Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp sợ lỡ chuyến tàu “đô thị thông minh”
Bảo Minh - 16/08/2018 08:55
 
Sẵn sàng tham gia đầu tư dự án đô thị thông minh không chỉ của TP.HCM mà cả ở bình diện quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng TP.HCM sớm ban hành các chính sách, định hướng rõ ràng để họ không bị lỡ chuyến tàu này.
TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp nôn nóng

Những năm gần đây, các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã và đang bước đầu xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh. Đây được xem là bước đi tất yếu trong quá trình phát triển và nâng tầm cạnh tranh quốc gia trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như tạo sự khác biệt cho các vùng miền dựa trên đặc điểm của mỗi thành phố thông minh.

Để trở thành thành phố thông minh, TP.HCM cần cải thiện hệ thống công nghệ thông tin. Trong ảnh:  Làm thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế quận 3. Ảnh: B.M
Để trở thành thành phố thông minh, TP.HCM cần cải thiện hệ thống công nghệ thông tin. Trong ảnh: Làm thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế quận 3. Ảnh: B.M

Tại TP.HCM, sau khi Bí thư Thành ủy đặt vấn đề triển khai đô thị sáng tạo và đề xuất sớm triển khai đô thị thông minh, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến “gõ cửa” và chào mời nhiều giải pháp cho đô thị thông minh.

Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Global Cybersoft Việt Nam tại Hội thảo khoa học Smart City 360o tổ chức mới đây tại TP.HCM, thành phố thông minh không đơn thuần là phép cộng của những giải pháp nhỏ lẻ, mà quan trọng nhất là phải tập trung giải quyết bài toán về kiến trúc tổng thể. Nếu kiến trúc tổng thể xuất hiện vấn đề, thì sẽ phải tốn thêm nhiều công sức và chi phí để hoàn thiện hệ thống.

Ông Toàn cho rằng, việc triển khai các giải pháp cho thành phố thông minh phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm phù hợp với đặc thù của nơi sử dụng giải pháp. Nền tảng cơ bản của thành phố thông minh từ góc nhìn công nghệ thực chất là một mạng thông minh bao gồm các đối tượng và máy tính kết nối, truyền dữ liệu cho nhau, sử dụng công nghệ không dây và đám mây…

Quan trọng hơn cả khía cạnh kỹ thuật chính là việc triển khai các vấn đề quản lý xã hội trong thành phố thông minh, vì mục tiêu cuối cùng của thành phố thông minh là cung cấp điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho cư dân.

Cùng ở góc độ công nghệ, ông Hồ Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Chiến lược Tập đoàn Công nghệ CMC từng chia sẻ tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018 rằng, thế giới đang có những thay đổi vượt bậc về công nghệ, đặc biệt là ứng dụng trong thành phố thông minh, trong đó dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn là những yếu tố quan trọng làm thay đổi vị thế của các quốc gia.

“Đây thực sự là cơ hội lớn cho Việt Nam để vươn lên tạo vị thế mới. Đừng chờ đợi nữa. Chúng ta không được phép lỡ chuyến tàu lần này. Chúng ta cần hành động quyết liệt, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chuyên gia, tạo ra những con người ‘AI ready’, sẵn sàng đáp ứng cho nền kinh tế AI”, ông Tùng khẳng định.

Vấn đề cũng quan trọng không kém là kiểm soát an ninh. Hệ thống xử lý thông tin phải có khả năng thu thập dữ liệu, để phát hiện và giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh từ nơi tập trung đông người, kẻ tình nghi… Đồng thời, kết hợp dữ liệu thời gian thực từ camera, các cảm biến kết hợp với báo cáo từ bộ phận an ninh để đưa ra cảnh báo sớm các tinh huống nguy hiểm như sự xuất hiện của tội phạm, cháy nổ, tắc nghẽn..., nhằm đảm bảo an ninh và an toàn cho thành phố thông minh.

Thành phố còn lúng túng

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã chỉ ra những thách thức của TP.HCM trong triển khai đô thị thông minh. Đó trước hết là khó khăn trong việc tích hợp dữ liệu để số hóa quản lý hệ thống chiếu sáng, quy hoạch, tòa nhà, hệ thống nước thải, hệ thống giám sát IMS, quan sát giao thông…

Vì vậy, theo ông Long, để thực hiện thành công mô hình thành phố thông minh, đòi hỏi sự quyết tâm triển khai từ cấp lãnh đạo đến nhân viên; phải chọn nhân sự triển khai phù hợp; thay đổi tư duy quản lý, thói quen quản lý; huấn luyện và nâng cao kỹ năng vận hành; xây dựng quy trình và liên tục rà soát.

Trong khi đó, nếu xem khoa học công nghệ là “nền tảng” hình thành đô thị thông minh, thì trong trả lời chất vấn HĐND TP.HCM vừa qua, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã thông tin khá bất ngờ: “Về vấn đề thành phố thông minh, hiện Thành phố đã ban hành đề cương khá rõ, tuy nhiên ở góc độ khoa học - công nghệ, thì Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mới hình thành nghiên cứu mục tiêu, chỉ có ngành công nghệ thông tin đang có đóng góp rất lớn cho các dự án thành phố thông minh”.

Rõ ràng, tính cần thiết và nhu cầu xây dựng thành phố thông minh không còn chỉ dừng ở mặt lý thuyết, nhưng để sớm đưa những ý tưởng này vào hiện thực thì không hề dễ dàng. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ nói riêng rất kỳ vọng TP.HCM sớm ban hành các chính sách, định hướng rõ ràng để doanh nghiệp mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư