Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn EDX: Sẽ có “người khổng lồ Alibaba” phiên bản Việt
Vũ Anh - Anh Trung - 14/12/2017 22:55
 
Ví mình như một chiến binh Saiyan trong truyện Bảy viên ngọc rồng, sau mỗi trận chiến ngày càng mạnh mẽ hơn, Chủ tịch Nguyễn Đình Hùng của Tập đoàn EDX đang tôi luyện trở thành “ông lớn” trong kinh doanh trực tuyến toàn cầu.

Chuyện password máy tính “13tydola”

18 năm trước, trong hàng ngàn sinh viên trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội, có chàng sinh viên mải mê kiếm tiền với hiệu sách cũ đến nỗi suýt bị đúp vào năm thứ hai đại học, đó là Nguyễn Đình Hùng.

Kết thúc 2 năm đại cương, Hùng đăng ký vào Khoa Kinh tế và Quản lý - đúng nghề yêu thích. Hùng quyết định “dứt tình” với sách cũ, dọn vào ở trong ký túc xá để có thời gian lên thư viện học. Kết quả, Hùng đã nhận được học bổng các kỳ học sau này.

.
.

Năm 2003, Hùng được mời làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về quản lý (CRC) – Đại học Bách khoa Hà Nội. Môi trường làm việc tại CRC rất năng động, thoải mái, thu nhập cao. Hùng được giao phụ trách phần quan trọng trong Dự án vườn ươm khởi nghiệp, được làm việc với những người xuất sắc như thầy Trần Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn BK Holding hay Chủ tịch HĐQT Tổ hợp công nghệ Topica Phạm Minh Tuấn …

Dù vậy, khát vọng làm giàu của Hùng vẫn cháy bỏng.

“Tôi đặt mục tiêu xây dựng một tập đoàn kinh tế lớn, với quy mô tỷ USD. Để nuôi dưỡng mục tiêu này, tôi đã đặt password máy tính của mình là “13tydola” để nhớ và khắc sâu nó vào trong tâm trí”, Hùng chia sẻ lại những ngày đầu ấp ủ giấc mơ tỷ đô la. Ngay khi làm việc tại CRC, Hùng dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm  kiếm phương án chuẩn bị cho mục tiêu tưởng như rất xa vời đó.

Hai năm sau, với ý tưởng kinh doanh về công nghệ thông tin và Internet, Hùng quyết định nghỉ làm tại CRC, ra mở công ty riêng, với hành trang là 2,5 triệu đồng tiền lương của tháng cuối cùng tại CRC. Không quan hệ, không kinh nghiệm, Công ty nhanh chóng tan rã.

Không bỏ cuộc, Hùng tiếp tục mở ra Công ty cổ phần Tư vấn truyền thông Việt Nam (VNtelecom) với lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới lúc bấy giờ là dịch vụ nhắn tin giá trị gia tăng SMS đầu số gắn 8x20.

Không có vốn, Hùng thuyết phục gia đình, từ bố mẹ đến các cô bác trong dòng họ cho mượn sổ đỏ nhà đất để thế chấp ngân hàng, vay được 700 triệu đồng.

Giai đoạn 2006-2008, kinh doanh của Hùng lên như diều gặp gió, nhiều thời điểm, doanh thu hàng tháng trên 1 tỷ đồng.

Với dịch vụ nhắn tin đầu số 8x20, Hùng bắt tay được với hàng chục đài truyền hình từ trung ương đến địa phương để quảng cáo dịch vụ này. Cũng trong năm 2006, VNtelecom cùng một số cổ đông đã thành lập Tập đoàn Champion, mua độc quyền giờ vàng từ 7h45 - 22h trên kênh truyền hình VTC1, với mức giá 240 tỷ đồng cho 4 năm. Do khát vọng quá lớn, Hùng kêu gọi đại gia đầu tư vào để VNtelecom cất cánh, nhưng mâu thuẫn nội bộ với nhà đầu tư đã phá vỡ bệ đỡ này. Hùng phải bán lại toàn bộ cổ phần tại VNtelecom.

Nhưng con đường khởi nghiệp của Nguyễn Đình Hùng chưa chấm hết. Năm 2008, Hùng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Khai Minh, xây dựng nhà máy sản xuất protein từ hạt gạo tại quê hương, sử dụng công nghệ Mỹ. Song, do không có kinh nghiệm trong điều hành sản xuất, sản phẩm chưa đạt chất lượng, vốn không đủ để tiếp tục. Tháng 11/2008, trận lụt lịch sử ở Hà Nội khiến nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một lần nữa, Hùng phá sản.

Đợt phá sản này kéo theo hệ lụy rất lớn. Hùng vay vốn ngân hàng với số tiền lên đến trên 10 tỷ đồng, phải thế chấp 3 ngôi nhà, bán một căn hộ để trả chưa xong, nợ nần chồng chất.

Không vượt qua áp lực nợ nần, không còn niềm tin của gia đình, bạn bè, Hùng quyết định lui chân. Hùng tìm đến đạo Phật,  tu thiền, dạy thiền Yoga...

Tưởng rằng, đạo Phật, thiền, Yoga sẽ xoá đi khát vọng làm giàu của Hùng. Nhưng, số mệnh với thương trường của Hùng có lẽ đã được an định. Cuối năm 2014, Nguyễn Đình Hùng một lần nữa khởi nghiệp, lần này là Tập đoàn EDX.

Cá nhanh nuốt cá chậm

Với khuôn mặt nghiêm nghị, tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, đặc biệt sở hữu chất giọng hào sảng, Nguyễn Đình Hùng không giấu khát vọng làm giàu luôn cháy bỏng.

“Tôi nghĩ lớn, làm lớn, chẳng cần biết mình có năng lực thế nào, vốn bao nhiêu, kinh nghiệm hoặc quan hệ ra sao. Ai cũng nói tôi liều lĩnh, nông nổi và hiếu thắng. Vậy nên, tôi đã gặp vô vàn khó khăn trong mỗi lần khởi nghiệp”, Hùng chia sẻ.

Tập đoàn EDX được Ủy ban Chứng khoán phê chuẩn, chính thức trở thành Công ty đại chúng với vốn điều lệ 206,12 tỷ đồng. Trung tâm lưu ký chứng khoán cấp mã chứng khoán là EDX.

Doanh thu năm 2016 của EDX đạt 801 tỷ đồng.

EDX đã nộp hồ sơ niêm yết lên sàn chứng khoán HOSE tháng 4/2017 và dự kiến niêm yết vào quý I/2018.

Nhưng, có lẽ thách thức lớn nhất đối với Hùng chính là chiến thắng được chính mình. Hùng quyết không đi làm thuê, dù có nơi trả lương lên đến 2.000 USD/tháng. Sau mỗi lần thất bại, Hùng thấy chai lỳ hơn.

“Tôi tự ví mình như một chiến binh saiyan trong truyện Bảy viên ngọc rồng, sau mỗi trận chiến lại càng mạnh mẽ hơn”, Hùng chia sẻ.

Tập đoàn EDX với mục tiêu thành doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến số 1 ASEAN, đặt doanh thu tỷ USD đến năm 2020 và hứa hẹn là một đối thủ lợi hại. Hiện tại, EDX chọn đầu tư kinh doanh trực tuyến toàn cầu là lĩnh vực cốt lõi.

Ước tính, mới có 1% doanh nghiệp Việt Nam biết khai thác nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu để tìm đơn hàng xuất khẩu. 99% doanh nghiệp vẫn dựa vào kênh xuất khẩu truyền thống hoặc khai thác kênh kinh doanh trực tuyến cơ bản như website, email…

Trong khi đó, các nền tảng kinh doanh trực tuyến như Alibaba, Google, Facebook, eBay, Amazon... chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong thương mại toàn cầu.

Việc EDX trải qua nhiều khó khăn để trở thành đại diện uỷ quyền tại Việt Nam của Tập đoàn Alibaba hơn một năm trước, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu trực tuyến được Hùng cho là bệ phóng giúp EDX nhanh chạm mốc kỳ vọng.

Hiện, Alibaba có 3 đại lý ủy quyền ở Việt Nam là Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, Công ty Novaon. Vì không có đại lý ủy quyền độc quyền tại Việt Nam, các đại lý ủy quyền của Alibaba sẽ phải cạnh tranh bằng dịch vụ, năng lực tư vấn để thu hút khách hàng cho Alibaba. Khách hàng là người được hưởng lợi đầu tiên nhờ chính sách này.

Để nâng hạng trong cuộc đua gay cấn này, EDX liên kết với Trường đại học Đông Đô, đầu tư 100% vốn thành lập Khoa Thương mại điện tử để tuyển sinh và đào tạo nhân sự cốt lõi cho EDX. Ba năm tới, EDX sẽ có trên 2.800 nhân sự bán hàng thương mại điện tử.

Thị trường mục tiêu mà EDX hướng đến là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, người tiêu dùng ASEAN, doanh nghiệp vừa và lớn ở khu vực châu Phi, châu Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng châu Âu, nơi Amazon có trung tâm kho hàng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng, ngấm sâu trên toàn thế giới. Mọi thứ thay đổi như vũ bão, thậm chí cụm từ “cá lớn nuốt cá bé” được thay thế bằng “cá nhanh nuốt cá chậm”. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa chuẩn bị nền tảng để thay đổi. EDX muốn góp phần thay đổi tình trạng đó, bằng cách trở thành một “ông lớn Alibaba” phiên bản Việt...

Dù thế nào thì với tầm tay của “kẻ liều lĩnh”, đầy tham vọng làm giàu như Nguyễn Đình Hùng, mọi việc có đi ắt có đến.

Trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Đình Hùng

Trong điều hành kinh doanh, anh tin vào điều gì?

Sống có ý nghĩa. Làm việc hết mình vì đam mê. Thành công và hạnh phúc chắc chắn sẽ đến.

Điều gì sẽ đưa EDX thành doanh nghiệp trường tồn như anh mong muốn?

Xây dựng đội ngũ nhân sự làm việc hết mình vì đam mê. Mọi người đều tự giác và chủ động trong công việc, tự do làm những điều mình muốn mà không lo bị chỉ trích, bị phạt khi mình nói sai, làm sai.

Trong những lần thất bại, anh được gì?

Cơ hội được sai lầm, được thất bại, được sửa sai. Cũng nhờ bắt đầu khởi nghiệp sớm, ở độ tuổi có quyền làm tất cả điều này.

Từ nào miêu tả đúng nhất với anh trong làm giàu?

Kiến tha lâu đầy tổ.

Điều gì anh chưa làm được khi lãnh đạo EDX?

Cởi mở, thân thiện và chân thành. Tôi muốn xây dựng mô hình doanh nghiệp không có sếp, không có khoảng cách giữa nhân viên và lãnh đạo.
Đến lượt doanh nghiệp Malaysia nhảy vào thanh toán trực tuyến ở Việt Nam
GHL Systems Berhad (Malaysia) và Công ty cổ phần Công nghệ MPOS Việt Nam đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực chấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư