Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải: “Nếu nghĩ cho mình, tôi đã dừng lại”
Thanh Hương - 02/12/2016 08:00
 
Gần đây ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) không chỉ nói về ô tô, về công nghiệp phụ trợ, mà ông bắt đầu nói nhiều về khởi nghiệp, về tinh thần kinh doanh, về con đường không có điểm dừng của những doanh nhân. “Nếu chỉ nghĩ cho mình, cho gia đình mình, tôi đã dừng lại”, ông Dương nói.
TIN LIÊN QUAN

1.

Với giới khởi nghiệp Việt, sự xuất hiện của ông Trần Bá Dương tại Chương trình Phát động Thanh niên khởi nghiệp của Trung ương Đoàn vào cuối tháng 10 vừa qua tại Hà Nội chứa đựng nhiều thông điệp.

Suốt cả năm vừa rồi, ông đi nhiều, dự nhiều cuộc gặp mặt của cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ nhiều về tinh thần của doanh nghiệp, doanh nhân Việt, về triết lý tạo ra giá trị của người kinh doanh…

.
.

Ông không chỉ nói. 200 tỷ đồng đã được ông - với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải - vừa đặt bút ký với Trung ương Đoàn hỗ trợ cho quỹ đầu tư khởi nghiệp, chỉ là một trong số nhiều kế hoạch hỗ trợ doanh nhân trẻ mà ông đã theo đuổi liên tục nhiều năm qua.

“Giới trẻ có rất nhiều ý tưởng, giống như chúng tôi hơn 20 năm trước. Nhưng trước đây, chúng tôi phải tự mày mò, không có nhiều doanh nghiệp đàn anh trợ giúp, thì nay, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, biến chúng thành hiện thực, để có lợi nhuận. Sau này, khi các bạn trẻ thành công, họ sẽ lại tiếp tục trách nhiệm cổ vũ và nâng đỡ những ý tưởng khởi nghiệp mới của những thế hệ tiếp theo. Đó không chỉ là niềm vui, đam mê, mà chúng tôi xác định đó là trách nhiệm của người kinh doanh. Doanh nhân không chỉ và không nên chỉ kinh doanh để kiếm sống, mà cần phải xác định tạo ra giá trị gì cho xã hội”, ông Dương lý giải.

Nghĩa là, ông Dương không chỉ mở thêm cơ hội để những người khởi nghiệp trẻ đi nhanh hơn trên con đường biến ý tưởng thành hiện thực, mà ông còn đặt luôn trách nhiệm để họ phải có trách nhiệm “tiếp sức” khi bước chân vào con đường kinh doanh. Nhiều người đã nói, với ai đó, việc chuyển giao như vậy còn nhiều điều để bàn, nhưng với… “Dương Trường Hải”, ông có thể làm việc này.

2.

Vào đầu thế kỷ này, nhắc tới xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) là nhắc tới những trảng cát mùa nắng loá nhức mắt, mùa mưa sũng nước, đến mức chẳng ai bàn xem trồng cấy gì, vì chẳng có cây nào chịu nổi sự khắc nghiệt đó. Người dân Núi Thành vẫn quen cứ đến mùa nắng là phải cắt vải tròng vào chân cho gà để… chống nóng!

Ấy vậy mà đến giờ, Tam Hiệp, Núi Thành đang là một địa điểm đầu tư, thành nơi nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tìm đến. Những trảng cát nhức mắt đã được thay dần bằng màu xanh trong khuôn viên các nhà máy, trong khu nhà ở của công nhân… Sự thay đổi này hẳn có phần công lớn của ông Dương, kể từ ngày ông quyết định chọn Tam Hiệp để xây dựng Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải.

Tất nhiên, ông không nói như vậy, nhưng chặng đường gần 15 năm qua, kể từ năm 2003, khi Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải được động thổ xây dựng tại Khu Kinh tế mở Chu Lai đã nói lên điều đó.

Hồi đó, cơ sở lắp ráp ô tô của Trường Hải tại Biên Hòa (Đồng Nai) đang mang lợi nhuận tốt. Mặc dù được ghi nhận là một trong những doanh nhân trẻ nhiều tiềm năng, nhưng với ông Dương, mọi việc chưa đủ cho khát vọng đường dài.

Sau này ông có nói, đã bắt tay vào kinh doanh thì rất khó dừng lại, vì trách nhiệm không chỉ với một vài người trong gia đình mà là hàng chục, hàng trăm, rồi hàng ngàn lao động.

Những lúc đó, ông nghĩ, Trường Hải không thể chỉ làm mỗi xe tải, rồi không thể chỉ làm xe bus…; cũng không thể chỉ bắt tay với Kia, Mazda hay Peugeot.

Vậy là Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải ra đời với đầy đủ các phân khu phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ và cả đào tạo nguồn nhân lực. Có thể nói, mô hình này thể hiện rõ nhất chủ thuyết trong phương pháp quản trị của ông Dương, đó là “kết hợp tạo lợi thế, chuyên biệt để hiệu quả”.

Có thể ví dụ như khi bắt đầu sản xuất, lắp ráp ô tô tại Chu Lai, trong nhà máy xe tải có bao gồm cả nhà máy xe bus, tới khi dung lượng thị trường đủ lớn, Trường Hải đã lập thêm nhà máy xe bus mới trong khi nhà máy xe tải vẫn tiếp tục mở rộng quy mô.

Hay như cách làm với mặt hàng xe con, vốn rất cạnh tranh với nhiều thương hiệu lớn. Năm 2012, khi bắt đầu lắp ráp thương hiệu Mazda, Trường Hải đã chọn xây nhà máy “quy mô xinh xinh”, phù hợp với thị trường khá đìu hiu khi đó, bởi nếu triển khai nhà máy quy mô hoành tráng sẽ cầm chắc thất bại.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 3 năm tham gia thị trường, tạo dựng được đầu ra, Dự án Sản xuất, lắp ráp xe Mazda quy mô 100.000 xe/năm đã được Trường Hải sẵn sàng triển khai để tạo sự đột phá cho mốc  năm 2018. Nhưng cũng không vì có nhà máy mới quy mô lớn mà Nhà máy Mazda cũ bị dỡ bỏ. Trái lại, nó vẫn tồn tại và được phục vụ lắp ráp xe Peugoet bởi dung lượng thị trường của dòng xe này phù hợp với quy mô của nhà máy cũ.

Nhờ vậy, mà trong khi nhiều doanh nghiệp cả trong nước và ngoài nước lúng túng với mục tiêu nội địa  hóa, Trường Hải không chỉ làm được, mà còn đang thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, lắp ráp của chính mình.

3. 

Đầu tư vào lĩnh vực gai góc nhất của ngành công nghiệp là cơ khí chế tạo, nên ông Dương nhận diện rất rõ những thách thức mà ông phải đương đầu. Đó là sự thay đổi liên tục của công nghệ và sức ép cạnh tranh không có điểm dừng.

“Tôi rút ra bài học từ chính con đường tôi đã chọn, đã đi, đó là làm công nghiệp đòi hỏi có ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi không, có sức nuôi khát vọng ngay từ đầu không. Sẽ thất bại nếu chọn cách cứ làm đã, chiến lược tính sau”, ông Dương nói.

Chắc chắn vậy. Nếu không có chiến lược và tầm nhìn dài hạn, ông Dương chắc chỉ có Biên Hòa, chứ khó có thể có Trường Hải - Chu Lai. Nếu không có sức nuôi khát vọng, ông sẽ khó thuyết phục các cộng sự vượt qua những trảng cát nóng bỏng, khô cằn để đặt những viên gạch đầu tiên cho Khu phức hợp hiện tại…

“Khi bắt đầu khởi công Khu phức hợp Trường Hải - Chu Lại, tôi 40 tuổi, đầy nhiệt huyết, muốn dấn thân và đã dám dẫn thân. Bây giờ, tôi vẫn không thể dừng lại”, ông nói.

Phát triển công nghiệp ô tô thực tế là một cuộc đua không có điểm dừng, bởi đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, phải đầu tư chiều sâu và liên tục tái đầu tư. Những người làm ô tô đều hiểu, lợi nhuận thu từ ngành này nhìn số thì to, chứ so với yêu cầu tái đầu tư của ngành này luôn là không đủ. Năm nay, Trường Hải có thể lãi 7.500 tỷ đồng, nhưng chả thấm vào đâu nếu so với nhu cầu đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng từ nay tới năm 2018.

Ông Dương cũng nói, công nghiệp ô tô đòi hỏi sự tổng hợp và công nghệ cao, chứ không đơn thuần như nhiều người vẫn nghĩ. Ngành này đòi hỏi không chỉ giỏi bán hàng, giỏi công nghệ, giỏi quản trị, mà cần bám được vào chuẩn mức và tiêu chí liên tục tăng lên của thị trường thế giới. Trong khi đó, nguồn lực đổ vào cũng không nhỏ, nên doanh nghiệp buộc phải tính toán dòng tiền.

Hiện tại, ông Dương và Trường Hải không chỉ dừng lại ở ô tô. Có lẽ đây là bài toán chia trứng vào nhiều giỏ để tránh rủi ro, như cách ông vẫn chia sẻ với giới trẻ.

“Tôi cần cùng lúc làm vài ba ngành nghề, để có thể chống đỡ cho nhau khi một ngành nào đó bất ổn. Tôi luôn quan niệm, nếu làm được gì sẽ làm hết mình để đóng góp cho kinh tế đất nước. Hiện tại đã làm đầu tư hạ tầng, công nghiệp ô tô và sắp tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp”, thủ lĩnh của Trường Hải nói.

Ông lại nhắc tới nỗi đau khi “nhiều người dân Việt Nam có tiền nhập khẩu gạo từ Nhật Bản về ăn, thì tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại không làm được gạo chất lượng cao”.

Ông Dương nói, Trường Hải sẽ phát triển các loại máy nông nghiệp thông qua liên doanh với đối tác Hàn Quốc. Dựa trên lợi thế sẵn có của ngành ô tô đang làm, các máy móc nông nghiệp của Trường Hải có thể nhanh chóng đạt tỷ lệ nội địa hoá hơn 50%.

Ông cũng nói, sẽ thí điểm một vài mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng công nghiệp hoá từ khâu gieo trồng, thu hoạch, quảng bá sản phẩm, xuất khẩu sang Nhật Bản.

Và sẽ còn nhiều công việc kéo theo. Đúng là ông khó có thể dừng lại được nữa.

4.

Hỏi ông Dương, thành công của ông nhờ “thiên thời, địa lợi” hay “trời đãi người chịu khó”, ông thừa nhận, có yếu tố may mắn, vì cuộc đời kinh doanh cũng nhiều nghiệt ngã, nếu thiếu may mắn thì cũng khó thành công.

Nhưng may mắn không bao giờ đến mãi và không bao giờ là 99%. “Với tôi, 1% là may mắn, còn 99% là lao động, mồ hôi và nước mắt”.

Trò chuyện với Doanh nhân Trần Bá Dương:

Trong chặng đường kinh doanh, có lúc nào ông gặp cảm giác, đã trót đâm lao phải theo lao không?

Câu nói đó hơi thụ động, với tôi thì không hề thụ động. Nếu bị động mà đạt được kết quả tốt có thể sinh ra tự mãn. Còn nếu ở vào thế chủ động thì được kết quả này sẽ đi tiếp, đi tiếp và luôn có mục tiêu để vươn lên.

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với giới trẻ, ông muốn nói điều gì?

Đầu tiên phải có triết lý kinh doanh, sau đó đưa ra các quan điểm, nguyên tắc để định hướng cho nghiệp vụ, ngành nghề kinh doanh; phải xây dựng chiến lược hết sức đúng đắn và khác biệt. Có chiến lược rồi phải có phương thức và phương pháp quản trị. Và cần có đội ngũ phù hợp với triết lý, chấp nhận các quan điểm, nguyên tắc của mình, phù hợp với chiến lược và phương pháp quản trị của mình.

Mỗi năm ông dành bao nhiêu thời gian để học các chương trình đào tạo quản lý, quản trị kinh doanh...?

Tôi thực sự chưa từng đến trường học quản trị theo đúng nghĩa, nhưng tôi đọc rất nhiều sách và suy nghĩ cách làm. Nếu có đam mê và quyết tâm, sẽ biết cách học và làm hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư