Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp xuất khẩu điều tăng đầu tư cho chế biến
Nguyễn Ngân - 10/03/2024 07:56
 
Chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu, mà còn là giải pháp để nâng cao giá trị hạt điều nhân.

Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, trong năm 2024, Nhà máy Hoàng Sơn Food chuyên sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ hạt điều kết hợp với các loại hạt khác sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Với nhà máy này, Hoàng Sơn Food sẽ tận dụng nguồn cung điều nhân có sẵn để chế biến sâu thành các sản phẩm giá trị gia tăng, vừa giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, vừa tăng doanh thu cho Công ty.

“Nhà máy Hoàng Sơn Food được đầu tư máy móc, công nghệ mới nhất, đem lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời, Công ty cũng xây dựng Trung tâm R&D nhằm nghiên cứu, cho ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Huyên nói.

Hiện Nhà máy Hoàng Sơn Food có thể chế biến sâu và cho ra hạt điều với hơn 100 hương vị khác nhau, đồng thời kết hợp với các loại hạt dinh dưỡng khác để đa dạng sản phẩm.

Trong khi đó, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Long Sơn chia sẻ, nhu cầu tiêu thụ hạt điều chế biến sâu đang tiếp tục tăng lên. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng hỗ trợ tích cực doanh nghiệp tăng xuất khẩu sản phẩm này.

Với các FTA mà Việt Nam đã ký, hạt điều chế biến sâu nhập khẩu từ Việt Nam được giảm thuế xuống 0% tại nhiều thị trường lớn. Chính vì vậy, trong những năm qua, Long Sơn đẩy mạnh đầu tư, sản xuất các sản phẩm hạt điều chế biến sâu, hạt điều chất lượng cao, giúp Công ty tiếp cận được nhiều khách hàng khó tính và bán được giá tốt hơn so với mặt bằng chung.

Năm 2023, Long Sơn thành công trong việc chế biến sâu và xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm hạt điều rang muối, điều tỏi ớt, điều gia vị, điều hạt mè, điều mật ong... Đồng thời, Công ty bán trực tiếp cho các hệ thống siêu thị lớn như Walmart và các siêu thị khác.

Tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam 2024, ông Trần Anh Kha, quyền Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm An Điền (Andi Foods), công ty thành viên thuộc Tập đoàn Dan-D Foods (Canada) cho biết, ngay từ khi thành lập, Công ty đã định hình hướng đi của mình là phải chế biến sâu, đa dạng sản phẩm để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đây là công ty đầu tiên của Việt Nam sử dụng công nghệ nhận dạng và phân loại laser màu và tia X hiện đại nhất của Nhật Bản trong việc xử lý hạt điều. Các sản phẩm của Công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn FDA, ISO 22000, BRC FOODS, HACCP và xuất khẩu đến Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nga, Đài Loan, Philippines, Thụy Điển, Nhật Bản...

Dù các doanh nghiệp đều nhận thức được việc chế biến sâu sẽ đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư để chuyển đổi.

Ông Tạ Quang Huyên cho biết, cùng một diện tích 2 ha, nhưng chi phí để đầu tư một nhà máy chế biến sâu có thể làm được từ 5 đến 10 nhà máy chế biến thô khác. Nguyên nhân do các thiết bị, máy móc đều phải rất hiện đại và khắt khe, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Bởi thế, nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực đầu tư.

Cũng theo ông Huyên, ngay cả đầu tư được máy móc, thì khi chế biến sâu vẫn phải mò mẫm từng bước đi.

“Tôi phải mất rất nhiều thời gian để đi xin tư vấn. Các thiết bị máy móc, công nghệ rang chiên, bảo quản phải tìm hiểu xem mua ở đâu, mua máy gì, mình sẽ chế biến sản phẩm gì... Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chế biến hạt điều thô, nhưng khi bắt đầu chế biến sâu, tôi như một người mới”, ông Huyên nói.

Tương tự, ông Trần Anh Kha nhận định, chế biến sâu đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ phải đầu tư nhà máy, mà phải đào tạo cả đội ngũ nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng những quy định khắt khe về quy trình sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát vi sinh, quy trình vận hành nhà máy... Những khoản chi phí này rất lớn, mà nhiều doanh nghiệp khó khăn về vốn, việc tiếp cận vốn ngân hàng không dễ.

Một vấn đề nữa là tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng là bài toán nan giải. Ông Trần Anh Kha nhìn nhận, việc tiếp cận một thị trường mới không phải là công việc trong một sớm một chiều, mà cần tìm hiểu, nghiên cứu trước đó. Chưa kể, các đối tác cũng sẽ cần thời gian để kiểm định, khảo sát chất lượng, quy chuẩn của sản phẩm. Khoảng thời gian chuẩn bị này phải tính bằng năm.

“Nhiều nước tại châu Âu, Mỹ... đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chế biến sâu hạt điều. Họ chế biến sâu và dành phần sơ chế cho Việt Nam. Nên bây giờ, khi chúng ta giành phần chế biến sâu thì đây thực sự là một cuộc chiến”, ông Kha cho hay.

Gần đây, thị trường châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... có sự gia tăng về tiêu thụ hạt khi phát triển xu hướng ăn uống lành mạnh hơn. Các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cũng dễ được người tiêu dùng những nước trong khu vực chấp nhận do có khẩu vị tương đồng. Dù mới chỉ chiếm khoảng 1/3 so với nhu cầu tiêu thụ hạt toàn cầu, nhưng đây là thị trường tiềm năng với doanh nghiệp chế biến hạt điều.

Ông Trần Vũ, đại diện AgriCorp thông tin, trong nhiều thập kỷ, Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ nhập khẩu số một, nhưng năm 2023, Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ về tiêu thụ nhập khẩu mặt hàng điều nhân và được dự đoán sẽ vượt Mỹ trong thời gian không xa. Đây là thị trường còn dư địa lớn mà doanh nghiệp Việt cần tập trung khai thác.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư