Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Quốc Tuấn: Luôn sẵn sàng cho sự thay đổi
Thu Phương - 11/02/2019 15:14
 
Nếu như niềm đam mê làm ra những sản phẩm phục vụ phái đẹp là động lực để doanh nhân Nguyễn Quốc Tuấn cùng các cộng sự sáng lập ra Juno, thì tinh thần luôn sẵn sàng cho sự thay đổi là một trong những yếu tố quan trọng giúp anh cùng Juno vươn tới thành công.
.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Tuấn.

Phát triển lại từ đầu

Tính đến thời điểm hiện tại, Juno - thương hiệu thời trang giày dép, túi xách cho phụ nữ - có 81 cửa hàng và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Juno đã hiện diện ở 30 tỉnh, thành phố; trong đó, 2 thị trường chính là TP.HCM và Hà Nội có độ phủ thương hiệu hơn 80%. Cùng với số lượng cửa hàng, lượng hàng hóa bán ra và doanh thu của Juno cũng phát triển theo tỷ lệ thuận: năm 2017, Juno bán ra 2,5 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 400 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2016; năm 2018, Juno nâng số lượng bán ra lên 4 triệu sản phẩm.

Từ xuất phát điểm là một xưởng sản xuất giày quy mô nhỏ, thương hiệu Juno ra đời với sự tham gia của Nguyễn Quốc Tuấn  và hai người bạn cùng xuất thân là những người làm kỹ thuật. Tuy nhiên, sau gần 10 năm ra đời, đến năm 2014, Juno vẫn chỉ phát triển khiêm tốn với 6 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Cho đến khi lọt vào “tầm ngắm”, được hỗ trợ về kinh nghiệm và vốn của Seedcom - công ty chuyên đầu tư vào các start-up của ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập Thế giới Di động, thì Juno mới thật sự “lột xác”.

“Khi Seedcom đầu tư, Công ty gần như làm lại từ đầu, chỉ giữ lại đúng thương hiệu Juno. Từ đây, Juno bắt đầu hành trình phát triển mới”, anh Tuấn chia sẻ.

Khai phá thị trường tiềm năng trong nước

Được Seedcom tiếp thêm sức sống, bước đầu tiên, anh Tuấn cùng đội ngũ Juno nỗ lực tập trung phát triển thị trường tiềm năng trong nước.

Việt Nam được xem là công xưởng của thế giới trong ngành da giày và là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu giày dép. Tuy nhiên, điểm yếu của các công ty da giày, túi xách Việt là thương hiệu yếu, phần lớn thực hiện gia công với biên lợi nhuận thấp. Vì vậy, xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam” là ước mơ của không ít doanh nghiệp trong nước, trong đó có Juno.

“Thị trường giày dép trong nước bị bỏ ngỏ, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm từ Trung Quốc và các nước khác, người Việt sử dụng giày dép Việt chưa nhiều. Do đó, chúng tôi mong muốn làm ra sản phẩm để người Việt sử dụng hàng Việt chất lượng”, anh Tuấn tâm sự.

Đi ngược lại xu hướng của đa số doanh nghiệp giày dép trong nước, anh cùng đội ngũ sáng lập, điều hành định hướng cho Juno tập trung sản xuất giày dép “Made in Vietnam” ở phân khúc đại chúng, nhắm đến đối tượng khách hàng từ 18 - 40 tuổi.

Đặc biệt, Juno thực hiện chiến lược mở rộng chuỗi cửa hàng nhanh và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Đây cũng là định hướng mục tiêu được nhà đầu tư Seedcom đặt ra cho Juno, mà theo lời của ông Đinh Anh Huân, là “làm sao để chị em cứ đi vài cây số là có một cửa hàng giày của Juno”. Nhiều người cho rằng, Juno dường như trở thành “bản sao” của Thế giới Di động khi liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng.

Tuy nhiên, khi triển khai những mục tiêu đặt ra, Juno gặp không ít trở ngại, bắt đầu từ việc tìm mặt bằng kinh doanh. “Thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển nóng, gây ra áp lực lớn về mặt bằng kinh doanh. Hiện tại, việc tìm kiếm mặt bằng để mở cửa hàng khó hơn rất nhiều so với cách đây 2 - 3 năm. Do nhiều đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu về mặt bằng, nên các vị trí đẹp bị tranh giành quyết liệt”, CEO Juno bộc bạch.

Nỗ lực khắc phục khó khăn, Juno xác định tập trung vào một vài giá trị cốt lõi, trong đó có sản phẩm. Sản phẩm Juno do đội ngũ của Công ty tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Juno định hướng tạo ra những sản phẩm đẹp, thời trang, bắt kịp xu hướng và có giá cả hợp lý. Hiện tại, đội ngũ thiết kế của Juno cũng cho ra đời cả những thiết kế riêng, độc quyền, một điều hiếm gặp ở thị trường thời trang Việt Nam.

Công nghệ dẫn lối

Với chiến lược bài bản, song song việc gia tăng số lượng cửa hàng, phát triển chuỗi nhanh, Juno rất chú trọng đầu tư công nghệ. Theo anh Tuấn, ngành bán lẻ hiện đại phải phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Các “ông lớn” như Amazon hay Alibaba đều có hệ thống công nghệ tốt thì mới có thể phát triển mạnh như hiện tại. Bởi vậy, một mô hình bán lẻ hiện đại như Juno cũng cần phải phát triển cùng với công nghệ.

“Trước đây, khi Juno có 1 - 2 cửa hàng, người quản lý còn có thể chạy đi, chạy lại, nhưng khi đã phát triển lên đến gần 100 cửa hàng, rải khắp các thành phố, thì không thể quản lý thủ công”, CEO Juno chia sẻ.

Cùng với quản lý, công việc bán hàng cũng vậy, khi đơn hàng lên đến hàng ngàn lượt mỗi ngày, thì cần có hệ thống để xử lý.

“Công nghệ hỗ trợ quản lý hàng hoá, quản lý con người, giúp các cửa hàng vận hành trơn tru mà không cần bổ sung nhân viên. Mặt khác, công nghệ còn hỗ trợ Juno trong việc tiếp cận khách hàng. Nếu những ngày đầu, website của Juno rất ít lượt truy cập và mua hàng thì hiện tại, trung bình mỗi tháng có gần 2 triệu lượt truy cập”, anh Tuấn nói.

Cũng nhờ ứng dụng công nghệ, Juno có thể đưa ra thị trường hơn 30 mẫu giày và túi xách mỗi tháng, thời gian quay vòng mỗi mặt hàng là 3 tháng, thậm chí ít hơn. Hệ thống công nghệ tự điều chỉnh số lượng hàng hóa và tự đề xuất chia hàng theo nhu cầu từng khu vực. Bên cạnh đó, nhờ dự đoán được nhu cầu sản phẩm tiêu thụ từ dữ liệu trong hệ thống, năm 2017, Juno tiết kiệm được khoảng 30% chi phí đặt hàng nguyên liệu so với năm 2016, dù sản lượng bán ra cao hơn.

Định hướng phát triển công nghệ trong hoạt động kinh doanh và có được những thành quả nhờ công nghệ của Juno là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Một phần vì CEO của Juno xuất thân từ “dân công nghệ”, đội ngũ lãnh đạo, cố vấn giỏi về công nghệ, có tầm nhìn chiến lược và một phần không kém quan trọng là nhờ định hướng của Seedcom.

“Tôi nghĩ, sự khác biệt lớn nhất của doanh nghiệp nằm ở chiến lược, tầm nhìn. Thị trường luôn thay đổi và chúng tôi cũng luôn chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi. Cách đây 4 năm, đội ngũ lãnh đạo Juno đã nhìn thấy tiềm năng phát triển mạnh của thương mại điện tử, nên đã thực hiện chiến lược bán hàng theo cả hai hướng online và offline, trong đó, điểm nhấn là sự chuẩn bị, đầu tư công nghệ để phát triển kênh bán hàng online. Nếu chỉ đi theo hướng bán lẻ truyền thống, thì chắc chắn, Juno không thể thành công như hiện tại”, Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định.

CEO của Juno cũng cho rằng, trong kinh doanh cũng như cuộc sống, nếu bản thân không nhìn thấy trước được sự thay đổi trong tương lai và không chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi, thì khả năng thất bại sẽ rất cao.

“Trên thực tế, một số thương hiệu thời trang từng rất đình đám, nhưng khi thị trường chuyển mình, họ không có sự chuẩn bị, nên đã nhanh chóng biến mất khỏi thị trường”, anh Tuấn lấy ví dụ và tiết lộ, Juno luôn có định hướng, kế hoạch và chuẩn bị cho 3 - 4 năm tới. Sự hình dung, tính toán có thể không hoàn toàn chuẩn xác, nhưng nếu không tính toán, không dám “đi trước, đón đầu”, thì doanh nghiệp rất có thể sẽ rơi vào thế bị động...

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, CEO Juno cho biết, Công ty sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm và đẩy mạnh các thiết kế riêng, hoàn thiện quy trình hệ thống, dịch vụ giao hàng, thanh toán điện tử, đặc biệt là tiếp tục mở rộng ở các trung tâm thương mại.

Tôi là người sống có kỷ luật

Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin tại Pháp, là dân công nghệ, tại sao anh lại chuyển sang kinh doanh giày dép?

Tôi thích làm ra những sản phẩm cho phụ nữ. “Team Juno” phần lớn là đàn ông, nhưng rất thích sáng tạo, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dành cho nữ giới. Về kinh doanh giày dép, cũng có thể nói là duyên số (cười) và những kiến thức về công nghệ đã ít nhiều giúp tôi thực hiện chiến lược phát triển Juno.

Chiến lược phát triển chuỗi của Juno có bị ảnh hưởng từ nhà đầu tư Seedcom và Thế giới Di động?

Có và không!

Có, bởi vì những điều Thế giới Di động làm tốt, không chỉ Juno đi theo, mà cả thị trường cũng phải học hỏi.

Không, bởi Juno là công ty thời trang, khác với kinh doanh điện thoại di động và Juno có những hướng đi riêng phù hợp với mặt hàng thời trang.

Anh thường tham gia các cuộc thi chạy, sở thích này có ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu phát triển chuỗi nhanh của Juno?

Tôi nghĩ, điều đó liên quan nhiều đến tinh thần và bản lĩnh trong kinh doanh.

Tôi hay tham gia ba môn chạy phối hợp, bởi tôi tìm thấy ở những môn thể thao đó nhiều điểm tương đồng với việc kinh doanh. Tôi hay đặt mục tiêu cao và xa, nên thất bại cũng nhiều. Nhưng tôi thích nỗ lực để vượt qua những giới hạn của bản thân và tôi là người sống có kỷ luật.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư