Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân và Nhà nước
Bảo Duy - 13/10/2022 09:45
 
Tin xấu xuất hiện ngay trước Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2022. Thêm vài doanh nhân tên tuổi bị bắt vì những hành vi vi phạm pháp luật. Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị đặt dấu hỏi, bị kiểm tra do treo biển đóng cửa, hết hàng…

Dù những thông tin này là rất ít so với tin vui về những con số đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, vào sự hồi sinh nhanh chóng của nhiều ngành, lĩnh vực… sau dịch bệnh, nhưng không khí của ngày kỷ niệm như trùng xuống.

Cũng phải thẳng thắn, việc này cũng là bình thường, vì dù trong kinh doanh hay bất cứ ngành nghề nào, luôn có người này, người kia. Việc xử lý những hành vi vi phạm luôn là cần thiết, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cũng là để bảo vệ những con người, những hành vi liêm chính, bảo vệ sự trong lành của môi trường đầu tư - kinh doanh. Đó là cuộc sống muôn màu.

Song, điều đáng tiếc là, giá như có cơ chế quản trị rủi ro tốt hơn, phát hiện sớm hơn để có “cảnh báo đỏ” hoặc đi đến tận cùng việc tìm kiếm giải pháp đồng hành giải quyết các vấn đề khi có rủi ro, khi bắt đầu có dấu hiệu lệch đường ray của doanh nghiệp, doanh nhân.

Khi đó, có thể sẽ không có những vụ án gây tác hại tiêu cực lớn đến vậy tới nền kinh tế, doanh nghiệp cũng có thể sẽ không phải chọn cách ứng xử không còn chỗ lùi như vậy.

Tư duy coi doanh nghiệp, doanh nhân vẫn là đối tượng cần giám sát; cơ quan nhà nước là bên đứng ngoài quản lý hơn là đồng hành cùng phát triển có thể là một phần nguyên do của những mặt trái trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, khi thành lập doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cơ chế, chính sách vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện dần, thì doanh nhân là người thực sự dũng cảm, đã cống hiến, dấn thân cho khát vọng phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.

Vì các doanh nghiệp không chỉ nộp thuế, đóng góp ngân sách, mà tạo ra việc làm, tạo thu nhập cho người dân; tạo ra sản phẩm của người Việt, đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới; tạo nguồn lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy cạnh tranh.

Khi tầm vóc doanh nghiệp Việt lớn lên chính là một phần sức lực để nâng vị thế đất nước. Khi có lực lượng doanh nghiệp dân tộc đông đảo, gắn kết, sẽ có nền kinh tế độc lập và tự chủ. Khi có cộng đồng doanh nhân khát vọng, liêm chính và dũng cảm, tất yếu, quốc gia sẽ thịnh vượng, phát triển bền vững.

Nếu nhìn doanh nghiệp, doanh nhân ở góc nhìn như thế, thì chắc chắn, hệ thống chính sách dành cho doanh nghiệp sẽ được xây dựng và vận hành theo hướng thúc đẩy doanh nhân làm giàu, làm ăn lớn, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo… đi cùng với yêu cầu về quản trị minh bạch, công khai, tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường.

Nhìn doanh nghiệp, doanh nhân với góc nhìn như thế, sẽ có sự rạch ròi giữa sai phạm của doanh nhân với doanh nghiệp, để thấu hiểu, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp làm ăn, thay vì lo làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước, sợ sai phạm mà dựng điều kiện kinh doanh, dựng thủ tục hành chính.

Tất nhiên, để làm được như vậy không dễ, vẫn cần thời gian, nhưng trước mắt, bắt đầu từ sự nhất quán trong tư duy quản lý nhà nước, trong xây dựng và thực thi chính sách theo hướng đó, đảm bảo cam kết đồng hành, hỗ trợ và bảo vệ những doanh nghiệp, doanh nhân liêm chính.

Trong môi trường thể chế, môi trường kinh doanh trọng đạo đức, liêm chính, vận hành công khai, minh bạch, vì sự phát triển chung, doanh nhân tất sẽ chọn con đường dẫn đến sự phát triển bền vững, tất sẽ phải đánh giá trung thực về năng lực, phẩm chất và trách nhiệm của chính mình với cộng đồng xã hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư