Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Trần Đăng Nam: Làm thì có thể không chắc thắng, nhưng không làm thì chắc chắn thua
Khánh An - 20/11/2021 08:36
 
“Quản lý một chuỗi cung ứng chưa bao giờ là một câu chuyện dễ để kể, nhưng lại là một câu chuyện đầy hấp dẫn”, ông Trần Đăng Nam viết như vậy trong thư ngỏ gửi đối tác.
Ảnh minh họa.
Doanh nhân Trần Đăng Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Dolphin Sea Air Services Corp

1.

Năm 2021 sẽ là một năm không dễ kể với Dolphin Sea Air Services Corp. cũng như ngành logistics. Chưa bao giờ từ khóa “logistics” lại nổi như vậy, ở nhiều góc độ.

Suốt 2 năm liền, nhất là trong đợt dịch lần thứ tư vừa qua, các nhà vận chuyển cố gắng tìm mọi cách vượt qua vô vàn rào cản chưa từng có tiền lệ, để nối các đứt gãy trong sản xuất, lưu thông. Nhưng chính thời điểm này, những ca thán về giá logistics phi mã, làm khó nhà sản xuất liên tục được đưa ra. Thậm chí, các doanh nghiệp sản xuất đã đề nghị cơ quan quản lý nhà nước làm việc với doanh nghiệp logistics để giảm các loại giá cước...

“Chúng tôi sẽ nhớ hình ảnh những đoàn xe tải xếp hàng dài trước các điểm chốt phòng dịch, những người lái xe, những người làm thủ tục giao vận hàng hóa trong bộ đồ bảo hộ kín mít... Dù thế nào, chúng tôi vẫn được làm việc, đó là điều tích cực”, ông Nam bắt đầu câu chuyện không dễ kể.

Nhìn một cách tổng thể, ông Nam thừa nhận, logistics đang là một trong những ngành có nhiều thuận lợi hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu - điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế trong những tháng vừa qua, có thể thấy ngay điều này. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp trong ngành đạt và vượt kế hoạch doanh thu của năm. Dolphin Sea Air Services Corp. của ông Nam cũng có mức doanh thu khả quan, khả năng tăng ít nhất 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trò chuyện với doanh nhân Trần Đăng Nam

Đến thời điểm này, năm 2021 đã gần kết thúc, nhìn lại, ông có điều gì nuối tiếc?

Một là, dịch bệnh khiến việc đi ra nước ngoài để học hỏi, phát triển thị trường quốc tế chưa được như kỳ vọng. Thay vào đó, chúng tôi thúc đẩy bộ phận kinh doanh tiếp cận các đối tác, phát triển hệ thống đại lý, mở văn phòng liên doanh với các đối tác…

Hai là, dịch bệnh không đi lại được, không được gặp gỡ anh em, hơi nhớ.

Ông có nhận định gì về năm 2022?

Vẫn là một năm sẽ có nhiều cơ hội nữa cho ngành logistics, tôi tin chắc như vậy. Nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, những khó khăn do dịch bệnh sẽ giảm đi, chiến lược tấn công để tận dụng cơ hội cũng sẽ phải thay đổi, đòi hỏi cách làm khác.

Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống, đối tác và thiết lập các liên minh, để mở rộng hệ sinh thái cùng với xây dựng các sản phẩm chất lượng, chuyên nghiệp, tăng tốc chuyển đổi số.

Ông nghĩ thế nào về sự có mặt trong Fast 500 vào năm tới?

Chúng tôi đang định hướng sẽ trở thành một doanh nghiệp thực sự lớn trong ngành, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi cũng chờ đợi những chương trình, kế hoạch phục hồi kinh tế của Chính phủ, để có thể đi nhanh hơn, thậm chí nhảy vọt trong kế hoạch của mình.

Vì chúng tôi đã nghe thấy các kế hoạch đầu tư vào hạ tầng kết nối, cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực. Đây là các nút thắt trong phát triển logistics, nếu gỡ nhanh, doanh nghiệp sẽ lớn nhanh.

Ông đang là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội. Các doanh nghiệp chờ đợi gì ở chương trình phục hồi, phát triển kinh tế?

Điều đầu tiên phải nói là, doanh nghiệp rất nỗ lực xoay chuyển, dù khó khăn khác nhau. Chúng tôi đang thiết lập các gắn kết, hỗ trợ, liên kết hỗ trợ để cùng nhau vượt khó khăn, có thể sử dụng sản phẩm của nhau...

Nhưng để thực sự thoát ra, doanh nghiệp cần sự hậu thuẫn tốt hơn từ Chính phủ. Dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, như giảm, giãn một số loại thuế, phí, nhưng vẫn cần nhiều hơn. Cụ thể là tiếp cận vốn, hỗ trợ dòng tiền, an sinh xã hội... Chúng tôi cũng chờ đợi sự hỗ trợ của các quỹ đổi mới, sáng tạo cho các kế hoạch chuyển đổi số của doanh nghiệp...

“Nhưng ở góc độ chia sẻ với các doanh nghiệp sản xuất, không thể nói là các doanh nghiệp không chia sẻ với nhau khi chỉ nhìn vào các đơn giá”, ông Nam thẳng thắn.

Dịch bệnh và ách tắc lưu thông đã đẩy chi phí logistics toàn cầu tăng cao. Ông Nam nói, chi phí 1 container từ Việt Nam đi Mỹ từ 3.000 đến 5.000 USD trước dịch, giờ đã tăng 10 lần, do các hãng tàu ngoại chi phối. Chi phí vận chuyển trong nước cũng bị đẩy cao do các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh... Trong nhiều mảng hoạt động, doanh nghiệp logistics chấp nhận có doanh thu để có dòng tiền, nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp hơn rất nhiều.

“Nếu chúng ta có hãng tàu lớn thì có thể khác, còn giờ thì buộc phải theo giá thị trường”, ông Nam phân tích. Tuy nhiên, ông Nam cũng nói, đang nhìn thấy nhiều cơ hội từ những khó khăn này, thậm chí chưa bao giờ cơ hội lại nhiều như vậy.

2.

Cách đây hơn 1 năm, ngay khi đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất kết thúc, ông Nam cũng đã từng nói về cơ hội lớn của ngành logistics. Lúc đó, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách “ngủ đông”, đi chậm để dò xét bởi những nỗi sợ vô hình, khó nắm bắt do Covid-19 mang đến. Ở Dolphin Sea Air Services Corp., cuộc họp lãnh đạo cũng diễn ra căng thẳng.

Nhớ lại, ông Nam chia sẻ, cũng có nỗi sợ, nhưng đội ngũ lãnh đạo Công ty xác định, nếu sợ, nếu “phòng ngự”, e dè, thì sẽ không làm được gì, vì không biết “phòng ngự” đến bao giờ.

“Tôi cũng chia sẻ với anh em rằng, kinh doanh là chấp nhận phải tấn công, kể cả trong khó khăn, vấn đề là tấn công thế nào. Có thể không đảm bảo 100% thắng khi tấn công, nhưng nếu không làm gì, thì 100% sẽ thua”, ông Nam kể. Cuộc họp đã kết thúc với quyết tâm tấn công, nhắm vào chất lượng các dịch vụ, cơ cấu sản phẩm phù hợp và tranh thủ tìm kiếm, khai thác thị trường mới.

Nhưng nói thì dễ, ông Nam thừa nhận, không dễ quyết các khoản đầu tư nguồn lực mới trong thế giới VUCA. “VUCA” là từ viết tắt tiếng Anh của các từ “biến động”, “bất định”, “phức tạp”, “mơ hồ”, đang được nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo thế giới dùng để khái quát tình hình thế giới từ khi có Covid-19. Cách ứng xử phổ biến trong thời VUCA là phòng thủ, bảo vệ những gì mình đang có, đã tích lũy được.

“Chúng tôi đầu tư vào các bộ phận kinh doanh, mở rộng thị trường, cả trong nước và nước ngoài, kết nối với các đại lý nước ngoài; đầu tư ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số... Đây là thời điểm chúng tôi đầu tư lớn nhất vào công nghệ từ trước đến giờ, để có thể làm việc ở mọi nơi”, ông Nam chia sẻ về quyết định đầu tư lớn khi Covid-19 đến. Năm 2021, chiến lược này được tiếp tục với quan điểm “phải đầu tư tới” với các con số đủ lớn, vì đã chọn tấn công là phải tạo ra sức mạnh thực sự.

Cơ sở của quyết định này là những dự báo phục hồi nhanh của thị trường Mỹ, EU và các thị trường truyền thống của hàng xuất khẩu Việt Nam. Nên khi các hãng hàng không hạn chế chuyến bay, Công ty thực hiện dịch vụ thuê nguyên chuyến để đảm bảo tốc độ giao hàng. Nếu sản phẩm không thay đổi, thì chi phí phải được tối ưu thông qua ghép nối các đơn hàng nhờ ứng dụng công nghệ, cách làm việc, cách thức sáng tạo kết nối...

Hơn thế, logistics là một ngành quan trọng của nền kinh tế hội nhập, độ mở cao, nhưng ở Việt Nam, ngành này mới chỉ bắt đầu, dư địa còn nhiều, kể cả trong khó khăn.

“Sản lượng doanh thu từ thị trường Mỹ của hệ thống chúng tôi tăng nhanh trong dịch bệnh, có tháng, Công ty chuyển 3.000 container đi đến thị trường này là một minh chứng về thị trường. Chỉ cần doanh nghiệp xác định rõ cơ hội, từ đó có đường đi bài bản. Còn khó khăn đòi hỏi sức sáng tạo liên tục, kể cả ngắn hạn cũng cần sáng tạo”, ông Nam kể lại những đắn đo khi lựa chọn chiến lược kinh doanh của 2 năm Covid-19.

Kết thúc năm 2020, Dolphin Sea Air Services Corp. không những hoàn thành các mục tiêu kinh doanh, mà còn lần đầu có mặt ở vị trí 90 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (Bảng xếp hạng Fast 500, do Vietnam Report công bố tháng 3/2021).

3.

Ông Nam gọi đội ngũ Dolphin Sea Air Services Corp. là những chiến binh.

“Ngay cả khi văn phòng ở TP.HCM có F0, mọi người vẫn quyết tâm không rời trận địa. Chiến lược tấn công của Công ty được thực hiện nhờ sự tập trung cao độ, sức sáng tạo và tinh thần chiến binh của cả hệ thống”, ông Nam nói, dành nhiều cảm xúc cho đội ngũ của mình.

Được thành lập từ năm 2008, khởi đầu với vài chục nhân sự, giờ đây Công ty có hơn 200 chuyên gia, nhân viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản; hệ thống 18 chi nhánh, văn phòng đại diện phủ khắp các thành phố, các khu công nghiệp trọng điểm.

Năm vừa rồi, Công ty đã tham gia đầu tư vào các văn phòng, đại lý ở nhiều nước. Mỹ và EU là thị trường mà ông Nam dự kiến đặt chân vào năm 2022 tới đây.

Ông Nam chia sẻ, logistics là ngành đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao, mà để đạt được, doanh nghiệp cần thiết lập được hệ sinh thái các dịch vụ. Doanh nghiệp nước ngoài đi trước và có thế mạnh nổi trội trong lĩnh vực này. Thậm chí, các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cũng có những lợi thế hơn doanh nghiệp Việt khá nhiều.

“Nhưng không thể vì rụt rè mà từ chối bước chân ra ngoài. Sự phát triển của công nghệ cho phép các doanh nghiệp đi sau có thể nghĩ đến việc xây dựng tầm ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực này, chúng ta có cơ hội trở thành DHL, Fedex...”, ông Nam tự tin.

Đây cũng là chiến lược mà ông thiết kế cho Dolphin Sea Air Services Corp., mang sứ mệnh vươn ra thế giới, với tư cách là thương hiệu Việt trong lĩnh vực logistics toàn cầu. Tất nhiên, một vài doanh nghiệp có thể khó làm, nên cần Chính phủ có định hướng, nhiều doanh nghiệp cùng tham gia.

“Việt Nam sẽ phải, cần có những hãng tàu, hãng logistics lớn chứ, tại sao không?”, ông Nam nói.

Doanh nhân Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Phục Hưng Holdings: Khó khăn sẽ tôi luyện bản lĩnh doanh nhân
Với ông Cao Tùng Lâm, khó khăn, thách thức là cách tôi luyện bản lĩnh doanh nghiệp, doanh nhân tốt nhất.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư