Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp vẫn khó về đích khi xuất khẩu quý IV hồi phục
Thế Hải - 04/10/2023 10:28
 
Xuất khẩu phục hồi rõ hơn trong quý III/2023, đà tăng trong quý cuối năm cũng được dự báo tiếp tục khá lên, nhưng trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, rất khó để các doanh nghiệp, ngành hàng lớn của Việt Nam về đích với mục tiêu đã định.
Xuất khẩu hàng dệt may trong 9 tháng qua giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoài.  Ảnh: Đức Thanh

Xuất khẩu quý III/2023 có thêm 8,9 tỷ USD

Sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã rõ ràng hơn trong quý III/2023, khi kim ngạch xuất khẩu đạt 94,6 tỷ USD. Dù giảm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với quý II/2023 đã tăng 10,3%, tương ứng tăng 8,9 tỷ USD.

Nhờ đà phục hồi của đơn hàng xuất khẩu những tháng gần đây, lũy kế 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.

Cần phải nói thêm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 đạt 31,41 tỷ USD, dù giảm 4,1% so với tháng trước đó, nhưng ghi nhận là tháng thứ 3 liên tiếp vượt ngưỡng 30 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa đã quay trở lại mốc trên 30 tỷ USD trong tháng 7, đánh dấu là tháng đầu tiên trong năm nay đạt được mức này, sau nhiều tháng dưới ngưỡng đó. Trong 6 tháng đầu năm nay, tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là tháng 3 cũng chỉ đạt 29,71 tỷ USD, trong khi tháng thấp nhất là tháng 1 chỉ đạt 23,61 tỷ USD.

Nhờ đơn hàng xuất khẩu được cải thiện hơn, một số ngành hàng lớn đã “bỏ túi” thêm hàng tỷ USD so với quý trước đó.

Chẳng hạn, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 14,834 tỷ USD, tăng hơn 4 tỷ USD so với quý II/2023; máy tính, linh kiện điện tử đạt 15,6 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD; máy móc, thiết bị, phụ tùng khác đạt 10,95 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với quý II/2023.

Nhóm nông sản cũng ghi nhận đà tăng tốc mạnh ở một số mặt hàng tỷ USD như gạo, rau quả, cà phê. Xuất khẩu gạo và rau quả - 2 ngành hàng có mức tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp - đã mang về doanh thu 7,86 tỷ USD sau chặng đường 9 tháng, trong đó, rau quả lần đầu cán mốc 4,2 tỷ USD.

Xuất khẩu gạo và rau quả cùng với cà phê (3,16 tỷ USD) đã trở thành 3 nhóm hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất trong 10 năm. Tổng trị giá xuất khẩu của 3 nhóm hàng này hiện đạt hơn 10 tỷ USD.

Xuất khẩu quý IV hồi phục, nhưng trên nền cầu yếu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) lý giải, số liệu về xuất khẩu những tháng gần đây cho thấy dấu hiệu đơn hàng hồi phục, nhưng vẫn trên nền nhu cầu hàng hóa toàn cầu còn yếu. Tuy nhiên, đây là chỉ dấu cho thấy, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đang có đà để rút ngắn hơn mức sụt giảm do đã kéo dài suốt từ đầu năm 2023 đến nay.

Đóng góp 11 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế trong năm 2022, cũng là mức kỷ lục kể từ khi tham gia xuất khẩu của ngành này, thủy sản đã đối mặt đà tăng trưởng âm từ nhiều tháng nay.

Tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý III/2023, đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tín hiệu tích cực trong tháng 9 là một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022; cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc - Hồng Kông mang về cho thủy sản Việt Nam 1,15 tỷ USD, Nhật Bản nhập thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ.

Dù ghi nhận thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV/2023, do nhu cầu tiêu dùng ấm lên từ các thị trường chủ lực, nhưng Vasep dự báo, nếu không có biến động khác và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, thì xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể mang về 9,2 - 9,3 tỷ USD, tức vẫn giảm 1,7 - 1,8 tỷ USD so năm trước.

Nhìn sang 4 nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo đóng góp doanh thu xuất khẩu 186 tỷ USD trong năm ngoái, từ điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép - túi xách cũng khó có khả năng cán đích với tăng trưởng dương như kỳ vọng. Lý do là, trong 3 quý đầu năm, điện thoại vẫn “hụt hơi” khoảng 6 tỷ USD, tương đương giảm 15,4% so với cùng kỳ; máy tính giảm ít hơn, ở mức 1,7%; dệt may giảm 12,1%; giày dép giảm 18,2%; túi xách giảm 10,4% so với cùng kỳ. Tổng mức sụt giảm xuất khẩu tính theo ngoại tệ so với cùng kỳ năm ngoái của tất cả các ngành hàng xuất khẩu khoảng 23,3 tỷ USD.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho hay: "Ngành may vẫn đang trong tình trạng cầu thấp và có thể kéo dài sang năm 2024. Thị trường những tháng cuối năm chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm”.

Lúc này, dữ liệu của Cơ quan Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan (CPB) vừa công bố cho thấy, các chỉ số niềm tin cho thấy, thương mại toàn cầu sẽ còn yếu trong những tháng tới. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global theo dõi đơn hàng xuất khẩu mới báo hiệu một sự sụt giảm ở cả Mỹ, Eurozone và Anh.

Ngoài tăng trưởng kinh tế yếu đi, căng thẳng địa chính trị cũng là một nhân tố khiến thương mại giảm sút.

Xây dựng thương hiệu để mở rộng xuất khẩu
Xây dựng thương hiệu riêng là cách để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, song phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư