Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Mai Hữu Tín: Đã là người Việt thì sẵn có tấm lòng với Đất Việt
Khánh An - 22/01/2023 13:40
 
Nếu chia mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam vào top 10 thế giới về quy mô cho từng người lãnh đạo, cả lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp, thì doanh nhân Mai Hữu Tín xung phong nhận phần của mình và sẵn sàng trả bằng mạng sống để đạt cho được.
Doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành.

Sau một cơn bão hoàn hảo....

Thời gian cuối năm của ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) thường là những chuyến đi. Năm nay cũng vậy. “Tôi đi liên tục để tìm cách giữ việc làm”, ông chia sẻ trong những bức thư viết trên đường di chuyển.

Năm 2023 được dự báo sẽ không dễ dàng sau năm 2022 mà ông và những người bạn cùng giới gọi là năm của một “cơn bão hoàn hảo”, theo nghĩa là khi tình hình bên ngoài đã rất khó khăn, thì đùng một cái, bên trong lại thêm chuyện rất khó nữa. Mọi chuyện xoay chuyển rất nhanh, chỉ trong vòng vài ngày, làm mọi người hoàn toàn bất ngờ và bị động. Vùng hoàn lưu của bão đang ẩn chứa nhiều rủi ro.

Ông từng chia sẻ, khủng hoảng giúp doanh nhân nhận thức vấn đề toàn diện hơn. Trong 2 năm dịch bệnh, đó là bài học ứng phó với khủng hoảng, thích ứng linh hoạt. Còn thời điểm này, ông muốn nói đến bài học gì?

Có lẽ tôi cần thời gian để hiểu thêm đâu là bài học quý giá nhất qua cơn bão này. Tôi đã qua hai lần khủng hoảng 1998 và 2008, mà chính xác lần hai là năm 2012, khi lãi suất lên hơn 20%/năm. Cảm giác của lần này rất rõ ràng là thách thức lớn hơn cả hai lần trước.

Lãi suất trên 10%/năm đủ giết chết phần lớn doanh nghiệp làm sản xuất. Khả năng phục hồi nhu cầu của các thị trường bên ngoài được dự báo chung là sớm nhất sẽ chỉ diễn ra vào nửa sau của năm 2023. Bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất có thể tồn tại đến thời điểm đó?

Hiện đã rất khó và sẽ còn khó hơn trong vài quý tới.

Trong những khó khăn bất ngờ bên trong mà ông nhắc tới ở “cơn bão hoàn hảo” năm 2022, có những vấp ngã của doanh nghiệp rất lớn? Phải chăng họ rơi vào “bẫy của doanh nghiệp lớn” - sau thời gian phát triển quá nhanh, quản trị không theo kịp quy mô?

Tôi không thể trả lời thẳng vào câu hỏi này, vì thực tế là tôi không có đủ thông tin. Còn với cá nhân tôi, đó là khả năng tự vấn của từng doanh nhân, càng lớn thì càng cần tự vấn. Thông thường, người thành công dễ rơi vào bẫy tự mãn, khi mà sự tự tin do thành công ban đầu dễ dẫn họ tới suy nghĩ rằng, mình đã biết đủ, có thể làm nhiều việc và sẽ tiếp tục thành công. Thực tế là không ai biết đủ, không ai có thể làm mọi việc và không ai luôn mãi thành công.

Câu “lúa chín lúa cúi đầu” luôn cần với người đã có chút thành công. Khi biết lượng sức mình, khi biết phân biệt đâu là khát vọng và đâu là tham vọng, khi còn đủ sự khiêm nhường thật sự để cười nhạo chính mình và không ngừng học hỏi, thì cơ may tiếp tục tồn tại cũng như phát triển sẽ lớn hơn nhiều.  

Ông từng nói, rào cản lớn nhất để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên, chuyên nghiệp hơn là tư duy của chính các doanh nhân... 

Tôi nói câu đó trong điều kiện phát triển bình thường, khi mọi yếu tố về môi trường kinh doanh giữa các nước - ít nhất là giữa các nước trong cùng khu vực - mang tính tương đồng, thì chính tư duy của từng doanh nhân sẽ quyết định họ mạnh hơn hay chuyên nghiệp hơn. Còn khi họ bị tác động bởi các yếu tố vĩ mô quá xấu ngoài tầm kiểm soát, thì hãy mong họ sống được đã, chuyện lớn hơn hay chuyên nghiệp hơn có thể tính sau.

Nhìn một cách tổng thể, ông thấy những thay đổi thực sự trong tư duy của doanh nhân theo hướng chuyên nghiệp hơn, chuẩn mực hơn chưa? 

Có những ví dụ đó đây, có những hy vọng ở nơi này, nơi khác, nhưng chưa là tổng thể.

Còn với doanh nhân trẻ thì sao? Khó khăn có làm cho họ thay đổi?

Các bạn trẻ có vẻ đồng cảm hơn và nhiều khát khao thay đổi hơn, có thể vì họ còn nhiều sức khỏe và nhiều thời gian hơn. Những doanh nhân trải đời hơn, đã qua nhiều biến cố hơn, hiểu rõ môi trường kinh doanh ở Việt Nam hơn, thì tiếc thay, lại hoài nghi hơn. Nhưng không thể trách họ. Họ đã quá mệt mỏi.

Tình hình này chắc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch kinh doanh của ông cũng như nhiều doanh nhân khác? Đang có những doanh nghiệp bị bán đi…

Việc này vẫn diễn ra và chắc chắn là sẽ diễn ra nhiều hơn trong vài tháng tới. Chi phí vốn luôn là trăn trở rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Khi không thể chịu nổi thì bán đi vẫn tốt hơn là để cho doanh nghiệp đi tới chỗ lụi tàn. Doanh nhân cũng có thể chọn không làm gì, hoặc không làm gì thêm vào lúc khó khăn này.

Với tôi, Việt Nam là tổ quốc duy nhất, mỗi bước thăng trầm đều tác động tới tôi, bao gồm niềm vui khi nhìn thấy sự phát triển và nỗi đau khi chứng kiến sự tụt hậu.

- Doanh nhân Mai Hữu Tín

Riêng với tôi, những gì dính tới đầu tư đều buộc phải dừng. Giữ việc làm cho người lao động và giữ cho doanh nghiệp tồn tại được lúc này quan trọng hơn cả.

Các kế hoạch đưa TTF trở lại của ông có thay đổi khi bối cảnh thị trường thế giới thay đổi?

Vẫn không thay đổi. TTF đặt mục tiêu đứng đầu Đông Nam Á và Việt Nam chỉ là một trong các quốc gia mà TTF có hoạt động. Mục tiêu đứng đầu Đông Nam Á có nghĩa là sẽ lớn nhất về doanh số so với mọi doanh nghiệp nội thất khác của khu vực và có mặt ở tất cả các thị trường lớn của Đông Nam Á.

Ông và TTF đang ở đâu trên hành trình này?

TTF chỉ mới ở mức 20% của hành trình này, nhưng chúng tôi nhìn thấy rất rõ đường đi. Tất nhiên, thách thức không nhỏ, nhất là khả năng cạnh tranh. Thuận lợi cũng không kém, lớn nhất là khả năng quy tụ người giỏi thật sự từ mọi nơi về để cùng thực hiện mục tiêu này.

Như ông đã chia sẻ về các chuyến đi để giữ việc làm cuối năm 2022, kết quả thế nào và ông có muốn nói gì với những người lao động của mình trước thềm một năm sẽ nhiều vất vả?

Tôi nhìn ra thêm nhiều cơ hội khác. Dù không thể nói hết mọi việc, nhưng tôi muốn chia sẻ là, chuyện khó, chuyện cần sự siêng năng và năng động, chuyện cần bền chí và sáng tạo, thì người Việt Nam có ưu thế. Với những người lao động, tôi muốn chia sẻ là, trong suy nghĩ của tôi không có từ bỏ cuộc, tôi mong là họ cũng có niềm tin đó.

Và niềm tin của những người con đất Việt

Niềm tin là điều ông Tín hay nhắc đến khi được hỏi về con đường phía trước của giới kinh doanh, về việc chọn làm doanh nhân. Lần này cũng vậy, dù bối cảnh khó khăn đang chi phối nhiều kế hoạch của họ. “Những doanh nhân trẻ ý thức rất tốt việc làm doanh nhân cũng là thể hiện lòng yêu nước và mong muốn đóng góp cho đất nước. Đó là những tín hiệu đáng mừng, dù tôi rất thấm thía rằng, đốt lửa dễ hơn giữ lửa rất nhiều…”, ông Tín tâm sự.

Hồi đầu năm, khi phát biểu với cộng đồng doanh nhân trẻ, ông đã nói, làm doanh nhân là để làm giàu cho mình và đóng góp cho đất nước. Nhưng niềm vui của việc làm giàu, theo ông Tín, trước hết nên từ việc nhìn ra được bao nhiêu mảnh đời mà chúng ta có thể chạm đến và làm cho cuộc sống của họ tốt hơn mỗi ngày, không chỉ giới hạn trong số cổ đông hay gia đình của chúng ta, mà lan tỏa ra đến người lao động, đến các thành phần khác có gắn bó đến hệ sinh thái mà từng doanh nhân tạo ra...

Chia sẻ về bối cảnh hiện tại, một số chuyên gia kinh tế nói rằng, thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam đã bước sang giai đoạn phụng sự, thay vì kiếm tiền, nhưng thể chế, chính sách dường như chưa theo kịp. Thực trạng này  liệu có làm thế hệ doanh nhân trẻ chùn chân?

Có chùn chân, nhưng cũng có nhiều lựa chọn hơn cho lớp trẻ. Họ có nhiều lựa chọn hơn về môi trường kinh doanh do sử dụng ngoại ngữ tốt hơn và không ngại đi xa. Nhưng “đất lành thì chim đậu”. Ai là người Việt thì đương nhiên đã có sẵn tấm lòng với Đất Việt. Chọn lựa dễ nhất là chọn lựa... bằng chân, họ có thể tìm kiếm cơ hội ở nhiều nơi, trên khắp thế giới, nhưng chỉ cần có tín hiệu tốt, họ sẽ quay về.

Và họ sẽ là thế hệ đưa kinh tế Việt Nam đến vị trí thứ 10 thế giới về quy mô khi chúng ta còn sống, như điều ông từng nói?

Đưa kinh tế Việt Nam đến vị trí thứ 10 thế giới về quy mô đúng hơn là mong muốn của tôi, nhất là khi nhìn sang Hàn Quốc. Giả sử có thể chia nhỏ mục tiêu này ra cho từng lãnh đạo, cả lãnh đạo chính trị lẫn lãnh đạo doanh nghiệp, để mọi người biết chính xác mình cần đạt được gì cho mục tiêu chung đó, thì tôi xin xung phong nhận phần của tôi và sẵn sàng trả bằng mạng sống để đạt cho được.

Thực tâm, ông muốn làm gì cho đất nước, vì ông có cơ hội và điều kiện để làm được, chứ không chỉ là khát vọng, mong muốn?

Càng lúc, tôi càng thấm thía với khái niệm vòng tròn ảnh hưởng và vòng tròn quan tâm của Stephen Covey. Tôi sẽ không mất thời gian với những việc mình quan tâm, nhưng không thể tạo ảnh hưởng gì. Tôi còn việc kinh doanh và Vovinam. Làm tốt việc nào cũng là làm tốt cho đất nước. Và hiện tôi tập trung vào đó.

Ông có nghĩ đây cũng là những gì các doanh nhân khác đang làm?

Ít nhất thì những người tôi biết, trong thế hệ của chúng tôi, đã hết sức cố gắng. Tôi tin họ vẫn có thể làm hơn nữa, thậm chí là hy sinh quyền lợi riêng, khi có đủ niềm tin.  

Với tôi, Việt Nam là tổ quốc duy nhất, mỗi bước thăng trầm đều tác động tới tôi, bao gồm niềm vui khi nhìn thấy sự phát triển và nỗi đau khi phải chứng kiến sự tụt hậu.

Công dân nào cũng khát khao đóng góp phần mình cho tổ quốc. Nhưng đóng góp nhiều hay ít, dấn thân tuyệt đối hay bỏ mặc cho thế sự, lại tiếp tục là vấn đề của niềm tin.

Doanh nhân Mai Hữu Tín: Tất cả tỷ phú đều đã từng là các doanh nhân trẻ
Kinh doanh là cuộc đua không có điểm dừng và chắc chắn không dành cho những người thiếu năng lực học tập suốt đời. Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư