Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp phải là trung tâm của sản xuất thông minh
Hữu Tuấn - 14/11/2021 07:29
 
Phát triển sản xuất thông minh có vị trí then chốt trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam…
Ảnh minh họa.
Các doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy.

Ngành kinh tế mũi nhọn mới

Trong báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam dự kiến đạt mức kỷ lục, khoảng 150 tỷ USD. Đây là ngành hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng 2 con số trong những năm qua, bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

Tại Hội thảo “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa diễn ra, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam là ngành tốt nhất để đi tắt đón đầu với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số. Mạng 5G bắt đầu được triển khai thương mại hóa, hạ tầng cốt lõi với mạng băng thông rộng tốc độ cao làm nền tảng tốt cho đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh.

Bộ Công thương đã xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021-2030. Với quan điểm đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, Đề án tập trung vào giải quyết những thách thức của các doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, cũng như triển khai các giải pháp sản xuất thông minh từ nhiều góc độ khác nhau.

“Các doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng đến sản xuất”, ông Hiển nói.

Tuy nhiên, có một thực tế là, ngành sản xuất của Việt Nam vẫn chưa “thông minh hóa” kịp với tốc độ phát triển của thế giới. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố tháng 11/2021, công nghiệp chế biến, chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam có 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất đắp lớp in 3D. 

Doanh nghiệp phải là trung tâm của sản xuất thông minh

Theo TS. Đào Trọng Cường,  Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), thời gian qua, Bộ Công thương đặc biệt quan tâm đến triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất những ứng dụng công nghệ mới, hiện đại phục vụ quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy sản xuất thông minh.

Ở giai đoạn đầu, Bộ đã tập trung cung cấp các giải pháp kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp hàng đầu của nước ngoài về phát triển sản xuất thông minh, từ đó định hình và xác định được hướng đi phù hợp để triển khai các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ 4.0, sản xuất thông minh tại một số doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong… đã phối hợp triển khai các dự án xây dựng hệ thống quản trị sản xuất, ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm…, qua đó thu được kết quả ấn tượng, đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông nhìn nhận, việc quan trọng nhất với doanh nghiệp là phải thay đổi nhận thức, tư duy và mô hình tăng trưởng. “Chúng tôi đã có hệ sinh thái sản phẩm 4.0 với bóng đèn, công tắc thông minh, thành phố thông minh…, kinh doanh trên những nền tảng số do Công ty tự xây dựng hay của đối tác. Nhờ vậy, năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, chúng tôi đã tăng trưởng doanh thu là 15,6% và 14,2%”, ông Kết nói.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10, đầu tư cho chuyển đổi số là rất lớn, không chỉ về chi phí đầu tư thiết bị, công nghệ, hạ tầng, mà còn về thời gian, nguồn nhân lực. Nhưng May 10 xác định, đây là  đầu tư cho tương lai, phù hợp với xu thế phát triển.

[Infographic] Sản xuất thông minh: Xu thế tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Trong đó, sản xuất thông minh đang phát triển rầm rộ và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư