Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp nội thiếu vốn, nhân lực đầu tư dự án vi mạch
Hồng Sơn - 26/01/2015 14:40
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử -  , ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) cho biết, cuối năm 2014, Trung tâm đã nhận về 150.000 chip vi điều khiển SG8VI. Đây là các chip có thể được sử dụng trong hầu hết thiết bị điện tử và là sản phẩm vi mạch do ICDREC nghiên cứu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Intel Việt Nam sản xuất 80% CPU của Intel trên toàn cầu
Samsung sẽ làm linh kiện, không chỉ lắp ráp
Công nghệ cao không chỉ là lắp ráp

“Đã có khoảng 1/4 số chip được khách hàng mua lắp đặt cho các thiết bị điện tử trong các ngành như giao thông, điện lực…”, ông Hoàng nói và cho rằng, dư địa để thương mại hóa các chip này rất lớn khi tính năng kỹ thuật, hiệu năng bằng hoặc cao hơn và giá thành chỉ bằng 1/2 chip nhập ngoại cùng loại.

Doanh nghiệp nội thiếu vốn, nhân lực đầu tư dự án vi mạch, chip vi điều khiển SG8VI
Sản phẩm chip vi điều khiển SG8VI của ICDREC

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, dù được ICDREC nghiên cứu thành công, nhưng con chip trên vẫn phải mang ra nước ngoài để sản xuất, do tại Việt Nam chưa có nhà máy để sản xuất thương mại các loại chip này. Hiện đã có một số doanh nghiệp quan tâm đến các nghiên cứu của ICDREC, nhưng việc hợp tác để nhượng quyền sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, do thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu nhân lực, chính sách hỗ trợ chưa cụ thể, thiếu mô hình đầu tư hiệu quả…

Theo các chuyên gia, hiện có 2 xu hướng đầu tư các dự án vi mạch. Thứ nhất, các dự án quy mô lớn, với vốn đầu tư hàng tỷ USD, điển hình như dự án của Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Thứ hai, đầu tư các xưởng cực tiểu có vốn đầu tư 5 – 10 triệu USD. Tại dự án này, có đầy đủ các thiết bị sản xuất, nhưng nhỏ gọn theo dạng phòng thí nghiệm, các sản phẩm làm ra bảo đảm tiêu chuẩn để cung cấp cho các nhà máy.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho rằng, một dự án vi mạch nhỏ cũng có vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Ngoài các chính sách hỗ trợ cho dự án công nghệ cao hiện hành, các dự án còn được vay vốn ưu đãi từ chương trình cho vay kích cầu của Thành phố. Tuy nhiên, hạn mức cho vay từ chương trình này không quá 100 tỷ đồng/dự án và như vậy, doanh nghiệp sẽ vẫn rất khó trong huy động nguồn lực đầu tư.

Cũng theo ông Quốc, mô hình xưởng cực tiểu đang được các doanh Nhật Bản nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Xu hướng này cũng đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và có thể đầu tư thí điểm một số dự án tại SHTP trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn bên lề Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020 mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thẳng thắn nhìn nhận, thiếu vốn đầu tư là một trong những rào cản khi các doanh nghiệp Việt triển khai các dự án vi mạch. “Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa về chính sách để phát triển công nghiệp vi mạch và doanh nghiệp cần tận dụng tối đa nguồn lực để đầu tư, đón đầu cơ hội phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói và đánh giá cao những kết quả của ICDREC, đồng thời cho rằng, sự kết nối giữa nhà nghiên cứu với doanh nghiệp sản xuất thương mại là chìa khóa thành công cho chương trình phát triển vi mạch của TP.HCM.

Liên quan đến các chính sách phát triển công nghiệp vi mạch, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính sách hiện nay chưa phân biệt rõ “sản phẩm sử dụng chip Việt” và “sản phẩm sản xuất trong nước sử dụng linh kiện ngoại nhập”, do đó các chính sách ưu đãi là như nhau, khiến các doanh nghiệp trong nước chưa mạnh dạn đầu tư, các sản phẩm làm ra ra khó cạnh tranh với các sản phẩm do các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư nhà máy tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đề xuất chính sách hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm vi mạch Việt. Cụ thể, các thiết bị sử dụng chip do doanh nghiệp Việt nghiên cứu, sản xuất cần được ưu đãi thương mại hơn, nhất là có chính sách ưu tiên cụ thể để đưa chip Việt vào các thiết bị phục vụ đời sống xã hội như, điện, nước, ngân hàng, giao thông… Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ riêng cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực vi mạch như trợ giá, ưu tiên thiết bị sử dụng vi mạch Việt trong mua sắm, đầu tư công…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư