Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Thanh Hiền: Đưa “vị cay” Việt đi khắp năm châu
Gia Hân - 08/09/2024 08:01
 
Doanh nhân Nguyễn Thanh Hiền nghiên cứu và vận dụng thành công phương pháp sản xuất tương ớt bằng cách lên men với giấm gạo trong 12 tháng và đưa Chilica trở thành thương hiệu tương ớt lên men đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang hàng chục quốc gia.
doanh nhân Nguyễn Thanh Hiền, CEO Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare
Doanh nhân Nguyễn Thanh Hiền, CEO Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare.

Khởi nghiệp từ mong muốn giải quyết đầu ra cho nông sản

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, ông Nguyễn Thanh Hiền có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu vi sinh trong nuôi trồng thuỷ sản. Người đàn ông sinh năm 1971 này luôn đau đáu với vấn đề “giải quyết đầu ra” cho nông sản Việt Nam.

Nhận thấy, vùng nguyên liệu ớt tại các huyện Tam Nông, Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) rộng lớn, chất lượng ớt hàng đầu Việt Nam, thổ nhưỡng phù hợp đã giúp trái ớt nơi đây mang nhiều đặc trưng như màu sắc đẹp, đều, vị cay thanh, có hương thơm, nhưng luôn gặp cảnh “được giá - mất mùa”, “mất mùa - được giá”, nhiều nông dân dần nản chí, ông Hiền dồn tâm huyết để giải quyết đầu ra cũng như đưa hương vị ớt nơi đây đi khắp năm châu.

“Tôi chọn ớt để khởi nghiệp vì đây là gia vị rất cần thiết trong đời sống, ăn uống của người dân, nhưng năm nào cũng bị cảnh giải cứu. Tôi muốn làm sao để người dân đừng bỏ nghề”, ông Hiền nói về lý do chọn ớt để khởi nghiệp.

Chilica là thương hiệu tương ớt lên men đầu tiên của Việt Nam và thứ 3 trên thế giới, sau 2 doanh nghiệp tại Mỹ. Nhờ thành công với vai trò tiên phong, đạt đủ các tiêu chuẩn quốc tế như BRC, HACCP, tương ớt Chilica đang được xuất khẩu sang hàng chục thị trường, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc, Cộng hoà Séc, UAE…

Ông Hiền cho biết, dù nhiều lợi thế, nhưng hiện tại, có tới 80% trái ớt được bán tươi và chỉ 20% qua chế biến. Trong khi đó, bán tươi có giá thấp và bấp bênh vì phụ thuộc nhiều vào cung - cầu của thị trường, nên chưa nâng tầm được loại quả này.

“Mình chọn được nguyên liệu tốt rồi, thì phải nâng được tầm giá trị nó lên nhiều lần và xuất khẩu đi nhiều nơi. Nghĩa là, chất lượng tốt cho ra sản phẩm tốt, giá cao. Như vậy, mình nâng giá thu mua nguyên liệu cho bà con, giúp họ có cuộc sống tốt hơn, không nản chí mà bỏ nghề”, ông Hiền tâm tư.

Chính thức sản xuất năm 2020, nhưng phải mua nguyên liệu trước một năm, ông Hiền luôn đảm bảo mua  ớt cho bà con với giá không dưới 25.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân có thể canh tác lâu dài với cây ớt.

“Sự hỗ trợ của chúng tôi là đảm bảo mức tối thiểu 25.000 đồng/kg ở thời điểm ớt rớt giá. Với mức giá này, người trồng ớt có lãi. Còn nếu giá thị trường lên cao, bà con có thể chủ động bán theo thị trường”, ông Hiền cho biết.

Đó cũng là cách mà ông chủ thương hiệu Chilica giải quyết bài toán giá nguyên liệu lên xuống theo quy luật cung - cầu.

Thương hiệu ớt lên men đầu tiên của Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Hiền cho biết, trên thị trường hiện có nhiều thương hiệu tương ớt, sản phẩm rất đa dạng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Song hầu hết sản phẩm này chưa đáp ứng hương vị, màu sắc tự nhiên. Vì thế, tháng 6/2020, thương hiệu tương ớt Chilica chính thức tung ra thị trường sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm.

Điểm khác biệt của tương ớt Chilica là sản phẩm được tạo ra bằng phương pháp lên men ớt bằng giấm gạo, chứ không gia nhiệt hoặc sử dụng hợp chất axit acetic như các loại khác.

“Hiện nay, 99% tương ớt trên thế giới sản xuất phải qua gia nhiệt (làm chín sản phẩm, kiểm soát vi khuẩn), làm mất đi giá trị nguyên bản của ớt tươi. Với kinh nghiệm, hiểu biết qua 30 năm ứng dụng vi sinh trong nuôi trồng thủy sản, tôi muốn ứng dụng vào tương ớt lên men. Tại Tomcare, 100% ớt tươi được sử dụng phương pháp lên men với giấm gạo trong vòng 12 tháng, hoàn toàn không qua gia nhiệt, giúp giữ nguyên hương vị, màu sắc và các giá trị dinh dưỡng của ớt, mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của thế giới”, ông Hiền chia sẻ bí quyết.

Ông chủ thương hiệu Chilica cho biết thêm, nhờ kinh nghiệm hàng chục năm nghiên cứu rõ về hoạt động, tác động của vi sinh vật kết hợp với phương pháp lên men lâu đời của nông dân trong muối dưa, cà…, ông đã thành công trong việc đồng nhất, chuẩn hoá chất lượng tương ớt.

“Chỉ có lên men mới giữ được màu sắc, mùi vị, độ cay tự nhiên của ớt, chứ nấu chín thì sẽ mất những tính chất này. Vì thế, người ta phải dùng hoá chất, phụ gia để khôi phục hương vị, màu sắc. Điều này gần như 100% doanh nghiệp khác đang làm. Vì thế, hướng đi của thương hiệu Chilica là ngã rẽ khác”, ông Hiền nói.

Chilica trở thành thương hiệu tương ớt lên men đầu tiên của Việt Nam và thứ 3 trên thế giới sản xuất theo phương pháp này (sau 2 doanh nghiệp ở Mỹ). Nhờ thành công với vai trò tiên phong, đạt đủ các tiêu chuẩn quốc tế như BRC, HACCP, hiện tại, tương ớt Chilica xuất khẩu sang hàng chục thị trường, kể cả thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc, Cộng hoà Séc, UAE, Trung Quốc…

Dù “một mình một ngựa” ở phân khúc này, song ông chủ thương hiệu Chilica cho biết, ông phải trải qua hàng ngàn lần thất bại mới có được hương vị như hôm nay. Theo ông Hiền, thời gian nghiên cứu để cho ra dây chuyền sản xuất như hiện nay phải mất hơn 5 năm thử nghiệm và liên tục thất bại.

“Khó nhất là công nghệ bảo quản, vệ sinh vì phải theo dõi kỹ lưỡng, vì thời gian lên men một mẻ thành phẩm phải mất tới 12 tháng. Chất lượng, màu sắc trong những tháng đầu có thể tốt, nhưng sau đó lại không. Chính vì vậy, thất bại liên tục đến 5 năm mới đồng nhất được chuẩn sản phẩm để đưa ra thị trường”, ông Hiền kể về những khó khăn.

Thêm nữa, để đảm bảo chất lượng sản phẩm thuần Việt, ông Hiền đã dùng giấm gạo để lên men ớt và quá trình nuôi ủ giấm cũng rất gian truân.

Giấc mơ triệu USD

Ngay từ đầu, Tomcare vạch ra cho mình hướng đi là đánh vào 3 dòng sản phẩm, gồm ớt bằm, ớt bằm có tỏi và tương ớt chuẩn organic. Đến nay, sản phẩm của Công ty có tới 99% được xuất khẩu.

Dù chỉ mới “chào sân” khoảng 4 năm, nhưng doanh thu năm 2023 của Công ty đạt 25 tỷ đồng, với lợi nhuận ròng 6 tỷ đồng. Đáng nói là, thời điểm đó, Công ty chỉ có nhà máy sản xuất quy mô 1.000 m2, nên không thể đáp ứng các đơn hàng ồ ạt.

“Từ năm 2024, chúng tôi mở rộng quy mô nhà máy lên gấp 10 lần. Hiện nay, nhiều đơn vị đặt hàng gia công với số lượng cực lớn, nhà máy quy mô nhỏ không thể đáp ứng. Với quy mô mở rộng, Công ty có khả năng xử lý 30 tấn ớt tươi trong một ngày ”, ông chủ thương hiệu Chilica chia sẻ.

Mới đây, trong lần gọi vốn tại chương trình Shark Tank, ông Hiền định giá doanh nghiệp sau khi rót vốn là 10 triệu USD.

Dù có nhiều ý kiến trái chiều về con số này, nhưng theo ông Hiền, Công ty hiện chỉ có hai đối thủ ở Mỹ, trong đó có thương hiệu Sriracha nổi tiếng. Ông cũng tự tin rằng, sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng bán được hết, bởi theo thông tin tại các hội chợ, nhu cầu đặt hàng đang rất lớn.

Chilica hiện được bảo hộ thương hiệu tại 35 quốc gia. Điều này cho thấy chiến lược đi đầu của Công ty trong định vị thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Để chế biến tương ớt bằng phương pháp ủ lên men tự nhiên, bên cạnh dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại (tổng vốn đầu tư hơn 1,5 triệu USD), ông Hiền còn thuê hẳn đội ngũ nghiên cứu, sáng tạo.

Nhằm quảng bá sâu, rộng thương hiệu, ông chủ Chilica rất “hăng say” trong việc quảng bá chất lượng sản phẩm tại các hội chợ. Có thời gian, chỉ trong vòng 6 tháng, Chilica có mặt tại 22 hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.

Đồng thời, với quyết tâm của mình, ông Hiền còn viết “tâm thư” gửi các thương vụ Việt Nam tại 100 nước. Nhờ vậy, nhiều quốc gia biết đến và sử dụng sản phẩm Chilica như hiện nay.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Huyền, Chủ tịch HĐQT Mia Group: Nâng cấp với nông nghiệp bền vững
Không chỉ dừng lại ở việc đưa nông sản Việt vươn xa, doanh nhân Nguyễn Ngọc Huyền đang nỗ lực không ngừng trong hành trình tham gia thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư