Thứ Bảy, Ngày 17 tháng 05 năm 2025,
Doanh nghiệp thuỷ sản kiến nghị khơi thông nguồn nguyên liệu trong nước
Hoài Sương - 17/05/2025 12:33
 
Kể từ sau khi Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 19/5/2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam có xu hướng không ổn định, nhiều tháng sụt giảm liên tục.

Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính riêng 3 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam chỉ đạt gần 71 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2024. 

Trong đó, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang Mỹ, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang EU lại giảm 6% so với cùng kỳ.

“Tính tới thời điểm hiện tại, sau gần 1 năm Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực, doanh nghiệp và ngư dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và áp lực. Quy định hiện hành của Nghị định khiến cho nhiều lô cá ngừ nguyên liệu không thể có được giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) và tạo ra nhiều hệ lụy cho chuỗi sản xuất - xuất khẩu. Doanh nghiệp muốn ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để tạo công ăn việc làm cho bà con ngư dân cũng không được”, bà Hà chia sẻ.

Nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước cần nhanh chóng được khơi thông.

Cụ thể, lượng cá ngừ như vằn, vây vàng - nguyên liệu mà ngư dân các tỉnh đã và đang khai thác trong suốt gần một năm qua đều đang dồn ứ khối lượng lớn nhưng lại không thể xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, CPTPP… 

Nguyên nhân là do, không có xác nhận nguyên liệu khai thác của các cảng, doanh nghiệp không thể thực hiện được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi theo các FTA. Điều này gây ra nguy cơ “thất thoát” cơ hội chiếm lĩnh thị trường của ngành cá ngừ Việt Nam vào tay các đối thủ cạnh tranh khác như Ecuador, Mauritius, Philippines, Indonesia - những quốc gia đang tận dụng tối đa hạn ngạch và cơ chế trong các FTA hay các ưu đãi từ các hệ thống ưu đãi thuế quan, như GSP…

Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đang gặp nhiều khó khăn khiến các doanh nghiệp ngành hàng hải sản, cũng như cá ngừ đang rất hoang mang và lo ngại, mong ngóng từng ngày để có thể khơi thông nguồn nguyên liệu trong nước này để giúp doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Các doanh nghiệp trong ngành cho hay, trong thời gian qua, để duy trì được thị phần và có được lợi thế về ưu đãi thuế quan tại khối thị trường EU, nhiều đơn vị đang phải gia tăng nhập khẩu cá ngừ từ các nước EU như Tây Ban Nha hay Pháp. 

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam từ Tây Ban Nha và Pháp trong 3 tháng đầu năm nay đang tăng “phi mã” lần lượt là 820% và 981% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với giải pháp này các doanh nghiệp cũng gặp nhiều rủi ro như chi phí gia tăng, vận chuyển xa, khó xin H/C do hàng phải chuyển tải, chuyển container…

Do đó, theo bà Hà, để khơi thông cho xuất khẩu nhóm mặt hàng cá ngừ quan trọng của Việt Nam, giải quyết kịp thời các ách tắc lớn trong chuỗi, cho hoạt động bình thường của ngư dân, gia cố lợi thế cạnh tranh trước các quốc gia xuất khẩu khác, các doanh nghiệp đang rất mong chờ Chính phủ sớm bán hành Nghị định sửa đổi Nghị định 37.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư