Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Hà Đăng Tài: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”
Quý Hưng - 19/07/2015 10:13
 
Chọn thương hiệu “Gỗ Tài Anh - Thần Tài gõ cửa”, doanh nhân Hà Đăng Tài của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tài Anh đã phải tự nhiều lần thử lửa...
.
Danh nhân Hà Đăng Tài, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tài Anh

Từ tuổi thơ nghèo nhưng không khó…

Câu chuyện với ông Hà Đăng Tài, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Tài Anh mang đậm chất hoài niệm. “Nó bắt đầu từ quê hương ngày tuổi thơ tôi. Cũng đến nửa thế kỷ rồi”, ông nói và đọc cho tôi nghe những câu thơ đau đáu mà ông viết về vùng quê nghèo khó, thôn Kỳ Vĩ, xã Ninh Thành, TP. Ninh Bình:

 Kỳ Vĩ quê tôi đâu có là đá sỏi.

Mà mấy lạng lúa khoai lại phân phối hai mùa.

Hay như câu ông viết cho các con mình với nhiều gửi gắm:

Ngày xưa con có biết không con?

Ba mẹ cũng như con,

Tuổi trăng tròn lần lữa,

Cơm ăn chạy bữa, cháo múc quanh nồi…

Nhà ông có 6 anh chị em, ông là thứ tư. Buổi sáng đi học, trưa về bắt cua, cá, tối đơm đó, đơm lờ, đắp nhậy, đánh lưới. Có đêm bắt hàng rổ cá. Mùa màng thì đi mót lúa. Ngày ấy, lúa là của chung hợp tác xã nên gặt sót nhiều, có ngày được cả mấy bó. Vất vả là thế nhưng bù lại, học sinh Tài rất chịu khó, sáng dạ, lúc nào cũng đứng đầu lớp.

Ông còn kể lại một kỷ niệm mà đền giờ, ông vẫn không thể quên. “Buổi sáng  hôm đó, khi lấy gạo nấu cháo, khảo trong rương còn 4 bò gạo, tôi nấu một bò. Trưa đi học về, tôi lục tục mở rương lấy gạo nấu cơm thì như hoa cả mắt lên vì không còn hạt nào. Hỏi mẹ, mẹ bảo vác rá sang nhà cậu vay, vì nhà bà bên hàng xóm đói quá, mấy hôm đứt bữa, sang hỏi vay, mẹ thương tình dốc hòm cho bà ấy hết. Tôi giẫy nảy, nhưng nhớ mãi lời mẹ ân cần: “Nhà bà ấy không vay được chỗ nào! Nhà mình vẫn còn có chỗ vay được”.

Nghe ông kể, hôm đó, ông cũng quyết không sang cậu vay mà lấy nơm đi úp cá. Hình như trời thương, ông úp được đầy vỉ cá đem bán cho một gia đình khá giả hơn, rồi ra chợ đong gạo về nấu cơm cho cả nhà. “Tinh thần lao động vượt lên khó khăn và sự sẵn sàng sẻ chia mà mẹ tôi dạy đã thấm vào tuổi thơ tôi, cho tôi một nghị lực và sức khỏe để dấn bước vào con đường doanh nghiệp đầy chông gai thách thức”, ông Tài tâm sự.

… đến nhà máy đầu tiên trong Khu công nghiệp Gián Khẩu

16 tuổi đang học lớp 8, ông Tài xung phong vào bộ đội. Sau khi xuất ngũ, ông chuyển về công tác tại một trường xây dựng. Đây là thời gian cho ông cơ hội tiếp tục học tập văn hóa và quản lý kinh tế. Rồi ông đến với Nông trường Đồng Giao như là một duyên phận. Kể từ đây, ông  Tài gắn với gỗ, với nghề mộc nặng nhọc, sau này trở thành nghiệp của doanh nhân Hà Đăng Tài.

Ông nhớ như in thời điểm năm 1982, ông dồn được 45 ngàn đồng, trong đó 30 ngàn để mua gỗ và 15 ngàn đồng thuê xe. Lúc đó, giá 1 khối gỗ loại làm củi là 3.000 đồng, nhưng cũng không dễ buôn. Chuyến đầu tiên ông mua gỗ về bán cho người đốt gạch, bị kiểm lâm bắt tịch thu hết. Lại đôn đáo vay mượn đi chuyến thứ hai và ông đã hoàn được vốn.

Cứ thế, vừa công tác, ông vừa âm thầm kinh doanh gỗ, tre luồng. Đến năm 1989 ông đã có điều kiện thuê 8 cặp thợ mộc, thợ xẻ để mở xưởng, mua được ô tô vận tải, tự lái xe chở gỗ bán. Đây cũng là một trong những chiếc xe vận tải tư nhân sớm nhất ở Ninh Bình.

Năm 2000, Luật Doanh nghiệp với tinh thần người dân được làm những gì pháp luật không cấm, mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp tư nhân làm ăn. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tài Anh của Giám đốc Hà Đăng Tài ra đời với mục tiêu tới tận nơi có hàng để mua và đến tận nơi có khách để bán, làm sao để sản phẩm gỗ Tài Anh kết tinh cả sự tài hoa và tinh anh, thấm được tinh thần của nghề mộc cha ông cộng với công nghệ mới của thế giới hiện đại. Nhà máy gỗ Tài Anh được đặt tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (Ninh Bình), cũng mở màn cho sự phát triển mạnh mẽ của Khu công nghiệp sau này.

15 năm qua, ông Tài đã thực hiện thành công mục tiêu từ những ngày đầu đó. Và thần tài dần dần gõ cửa. Công ty TNHH Xuất nhẩp khẩu Anh Tài lớn dần lên theo những khó khăn và quyết tâm của người đứng đầu. Thương hiệu gỗ Anh Tài cũng đi xa dần, vượt ra khỏi địa giới của quê hương Ninh Bình...

Chặng đường bươn ra nước ngoài

Ông Tài nhớ lại, sau khi khai thác thành công gỗ từ thị trường Lào, vào những năm 2007 - 2008, ông chuyển hướng sang lục địa đen – thị trường đầy tiềm năng cả về số lượng và chất lượng gỗ.

Biết vậy, nhưng ông kể, lúc đầu chẳng biết bắt đầu từ đâu. Châu Phi dù đầy hấp dẫn, nhưng rộng lớn và quá lạ lẫm... Mà lúc đó, Việt Nam mới đặt đại sứ quán tại Nam Phi.

Nhưng vốn tính đã quyết thì phải làm cho được, ông lần các mối quan hệ, đi khắp các nước trong khu vực. Rồi trời chẳng phụ kẻ có công, ông cũng tìm được đường đi. Chuyến đi đầu tiên tới lục địa đen, hai cha con ông Tài dừng chân tại Cameroon, gõ cửa Phòng Thương mại Cameroon, tiếp cận với nguồn gỗ bạt ngàt của châu Phi, mở đầu cho những chuyến con thoi sau đó tới châu Phi.

Các thủ tục mở LC, thuê tầu rồi cũng hoàn tất. Chuyến thứ nhất gỗ về an toàn. Chuyến thứ 2, ông mua 40 container với 800 khối gỗ lim, về tới cảng còn 28 container. Nhưng rồi những chuyến sau dần thuận buồn xuôi gió, góp phần nâng sản lượng của công ty lên rất nhanh.

Năm 2010, ông tiếp tục lấn chân sang thị trường châu Mỹ, trọng tâm là Mỹ với đặc sản gỗ tròn, gỗ thành khí. “Đây là thị trường vô cùng khó tính, với các quy định khắt khe về khai thác gỗ là chặt 1, trồng 2”, ông Tài kể.

Hiện tại, ngoài thị trường Lào, phần lớn gỗ của Tài Anh có nguồn gốc từ hai thị trường chính này. Tài Anh cũng là một công ty hàng đầu về khai thác và nhập khẩu từ nhiều châu lục, cung cấp gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp cho thị trường Việt Nam với nhiều chủng loại như gỗ Lim, Dổi, Sồi, Tần Bì, Dẻ Gai, Anh Đào, Chò chỉ, Căm xe…

Vĩ thanh

Trong suốt câu chuyện về sự nghiệp của mình, ông Hà Đăng Tài luôn nhấn mạnh, việc đi bằng hai chân - thương mại và sản xuất công nghiệp - đã làm nên một Tài Anh gỗ có thương hiệu như hiện tại. Ông Tài nói, ông rất chú trọng đến lựa chọn công nghệ, bởi sản phẩm gỗ có hồn nhờ tay người thợ, nhưng có bền và đẹp hay không phải cậy vào công nghệ rất lớn.

Hiện tại, Nhà máy gỗ Tài Anh đã có tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cấp bởi DAS Anh Quốc cùng với kỹ thuật lành nghề và tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực sáng tạo của hơn 300 kỹ sư, công nhân viên. Các sản phẩm đồ gỗ nội - ngoại thất, đồ gỗ xây dựng Tài Anh nhiều năm qua đã góp phần xây dựng, làm đẹp nhiều tòa nhà không chỉ ở vùng quê nghèo khó một thời Ninh Bình, mà đã đi khắp cả nước. Sản phẩm đồ gỗ của Anh Tài đã xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đức, Ba Lan, Mỹ, Mexico.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tài Anh đảm bảo việc làm và thu nhập ngày một tăng cho người lao động. Năm 2014, Công ty Tài Anh là doanh nghiệp tư nhân có số thuế nộp cao của tỉnh Ninh Bình.

Ông Hà Đăng Tài vẫn nhớ và vẫn làm đúng lời dặn của mẹ ngày xưa, làm được gì cho ai, giúp được ai lúc nào thì giúp ngay, không chần chừ.

Ông cũng đang dạy lại các con như vậy. Cho dù các con ông đều học ở nước ngoài, để sẵn sàng đưa Công ty đi lên, nhưng nếu thiếu đi tấm lòng nhân hậu và yêu lao động, sẽ khó có được thần tài gõ cửa...

 

Trò chuyện với Doanh nhân Hà Đăng Tài

Điều gì ông luôn nói với công nhân của mình?

Nhà máy Tài Anh như vườn cây, giám đốc trồng, nhờ anh chị bón chăm, nhổ cỏ cho cây xanh tốt, sai lộc, sai hoa, sai quả. Mọi người có quả mà ăn. Ai đánh cắp thời gian như là chặt cành, vặt lá. Ai lấy cắp gỗ, keo như là chặt rễ. Cây mà chết thì làm sao có quả để ăn.

Với các con mình, ông nói gì?

Tốt nhất là làm nghề gì phải yêu nghề đó. Như các cụ ngày xưa đã dạy: “Một nghề cho chín còn hơn chín mười nghề”.

Điều ông toại nguyện nhất?

Hướng cho các sớm con tiếp cận vốn ngoại ngữ và kiến thức quản trị doanh nghiệp hiện đại. Vì thế, các con tôi giờ đang cùng bố quản lý doanh nghiệp.

Niềm vui nhất của ông?

Làm từ thiện.

Niềm tự hào nhất?

Thương hiệu gỗ Tài Anh “Thần Tài gõ cửa”.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết và giấc mơ nano made in Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) đang muốn ghi tên OIC vào danh sách những doanh nghiệp Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư