Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chật vật hội nhập
Anh Vũ - 02/07/2016 19:10
 
Con đường đến với thành công trong quá trình hội nhập của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam còn nhiều chông gai do đang hoạt động trong một sân chơi khá nhiều rào cản.

Gần đây, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực, đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 2018, đơn đặt hàng sản xuất và xuất khẩu sẽ đến với doanh nghiệp nhiều hơn. Ngoài ra, Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) được hình thành cuối năm 2015 với trọng tâm phát triển các SME, đã tạo ra thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân cho các SME Việt Nam. Tuy nhiên, để bước ra sân chơi hội nhập là điều không dễ dàng trong bối cảnh doanh nghiệp chật vật với chiến lược cạnh tranh.

Lâu nay, các doanh nghiệp thường chọn cho mình những chiến lược cạnh tranh dựa trên lợi thế về: chi phí thấp, khác biệt hoá sản phẩm, tập trung vào thị trường mà doanh nghiệp có ưu thế vượt trội hơn so với các đối thủ khác, hay chiến lược chi phí thấp và chiến lược khác biệt…

Bà Bùi Thu Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển tài năng Việt (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.
Bà Bùi Thu Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển tài năng Việt (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.

Đặc biệt, đối với SME Việt Nam hiện nay vẫn theo đuổi chiến lược cạnh tranh dựa trên giá thành (sản phẩm đơn giản, giá thành rẻ, bán ở vùng nông thôn). Các sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt cũng cần phải nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa, nếu không muốn bị các sản phẩm ngoại nhập cùng chủng loại đè bẹp. Tuy nhiên, nhìn vào thực lực, năng lực sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp Việt hiện nay, để có thể nâng sức cạnh tranh, vẫn còn quá nhiều rào cản cần phải vượt qua.

Tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh đồ nhựa gia dụng. Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của công ty này rất hanh thông vì kiên trì theo đuổi chiến lược cạnh tranh dựa trên giá thành. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, thị phần của doanh nghiệp này ngày càng bị teo tóp vì xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh đến từ nước ngoài. Với các sản phẩm mới hơn, cao cấp hơn, an toàn hơn và độ phủ rộng hơn. Trước tình hình này, CEO (cũng là một cổ đông) và các cổ đông khác đã ngồi lại với nhau để bàn bạc và tìm giải pháp cho công ty.

Theo CEO, hiện thị trường mới chỉ bắt đầu tiến vào hội nhập sâu rộng mà công ty đã gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt rồi, thậm chí khó trụ vững khi chính thức vào sâu TPP, AEC.

“Đã đến lúc công ty phải thay đổi chiến lược cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của thị trường và thị hiếu của khách hàng. Công ty cần phải tăng cường đầu tư nâng cấp công nghệ, cho ra đời những sản phảm có chất lượng tốt hơn, tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh với các đối thủ, dành vị trí xứng đáng trên thị trường”, CEO cho biết.

Trong khi đó, các cổ đông lại không nghĩ vậy. Theo họ, để cạnh tranh được với các đối thủ, đòi hỏi công ty phải dày vốn, dai sức. Trong khi cả hai điều này công ty đang thiếu.

“Thị trường nông thôn ở Việt Nam vẫn còn rộng lớn, doanh nghiệp nên mở rộng thị trường nông thôn, với giá cả cạnh tranh so với đối thủ làm chiến lược chính của mình. Như vậy,  công ty vừa né được sự cạnh tranh, vừa không phải đầu tư quá lớn”, một cổ đông bày tỏ.

Trước ý kiến đó của các cổ đông, CEO cho hay, nếu các cổ đông của công ty không đối diện và quyết liệt tìm cách cạnh tranh, mà bỏ chạy thì sớm muộn gì cũng sẽ thất bại. Bởi chạy đến đâu đối thủ cũng sẽ theo đến đó.

Thực tế, nếu CEO thuận theo ý của các cổ đông chạy theo chiến lược cạnh tranh bằng giá để mở rộng thị trường nông thôn thì coi như nhường lại phân khúc cao cấp cho các đối thủ. Khi họ bước được một chân vào nhà rồi thì sớm muộn cũng sẽ đưa chân còn lại vào nốt. Nếu về sau, các đối thủ có tiềm lực nhảy vào phát triển thương hiệu, sản phẩm chất lượng cao thành công, thì họ sẽ quay sang phân khúc bình dân. Còn sản phẩm đã ăn sâu vào tâm trí người dân là giá rẻ, thì về sau có quay sang phát triển sản phẩm cao cấp vẫn bị cho là hàng giá rẻ không cạnh tranh được.

Vậy CEO sẽ lựa chọn chiến lược cạnh tranh như thế nào để vừa thuyết phục được các cổ đông, vừa giúp công ty vượt lên chính mình. Mời quý doanh nghiệp theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công vào cuối tuần để cùng CEO giải quyết bài toán đau đầu này.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Giảm mối lo thiếu vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã sẵn sàng giải ngân hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ nhu cầu vốn của doanh nghiệp, sau khi chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư