mà có hiệu lực, chúng ta cũng phải công nhận.

Dù ủng hộ hộ chiếu vắc-xin nhưng theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, để áp dụng hộ chiếu vắc-xin thì phải bàn thật kỹ để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Sở dĩ như vậy là do các loại vắc-xin có hiệu lực không giống nhau, có loại vắc-xin hiệu lực cao, nhưng có loại hiệu lực lại chưa cao.

Hơn nữa, theo PGS. TS Trần Đắc Phu, hiện nay vẫn chưa chứng minh được khả năng làm giảm sự lây bệnh của vắc-xin ra sao, một số loại chỉ có khả năng làm giảm các triệu chứng nặng hoặc giảm nguy cơ tử vong. Đơn cử như ở Mỹ, có những trường hợp tiêm vắc-xin vẫn mắc Covid-19.

Vấn đề khác mà chuyên gia đặt ra là sau tiêm chủng đó bao lâu mới có kháng thể, kháng thể tồn tại được bao lâu? Và các biến thể của virus ngày càng tăng, liệu vắc-xin có theo kịp. Chưa kể, chúng ta cần tính tới cả tình huống có sự lưu hành của hộ chiếu vắc-xin giả.

Từ những lo ngại ấy, chuyên gia cho hay, khi triển khai hộ chiếu vắc-xin cần phải triển khai mô hình thí điểm trước. Ví dụ, triển khai theo mô hình du lịch ít tiếp xúc, hoặc phải nâng cao tỉ lệ tiêm chủng của người dân để tạo được miễn dịch cộng đồng ở một vùng nào đó và chỉ những người có hộ chiếu vắc-xin được đi du lịch đến đó.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ góc độ tiếp cận của ngành Y tế, hộ chiếu vắc xin thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế.

Hiện Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vắc xin” thông qua mã QR-code.

Cách thức này dựa vào 2 dữ liệu cơ bản: Số thẻ Bảo hiểm y tế hoặc chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Khi đến, người dân cung cấp thông tin cá nhân để được kiểm tra trên hệ thống xác nhận. Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-code, xác thực cho người dân.

Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân.

Việc quản lý hệ thống hồ sơ sức khỏe của người dân tích hợp thông tin tiêm chủng, liên thông với cơ sở dữ liệu công dân thống nhất không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêm chủng mà còn kiểm soát việc đi lại, di chuyển trong bối cảnh có dịch bệnh.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đại diện một số bộ, ngành và nhà mạng cho rằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng từ tháng 4/2021. Về chính sách cụ thể, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài để sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện cho giao thương, đi lại thuận lợi cho người dân các nước đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Bamboo Airways: Nghiên cứu áp dụng hộ chiếu vaccine, sẵn sàng bay quốc tế khi được cấp phép
Đại diện Bamboo Airways cho biết hãng sẵn sàng tiên phong sử dụng hộ chiếu vaccine của IATA trong khai thác các chuyến bay quốc tế theo lộ trình của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư