Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên đầu tư vào Việt Nam
P.K - 02/06/2016 10:24
 
Cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu Mizuho thực hiện mới đây với 1.100 công ty Nhật Bản có vốn trên 10 triệu yên cho thấy, 43,8% số công ty cho rằng, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là khu vực được dành ưu tiên đầu tư trong tương lai. So với cuộc thăm dò tiến hành vào năm 2015, tỷ lệ chọn ASEAN tăng 2,3% và ASEAN đứng đầu bảng trong 4 năm liên tiếp.

Đặc biệt, mối quan tâm đến Việt Nam được thể hiện rất rõ. Trả lời câu hỏi về kế hoạch tập trung kinh doanh ở nước nào trong ASEAN, có tới 53,5% số công ty được hỏi chọn Việt Nam, tăng 4,9% so với năm ngoái, thể hiện mức tăng rõ rệt về độ quan tâm đối với Việt Nam. Trong khi đó, 59,7% số công ty chọn Thái Lan, giảm 2,2% so với năm ngoái.

Lợi thế của Việt Nam được các nhà sản xuất Nhật Bản nhìn nhận là quy chế thành viên TPP. Với việc ký kết TPP vào tháng 2/2016, Việt Nam đã được chú ý hơn trong tư cách là cơ sở xuất khẩu hàng vải sợi và một số sản phẩm khác.

.
Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ là quốc gia nhận được sự ưu ái và tin cậy của các nhà đầu tư Nhật Bản

Liên quan kế hoạch mở rộng đầu tư trong 12 quốc gia ký kết TPP, có 12,8% số công ty được hỏi chọn Việt Nam; 10,7% chọn Nhật Bản và 4,9% chọn Mỹ.

Một cuộc khảo sát khác do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện đầu năm 2016 cũng cho thấy, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và tiếp tục coi đây là địa điểm đầu tư quan trọng. Trong đó, 85% doanh nghiệp cho biết, lý do chính để mở rộng kinh doanh là “tăng doanh thu”. Trong ngành công nghiệp phi chế tạo, 65% số nhà đầu tư cho biết, lý do chính là “khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”.

Mặt khác, lợi thế về môi trường đầu tư cũng là một trong những nhân tố hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản. Việt Nam vẫn duy trì được vị trí thứ 3 (57,7%) trong số 15 quốc gia được cho là “có chi phí nhân công rẻ”. Ngoài ra, tình hình chính trị, xã hội ổn định, quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng cũng được đa số doanh nghiệp Nhật Bản đồng tình.

Khảo sát của JETRO cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng rất lớn vào việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), với việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan, dỡ bỏ thuế nhập khẩu, thống nhất trong việc vận dụng quy tắc xuất xứ.

Cuộc khảo sát của JETRO được thực hiện với 1.027 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có 557 doanh nghiệp đưa ra câu trả lời hợp lệ, đạt tỷ lệ 54,2%. Trong số đó, có 364 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo và 193 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phi chế tạo - dịch vụ tại Việt Nam.

Khảo sát trên cũng cho thấy, số doanh nghiệp trả lời hoạt động có lãi tại Việt Nam là 58,8%, giảm 3,5%; số doanh nghiệp hoạt động lỗ là 26,2%, tăng 1,3% so năm trước. Nếu xét riêng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trong ngành công nghiệp chế biến - chế tạo thì tỷ lệ hoạt động có lãi là 56%...

Các kết quả khảo sát cho thấy, Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ là quốc gia nhận được sự ưu ái và tin cậy của các nhà đầu tư Nhật Bản. Việc Nhật Bản gia tăng sự đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên các lĩnh vực đòi hỏi tay nghề và trình độ cao như cơ khí, chế tạo, điện tử…

Tiềm năng tăng tốc dòng vốn từ Nhật Bản
Vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang có xu hướng chậm lại, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều tiềm năng tăng tốc trong thời gian tới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư